Gỡ 2 nút thắt để phục hồi sản xuất

H.Vũ (thực hiện) 02/03/2020 08:30

Để phục vụ sản xuất có 2 yếu tố quan trọng là nguồn nguyên vật liệu- yếu tố “đầu vào” của sản xuất và hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp. Vậy trong bối cảnh hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm sao có thể tháo gỡ được 2 nút thắt ấy để phục hồi sản xuất? Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần đa dạng hóa các vùng có thể trồng nguyên vật liệu trong nước, cũng như cần gói kích cầu để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Gỡ 2 nút thắt để phục hồi sản xuất

Ông Nguyễn Trí Hiếu.

PV: Thưa ông, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cả hai yếu tố quan trọng là nguồn nguyên vật liệu và hỗ trợ tín dụng đều gặp những khó khăn. Vậy chúng ta cần có giải pháp nào để tháo gỡ hai nút thắt trên?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Hiện nhiều ngành nghề đang bị tác động bởi dịch Covid-19. Bên cạnh du lịch, giao thông vận tải, khách sạn, tiêu dùng, hàng ăn thì ngành công nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng do thiếu đầu vào là nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều đó làm cho các doanh nghiệp (DN) của ta lâm vào cảnh khó khăn do không có nguồn nguyên vật liệu để sản xuất. Chính vì vậy, trong hỗ trợ về mặt tài chính, các ngân hàng nên hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, tái cơ cấu lại nợ. Nhưng tôi cho rằng, bản thân các DN cũng phải chủ động lên phương án, kế hoạch dự phòng. Ví dụ đã có món vay của một ngân hàng, thì có thể tiếp tục xin ngân hàng cho dự phòng một khoản vay khác nữa. Hoặc cũng có thể đến một ngân hàng hay các quỹ đầu tư để xin một khoản vay dự phòng. Nghĩa là phải có một kế hoạch dự phòng về tài chính chứ không thể nào chỉ tập trung vào những quan hệ hiện tại. Trong hoạt động kinh doanh, cần cắt giảm các khoản chi phí, tìm kiếm thị trường mới và chỉ tập trung cho những cái chính và có tiềm năng.

Đối với Chính phủ có thể hỗ trợ DN được nhiều mặt. Thứ nhất có thể giảm thuế cho các doanh nghiệp gặp khó khăn. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng khoanh lại nợ, không chuyển nhóm nợ. Bởi, chuyển nhóm nợ rất nguy hiểm ở chỗ, khi bị chuyển lên nhóm nợ xấu gồm các nhóm: 3, 4, 5 thì họ sẽ không được vay thêm, chịu lãi suất cao, nhiều khả năng dính vào nợ xấu. Bên cạnh việc Chính phủ có các hỗ trợ về mặt chính sách, thì các hiệp hội, làng nghề cũng cần chủ động giúp các thành viên của mình. Nền kinh tế nước ta có nhiều thành phần, cho nên bây giờ mỗi thành phần có kế hoạch biện pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Vùng sản xuất vùng nguyên vật liệu của ta hiện rất ít, đa phần đều phải nhập. Khi nước ngoài “có vấn đề” thì ta bị đình trệ sản xuất vì đầu vào nguyên liệu thiếu. Vậy, cần xây dựng vùng nhiên liệu thế nào để đáp ứng sản xuất trong nước, thưa ông?

-Đã từ rất lâu rồi, tôi từng đề cập vấn đề phải phân bổ “đầu vào” của Việt Nam là nguồn nguyên vật liệu vì chúng ta dựa quá nhiều vào Trung Quốc. Đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chúng ta cứ nghĩ hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng tốt, lại ngay bên cạnh nước ta, vận tải, logistic rất thuận lợi nên ta cứ “yên tâm” để nhập đầu vào. Bây giờ mới thấy rằng mình đã quá chậm trong việc đa dạng hóa các nguồn đầu vào, đáng lẽ ta phải làm từ 10 năm nay rồi. Vì thế cần có quan hệ với các nước khác trong châu Á để tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu, tránh những rủi ro. Đơn cử như Malaysia, Singapore, Indonesia cũng có thể đáp ứng được phần nào nguồn nguyên vật liệu. Chính vì thế bây giờ cần tổng hợp các biện pháp từ việc trở lại với thị trường nội địa, đa dạng hóa các vùng có thể trồng và cung cấp được.

