Không xem nhẹ y tế học đường
Có lẽ chưa lúc nào công tác y tế học đường cần kíp như trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 hiện nay, khi học sinh sinh viên (HSSV) quay trở lại trường sau thời gian nghỉ Tết dài hơn nhiều so với mọi năm.
Khi được thăm dò ý kiến, câu nói cửa miệng của nhiều phụ huynh là: Tôi chỉ thực sự yên tâm khi môi trường học đường đảm bảo an toàn, các thầy cô giáo cũng như bộ phận nhân viên chăm sóc bán trú của nhà trường được tập huấn kỹ càng về việc phòng dịch Covid- 19.
Dẫu thế, khoảng trống của y tế học đường thời gian qua vẫn là mối quan tâm của xã hội. Mỗi năm cả nước có khoảng hơn 20 triệu HSSV, chiếm tỷ lệ khoảng 1/4 dân số. Trong quá trình trưởng thành của các em, y tế học đường đóng vai trò quan trọng, vì lứa tuổi đi học là giai đoạn hoàn thiện thể chất, tinh thần, hành vi lối sống. Hơn nữa trong đời sống xã hội hiện đại hôm nay, môi trường trường học ẩn chứa không ít nguy cơ tiềm ẩn dễ phát sinh bệnh tật. Song ghi nhận thực tế cho thấy chất lượng và số lượng cán bộ y tế không phải đơn vị trường học nào cũng được đáp ứng đầy đủ. Tình trạng “trắng” y tế học đường, coi y tế học đường chỉ là bước sơ cứu ban đầu, vai trò thứ yếu trong trường học… đang hiện hữu. Đặc biệt, những trường vùng cao, y tế học đường vẫn còn là vấn đề nan giải khiến HS chịu nhiều thiệt thòi.
Theo thống kê gần đây của Bộ GDĐT: Cả nước hiện có 40.493 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, tuy nhiên tổng số nhân viên y tế trường học chỉ chiếm 74,9%, trong đó biên chế là 53,7%, hợp đồng là 21,2%. Số cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế trường học là 25,1%, chủ yếu ở cấp học mầm non…
Ngành giáo dục cũng đánh giá, hơn 10 năm thực hiện chỉ thị của Bộ Y tế về chăm sóc sức khỏe học đường, công tác này vẫn chưa có những thay đổi vượt bậc ở hầu hết các địa phương. Tỉ lệ trường có phòng y tế mới đạt hơn 50%, cùng với đó chỉ có khoảng 55% số trường thực hiện quản lý và lưu hồ sơ sức khỏe của HS…Nhiều bất cập đang tồn tại. Thông tư 13 quy định, nhân viên y tế trường học phải có trình độ từ trung cấp y trở lên, nhưng số trường có cán bộ đảm bảo trình độ chuyên môn này chỉ đạt khoảng 30%.
Thực tiễn công tác y tế trường học và gần đây khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đòi hỏi các nhà trường phải quan tâm tới công tác chăm sóc, giáo dục sức khỏe HS nhiều hơn nữa. Mỗi thầy cô giáo, cũng như HS cần phải có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng chống dịch bệnh. Như vậy, y tế trường học không những cần trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế… mà chất lượng cán bộ y tế phải đảm bảo được yêu cầu. Nhìn rộng ra, với xu thế các trường học tiến tới học ngày 2 buổi, hay bán trú thì vai trò nhân viên y tế nhà trường ngày càng trở nên quan trọng.
Phân tích từ các chuyên gia y tế và giáo dục cho rằng: Muốn y tế học đường không đóng vai trò “phụ”, có cho đủ… thì trước hết mỗi Ban giám hiệu nhà trường nên tạo điều kiện nâng tầm cho cán bộ y tế trường học cũng như đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, cần coi sức khỏe HS là đối tượng phục vụ đặc biệt. Ngoài ra, chỉ khi nào các nhà trường đảm nhận tốt vai trò tổ chức, đáp ứng việc đảm bảo, nâng cao sức khỏe của HS bằng việc làm cụ thể từ tuyển dụng nhân viên, triển khai thiết thực các hoạt động có ích cho HS... , thì khi đó y tế học đường mới phát huy hiệu quả.