Triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030
Chính phủ vừa ban hành Quyết nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội, về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đời sống tinh thần của bà con dân tộc được nâng cao.
Theo đó, Chính phủ quy định việc thực hiện phải đảm bảo các nhiệm vụ: Tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chính sách dân tộc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án; Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2020) để thực hiện từ năm 2021.
Bên cạnh đó, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Ban thường trực, có sự tham gia của bộ, ban, ngành liên quan để chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình...
Chính phủ phân công Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển đảm bảo toàn diện, khách quan, khoa học, phù hợp với thực tiễn làm cơ sở cho việc xác định địa bàn, đối tượng ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trình Chính phủ trong Quý I năm 2020...
Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chính sách dân tộc, đồng thời đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thể, bãi bỏ kịp thời các văn bản không còn phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dụng của Đề án.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với người dân tộc thiểu số, nhất là nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Trình Chính phủ trong Quý II năm 2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo, hướng dẫn phân bổ và sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo đảm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các nhiệm vụ giải pháp khác để đạt được mục tiêu của Đề án.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa gắn trực tiếp với đồng bào dân tộc.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội và phối hợp với Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu xây dựng nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Bà con hăng hái tăng gia sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết: phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp về chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với lao động dân tộc thiểu số, thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giữ vững và phát huy thành quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, nâng cao chất lượng, mở rộng, đổi mới phương thức và mô hình hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; hỗ trợ việc ăn, ở cho học sinh, sinh viên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ khám, chữa bệnh và chất lượng các dịch vụ y tế, nhất là khám, chữa bệnh ban đầu ở tuyến cơ sở, phát triển y học dân tộc kết hợp với y học hiện đại; đẩy mạnh phát triển y tế dự phòng; thực hiện các giải pháp đồng bộ tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ y tế, khám, chữa bệnh ở tuyến Trung ương thông qua chính sách bảo hiểm y tế...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân; đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở từng vùng, từng địa phương; quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hoá; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp về khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; phối hợp tham mưu giải pháp về giải quyết đất, đất sản xuất, nước sinh hoạt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giao thông phục vụ sản xuất và đời sống, thúc đẩy giao thương hàng hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác của đất nước.
Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ dân tộc thiểu số và hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp về thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng 15, dân tộc thiểu số và miền núi; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng”, “điểm phức tạp” về an ninh trật tự, đặc biệt ở các địa bàn chiến lược.