Trước đây, chúng ta đã từng có gói hỗ trợ 10 ngàn tỷ đồng cho ngư dân; 30 ngàn tỷ đồng hỗ trợ cho người thu nhập thấp để mua nhà. Vậy trong lúc này theo ông Chính phủ có nên có gói hỗ trợ nào cho doanh nghiệp hiện nay để “kích cầu” giúp cho DN vượt khó?

-Tôi đồng tình với đề xuất của bạn đưa ra. Hiện tác động của dịch Covid-19 lớn lắm. Ví dụ, nếu được tuyên bố là “đại dịch toàn cầu” có nghĩa toàn thế giới sẽ lao vào khủng hoảng, Việt Nam rất dễ bị tổn thương do dịch Covid -19; vì kim ngạch xuất khẩu của ta gấp 2 lần GDP. Đây chính là lúc chúng ta cần hỗ trợ cho DN chứ không phải chờ nữa, không thể để “chết” mới bơm “máu”. Hiện những ngành giao thông vận tải, may mặc, dệt may phụ thuộc đầu vào từ Trung Quốc đang gặp khó khăn. Chúng ta cần gói hỗ trợ ngay, có thể chưa cần gói lớn nhưng ít nhất cũng phải từ 30 đến 50 ngàn tỷ đồng để giúp các DN bị tổn thương nhiều. Tôi xin nhấn mạnh rằng, khi một số DN nhỏ lao đao sẽ kéo theo nhiều DN khác bị khủng hoảng theo họ.

Nhưng DN có thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ tín dụng, phát triển sản xuất không dễ, thưa ông?

-Theo tôi có lẽ phải thông qua bảo lãnh tín dụng và đó là cách hỗ trợ tốt nhất. Chúng ta không phát tiền cho DN như Hồng Kông đang phát tiền cho người dân, mỗi người 1.000 USD. Nhưng qua cơ chế bảo lãnh tín dụng của các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Chính phủ bơm tiền vào đó. Rồi các Quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh cho các ngân hàng để các ngân hàng cho các DN vay. Làm như vậy ngân hàng có thể cho DN yếu kém vay. Vì nếu DN đang ở tình trạng lao đao, ngân hàng rất ngại, không dám cho vay thêm. Vì thế chúng ta hỗ trợ bằng cách bảo lãnh cho các ngân hàng; tức là dùng uy tín của Chính phủ để bảo lãnh. Như thế ngân hàng mới yên tâm cho vay. Muốn vậy Quỹ bão lãnh tín dụng cần tái cơ cấu lại vì từ trước đến nay hoạt động èo uột, điều kiện cho vay còn khắt khe, khó khăn hơn cả ngân hàng thì sao DN có thể tiếp cận được Quỹ bảo lãnh tín dụng. Để từ đó có thể hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DN.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, tác động của dịch Covid-19 rất lớn. Việt Nam rất dễ bị tổn thương do dịch Covid -19 vì kim ngạch xuất khẩu của ta gấp 2 lần GDP. Đây chính là lúc chúng ta cần hỗ trợ cho doanh nghiệp. Những ngành như giao thông vận tải, may mặc, dệt may phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc đang gặp khó khăn. Chúng ta cần gói hỗ trợ ngay, có thể chưa cần gói lớn nhưng ít nhất cũng phải từ 30 đến 50 ngàn tỷ đồng để giúp các doanh nghiệp bị tổn thương nhiều. “Tôi xin nhấn mạnh rằng, khi một số doanh nghiệp nhỏ lao đao sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp khác bị khủng hoảng theo họ”- ông Hiếu nói.

H.Vũ (thực hiện)