Brexit- hành trình giông bão
Brexit - Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) là một quá trình giông bão. Trong thời gian này, kể từ 2013, các Thủ tướng Anh là David Cameron, Theresa May và Boris Johnson đã phải “lên bờ xuống ruộng”; còn trong nước là sự chia rẽ, những cuộc xuống đường của cả hai phía “đi” và “ở”. Nhưng rồi, cuối cùng thì vào lúc 11 giờ ngày 31/1/2020, theo giờ London, khi chuông đồng hồ tháp Big Bang vang lên cũng là lúc đánh dấu nước Anh chính thức chia tay EU- khép lại một chặng đường ghềnh thác.
Vấn đề “đi hay ở” khiến nước Anh chia rẽ nay đã khép lại.
Không may mắn
Vào năm 2013, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ- ông David Cameron- cam kết tiến hành trưng cầu ý dân về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, chính trường nước này chứng kiến nhiều cuộc chạm trán nảy lửa. Nghị viện, Chính phủ không thống nhất. Còn trên các đường phố và truyền thông, “cuộc chiến” cũng dữ dội không kém. “Nước Anh thao thức! Nước Anh mất ngủ”- những cụm từ được nói đến khắp mọi nơi.
Thực tế thì từ năm 1975, Chính phủ mới của Công đảng Anh cũng đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc đưa Anh rời EU, nhưng khi đó, phần lớn người dân Anh đã không chọn việc thay đổi. Chuyện Anh rời khỏi EU đã “nóng” trở lại vào năm 2013, khi Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là ông David Cameron đã cam kết sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này, nếu đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Khi đó, ông Cameron tin vào việc cử tri Anh sẽ bỏ phiếu ở lại EU.
Ngày 23/6/2016, người dân Anh đi bỏ phiếu về việc ở lại hay rời khỏi EU. Tại cuộc bỏ phiếu này, 52% số cử tri đã ủng hộ việc rời khỏi EU. Kết quả gây sốc đã khiến ông Cameron từ chức.
Ngày 13/7/2016, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May được đảng Bảo thủ bầu chọn làm người đứng đầu đảng này, đồng nghĩa với việc trở thành người tiếp quản ghế Thủ tướng Anh. Điều đáng nói là bà May vốn là người ủng hộ việc Anh rời khỏi EU. Đến ngày 29/3/2017, bà May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để Anh bắt đầu quá trình đàm phán rời EU. Theo dự kiến, toàn bộ quá trình này kéo dài khoảng 2 năm, và Brexit sẽ diễn ra ngày 29/3/2019. Ngay tại thời điểm đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) Donald Tusk cho rằng việc kích hoạt Điều 50 không phải chuyện vui vẻ, đồng thời phát đi thông điệp với Chính phủ Anh: “Chúng tôi nhớ các bạn. Cảm ơn và tạm biệt”. Điều đó cho thấy EU “chán” Anh và đã chuẩn bị giành thế thượng phong khi Brexit diễn ra.
Ngày 18/4/2017, sau nhiều lần khẳng định không tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn, bà May bất ngờ thay đổi ý định, thông báo cuộc bầu cử sớm ở Anh sẽ được tổ chức vào ngày 8/6 cùng năm. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu ngày 8/6 cho thấy, đảng của bà từ chỗ đang ở thế đa số lại trở thành phe thiểu số trong Quốc hội, khiến cho tiến trình Brexit khủng hoảng. Nhiều ý kiến cho rằng nước Anh cần tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới để đảo ngược Brexit.
Cho tới ngày 8/12/2017, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã đạt được tiến bộ trong giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán về Brexit, bao gồm các điều khoản về đường biên giới với Ireland và quyền công dân, mở ra giai đoạn hai của việc bàn thảo về tương lai quan hệ thương mại với nước Anh. Như vậy, “hóa đơn li hôn” giữa EU với Anh đã hình thành mà phần chủ động thuộc về EU.
Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản. Cho tới ngày 25/11/2018, các nhà lãnh đạo EU đã phê chuẩn bản thỏa thuận Brexit dày 600 trang với Anh, trong đó vạch ra các điều khoản liên quan việc Anh rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019, bao gồm cả vấn đề “hóa đơn ly hôn” trị giá 39 tỷ bảng, bản kế hoạch dự phòng liên quan biên giới Ireland trong trường hợp các cuộc đàm phán thương mại bế tắc… cùng tuyên bố dài 26 trang phác thảo quan hệ thương mại tự do giữa hai bên trong tương lai. Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker khẳng định đó là thỏa thuận duy nhất có thể chấp nhận được.
Nhưng đến ngày 15/1/2019, chỉ còn chưa đầy 3 tháng là đến hạn chót Brexit do EU đề ra, các nghị sĩ Anh đã bác bỏ kế hoạch Brexit của bà May với 432 phiếu phản đối và 202 phiếu ủng hộ. Kết quả cuộc bỏ phiếu lịch sử này đẩy tương lai Chính phủ của bà May và Brexit vào thế bất định. Cho tới ngày 14/2/2019, Hạ viện Anh tiếp tục bỏ phiếu bác bỏ các kế hoạch Brexit mới của bà May. Chưa hết, tại phiên bỏ phiếu đầy chia rẽ ngày 14/3, các nghị sĩ Anh ủng hộ việc đề nghị EU trì hoãn Brexit đến sau hạn chót 29/3.
Chỉ trước thời hạn chót 2 ngày, ngày 27/3/2019, các nghị sĩ Anh bác bỏ toàn bộ 8 lựa chọn liên quan Brexit, trong đó có đề xuất trưng cầu ý dân lần thứ hai về thỏa thuận Brexit và đề xuất Anh rút khỏi EU mà không có thỏa thuận. Trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 29/3, ngày Anh dự kiến rời khỏi EU, thỏa thuận Brexit đã bị Hạ viện Anh từ chối lần thứ ba. Trong bối cảnh đó, bà May đã viết thư cho ông Tusk- Chủ tịch Hội đồng châu Âu, đề nghị trì hoãn thời điểm Brexit đến ngày 30/6. Đến ngày 11/4, các nhà lãnh đạo 27 nước EU nhất trí gia hạn 6 tháng đối với tiến trình Brexit, tức tới ngày 31/10/2019 nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Trước sức ép quá lớn, tháng 5/2019, bà May thông báo sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ. Đến ngày 23/7, ông Boris Johnson được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ và trở thành Thủ tướng tiếp theo của Anh. Chỉ 2 ngày sau, ông Johnson tuyên bố sẽ nỗ lực đạt được một thỏa thuận mới về việc Anh rời khỏi EU, nhưng ngay trong cuộc điện đàm đầu tiên với tân Thủ tướng Anh, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã khẳng định thỏa thuận với người tiền nhiệm Theresa May là tốt nhất và duy nhất. Đáp lại, ông Johnson đã tuyên bố Chính phủ của ông sẽ chuẩn bị cho một cuộc “ly hôn” không thỏa thuận sau ngày 31/10, nếu EU từ chối đàm phán.
Phản ứng lại, ngày 4/9, các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu thông qua một dự luật nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận. Lập tức ông Johnson thúc đẩy một cuộc tổng tuyển cử sớm nhưng không thành công. Với quyết tâm thực hiện Brexit đúng thời hạn 31/10, ông Johnson đã quyết định đình chỉ hoạt động của Quốc hội Anh từ ngày 9/9 đến ngày 14/10. Nhưng vào ngày 25/9, Quốc hội Anh đã nối lại hoạt động sau khi Tòa án tối cao nước này ra phán quyết rằng quyết định của Thủ tướng là trái luật. Ông Johnson tiếp tục thúc đẩy tiến hành một cuộc tổng tuyển cử sớm nhưng vẫn không thành. Tuy thế, ông Johnson vẫn kiên quyết rằng cách duy nhất để thực hiện được Brexit là tổ chức một cuộc tổng tuyển cử. Đến ngày 28/10, Công đảng đối lập đã ủng hộ một dự luật của Chính phủ, theo đó cho phép tiến hành tổng tuyển cử. Quốc hội Anh bị giải tán vào ngày 6/11, mở đường cho “trận chiến” giành quyền kiểm soát ghế Thủ tướng. Kết quả được coi là “bất ngờ” khi trong cuộc tổng tuyển cử ngày 12/12, đảng Bảo thủ của ông Johnson đã giành được thế đa số tại Quốc hội. Ông Johnson vẫn ngồi lại ghế Thủ tướng và quyết tâm thực hiện Brexit đưa nước Anh rời khỏi EU vào ngày 31/1/2020.
Số phận không may mắn của bà May
Như đã nói, quá trình Brexit trong vòng 7 năm đã liên quan trực tiếp tới 3 vị Thủ tướng của nước Anh, khiến 2 Thủ tướng mất ghế. Trong đó, bà May được cho là vị Thủ tướng gặp nhiều gian truân nhất.
Trước hết, khi chưa là Thủ tướng, bà May là người ủng hộ nước Anh rời khỏi EU. Nhưng khi ngồi vào ghế Thủ tướng, bà May lại thay đổi quan điểm, khiến cho có lúc chỉ trong 3 ngày Hạ viện Anh phải bỏ phiếu 3 lần “đi hay ở”. Việc bà May lưỡng lự có tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 hay không cũng cho thấy tình thế hết sức khó khăn của bà.
Trong quá trình đề xuất Brexit, bà May đã 3 lần bị các Nghị sĩ bác bỏ kế hoạch của Chính phủ do bà đứng đầu, với số phiếu áp đảo: 412 phiếu thuận và 202 phiếu chống (trong lần đầu, 2 lần sau két quả cũng không khác nhiều). Tại thời điểm đó, giới quan sát cho rằng “kịch bản” Brexit của nước Anh là mờ mịt, và tương lai của bà May cũng mịt mù không kém.
Khi bà May rời ghế Thủ tướng, chuyển gánh nặng Brexit sang vai ông Johnson, giới phân tích chính trị Anh đã cho rằng dù sao thì bà May vẫn không phải là người ủng hộ Brexit bởi bà cho rằng đây không phải giải pháp để giải quyết gốc rễ vấn đề. Quan điểm của bà May là không rõ ràng giữa “đi” hay “ở” cũng như nếu Brexit diễn ra thì nó có thỏa thuận hay không cần đến thỏa thuận. “Tâm trạng của bà May có lẽ cũng là tâm trạng của nhiều người dân Anh, họ đã lưỡng lự. Mà như thế chỉ làm nước Anh bối rối. Phải chọn một trong hai cách chứ không thể mãi chần chừ. Vì thế, việc bà May “nhường” ghế Thủ tướng lại cho ông Johnson nên được xem không phải là thất bại của bà mà có lẽ đó là cách lựa chọn duy nhất: Phải có một người quyết định số phận của đất nước”- bình luận gia Mack Tuefaint viết trên tài khoản facebook cá nhân đã nhận được nhiều bình luận tán đồng.
Trên thực tế thì sau một loạt thất bại tại Hạ viện, uy tín và quyền lực của Thủ tướng Theresa May đã chạm tới mức thấp kỷ lục. Nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền của bà cũng vì thế mà không giữ được đoàn kết. Nguyên nhân được cho là bà May trên thực tế đã tìm cách thúc đẩy một “Brexit mềm,” ngược lại với những gì lực lượng ủng hộ Brexit cứng rắn mà đảng Bảo thủ mong muốn.
Cuộc chiến của ông Johnson
Bà May ra đi trao lại “cuộc ly hôn” đắt giá cho ông Johnson, vị Thủ tướng có mái tóc vàng không chải chuốt.
Kể từ tháng 5/2019, trên ghế Thủ tướng, ông Johnson dường như đã học được bài học thất bại của người tiền nhiệm, nên đã hành động nhanh, kiên quyết, tuyên bố Brexit bằng mọi giá. Và như vậy, ông Johnson đã đánh cược sinh mạng chính trị của mình vào quyết tâm đưa nước Anh ra khỏi EU. Lúc đó, giới quan sát đã cho rằng ông Johnson sẽ là vị Thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử nước Anh.
Trong năm 2019, và nhất là dưới thời của ông Johnson, tiến trình Anh rời EU được ví như đoạn cuối của cuốn phim truyền hình nhiều tập với đầy nút thắt kịch tính. Năm 2019 là một năm khủng hoảng của chính trường Anh khi Brexit liên tục bị trì hoãn, liên tục được khởi động- một năm giông bão của tiến trình Brexit.
Trong những báo cáo sau này mà Uỷ ban châu Âu đưa ra, ở những tháng đàm phán đầu tiên (3/2017), rất nhiều lần các đoàn đàm phán của phía Anh (do ông David Davis dẫn đầu) đã đến làm việc mà không hề có hồ sơ gì trong tay. Tiếp đến, sau tính toán sai lầm của bà May về việc tổ chức tuyển cử trước thời hạn vào tháng 6/2017, chính phủ đảng Bảo thủ đã đánh mất đa số tại Hạ viện Anh, buộc phải liên minh và phụ thuộc vào một đảng rất nhỏ là đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP), vốn chỉ có 10 ghế trong Hạ viện Anh. Từ đó, gánh nặng chồng chất bắt đầu.
Khi lên thay bà May, thì chính ông Johnson cũng không thể phá được thế bế tắc tại Hạ viện, dù đã bắt buộc phải xin EU gia hạn Brexit đến lần thứ 3 và cũng đã có một thoả thuận mới với EU. Điều đó buộc ông này phải “treo” Hạ viện và cũng “liều” phải đi bước cờ “tàn” là tổ chức tổng tuyển cử sớm. Nhưng khác với bà May, may mắn đã đến với ông Johnson trong cuộc bầu cử này.
Một phiên họp gay cấn tại Hạ viện mà bà May là người chịu trận.
Trong 15 ngày cuối cùng của năm 2019, nước Anh đã tìm được giải pháp khai thông cho sự bế tắc này, đó là chiến thắng áp đảo của đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson trong cuộc tổng tuyển cử hôm 12/12. Vương quốc Anh có một Hạ viện mới, với một đa số mạnh mẽ của đảng cầm quyền nên tiến trình Brexit đã đi vào hồi kết.
Nhìn lại tiến trình Brexit, người ta nhận thấy rằng chưa khi nào trong lịch sử hiện đại nước Anh mà xung đột giữa 3 nhánh quyền lực là hành pháp, lập pháp và tư pháp lại gay gắt đến thế, nhất là trong năm 2019. Có lẽ vì thế mà ông Boris Johnson tuyên bố: “Tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy lật sang một trang mới, và bắt đầu băng lại những vết thương” sau hơn 3 năm kịch liệt xâu xé kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.
Còn nhớ, vào ngày 10/9/2019 chỉ vài giờ sau khi Quốc hội Anh chính thức thông qua một dự luật buộc ông Johnson phải hoãn Brexit cho tới năm 2020 trừ phi ông đạt được một thỏa thuận với EU, thì ông Johnson đã tuyên bố: "Tôi sẽ tới hội nghị thượng đỉnh quan trọng đó (với EU) vào ngày 17/10 và cho dù Quốc hội này có nghĩ ra bao nhiêu kế để trói tay tôi, thì tôi vẫn sẽ cố gắng đạt một thỏa thuận vì lợi ích quốc gia. Chính phủ của tôi sẽ không hoãn Brexit thêm nữa".
Còn bây giờ, người ta sẽ chờ đợi xem nước Anh sẽ ra sao sau cuộc “li hôn” đầy sóng gió kéo dài suốt 7 năm qua.
Dù rằng nước Anh đã chính thức rời khỏi EU, nhưng quá trình “hoàn tất” sẽ vẫn còn không ít gay cấn. Riêng trong năm 2020 này có thể lưu ý các mốc thời gian sau:
Ngày 25/2: Các bộ trưởng châu Âu dự kiến gặp nhau tại Brussels. Đây có thể là thời điểm họ chấp thuận một ủy thác đàm phán mới cho Michel Barnier, người đã lãnh đạo quá trình Brexit từ phía châu Âu kể từ khi Anh chính thức yêu cầu rời khỏi EU vào năm 2017.
Tháng 6: Hội nghị thượng đỉnh EU – Anh dự kiến sẽ diễn ra. Tại thời điểm này, cả hai bên sẽ phải quyết định liệu họ có thể hoàn tất mối quan hệ thương mại mới vào cuối năm 2020 hay không.
Tháng 11: Theo các nhà lập pháp châu Âu đây là thời điểm cuối cùng có thể để họ ký kết một thỏa thuận thứ hai, nếu giai đoạn chuyển tiếp sẽ kết thúc vào năm 2020. Đây là mốc thời gian đầy thử thách.
Ngày 31/12: Với điều kiện là không có gia hạn và một thỏa thuận đã được thực hiện, ngày này sẽ đánh dấu thời điểm các thỏa thuận mới và một mối quan hệ mới sẽ có hiệu lực.