'Tìm đường' cho hát xẩm

Minh Quân (thực hiện) 03/03/2020 08:00

Cũng giống như các loại hình nghệ thuật truyền thống, hát xẩm suốt thời gian dài bị “che lấp” bởi các phương tiện nghe nhìn, giải trí hiện đại. Xung quanh câu chuyện này, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan- nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên báo Đại Đoàn Kết.

'Tìm đường' cho hát xẩm

PV:Dưới góc độ là người nghiên cứu về âm nhạc, ông đánh giá sao về sự phát triển của nghệ thuật hát xẩm hiện nay?

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: Có thể nói, hát xẩm cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác có một quá trình phát triển “vừa thăng, vừa trầm”. Thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật hát xẩm là những năm 30 của thế kỷ XX. Đến khoảng cuối thập niên 60, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, xẩm cũng như nhiều môn nghệ thuật dân gian khác ít có cơ hội xuất hiện. Tuy nhiên, xẩm cũng đã “đồng hành” cùng sự phát triển của đất nước khi tham gia đắc lực vào việc cổ vũ các phong trào như việc tuyên truyền cho phong trào bình dân học vụ ở các huyện ngoại thành với bài “Tiễu trừ giặc dốt”; nghệ nhân xẩm Minh Sen (Thanh Hoá) với cây đàn nhị đã đi khắp các mặt trận để hát cho các chiến sĩ nghe; hay nghệ nhân Hà Thị Cầu- người không hề biết chữ hay bất cứ nốt nhạc nào cũng sáng tác bài “Theo Đảng trọn đời” theo điệu Thập ân. Có thể thấy xẩm đã từng có một sức sống mạnh mẽ, dễ lan tỏa và có sức truyền cảm sâu sắc đến người nghe.

Còn hiện nay, mặc dù đang gặp những khó khăn chung những xẩm cũng có được sự đồng hành của những người “có tâm, có tầm”. Đó là những nỗ lực của các nghệ sĩ như Thao Giang, Văn Ty, Xuân Hoạch, Thúy Ngần, Thanh Bình... đã giúp nghệ thuật hát xẩm dần hồi sinh và đồng hành với sự phát triển chung. Những bài xẩm giờ đây dường như được khoác thêm chiếc áo mới với lời ca sinh động, vui tươi, có tính khuyên răn, giáo dục một cách nhẹ nhàng. Chính sự sáng tạo của những người nghệ sĩ đã dùng nghệ thuật hát xẩm để phản ánh đời sống xã hội bằng tính thời sự nóng bỏng. Cho nên xẩm thích nghi với mọi điều kiện, mọi chế độ xã hội.

Ông đánh giá sao về lực lượng kế cận của nghệ thuật hát xẩm hiện nay?

- Lớp nghệ sĩ đang đồng hành với nghệ thuật hát xẩm hiện nay có thể kể đến NSND Xuân Hoạch, NSƯT Mai Tuyết Hoa... Họ đều vì yêu, đam mê với xẩm mà tự nguyện giữ gìn, truyền bá môn nghệ thuật này. Họ tiếp nối truyền thống bằng một phương pháp khác. Phương pháp truyền thống là xẩm phải cọ sát với thực tế, phải trình diễn ở các xóm làng, phải đi hát rong bởi “phi hát rong bất thành xẩm”. Tôi đánh giá rất cao các nghệ sĩ đang học lại và trình diễn các điệu xẩm cũng như những nỗ lực của họ trong việc tìm cách lôi kéo công chúng. Khi mới khôi phục xẩm, lúc ấy thưa vắng người nghe lắm. Vậy mà giờ đây, xẩm đã trở thành phong trào. Rõ ràng công lao của họ rất lớn. Và họ thực sự là người yêu, đắm đuối thực sự với nghệ thuật xẩm. Nghệ thuật mà không có những người nghệ sĩ như thế thì tự nó sẽ chết. Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao việc phát hành các bài xẩm trên kênh Youtube nhằm tăng cường sức lan tỏa đến thế hệ trẻ của nhóm Xẩm Hà thành. Với sự chuyên nghiệp ấy, hy vọng nghệ thuật hát xẩm sẽ ngày càng phát huy những giá trị của mình và tiếp tục phát triển lên một tầng nấc mới, có sức lan tỏa rộng rãi, xứng đáng với vị thế của xẩm.

'Tìm đường' cho hát xẩm - 1

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan.

Để hát xẩm phát huy trong cuộc sống đương đại, chúng ta cần phải có những động thái gì, thưa ông?

- Việc duy trì nghệ thuật xẩm hiện tại đều do các nghệ sĩ. Họ chính là các hạt nhân lan tỏa tình yêu nghệ thuật hát xẩm đến các tầng lớp nhân dân. Nhưng cần phải tạo sự lan tỏa lớn hơn nữa, giống như ca trù đã làm được. Hiện nay, xẩm rất thiệt thòi vì chưa được quan tâm nhiều, trong khi nghệ thuật này có sức mạnh hơn rất nhiều môn nghệ thuật khác, là dễ đi vào lòng người, dễ tiếp nhận và có khả năng phản ánh đời sống xã hội một cách nhanh nhạy, kịp thời. Vì thế, các nhà quản lý văn hóa phải hỗ trợ để các nghệ sĩ làm tốt hơn, đào tạo thêm nhiều người hát xẩm chuyên và không chuyên.

Có điều là ngày xưa, chỉ cần một vấn đề xảy ra là “ông xẩm” có thể ứng tác ngay vào bài hát và “lấy được tiền” của người nghe. Các nghệ sĩ xẩm xưa giỏi ở chỗ đó. Họ vừa là người sáng tác lời ca, vừa là người biểu diễn. Đấy là việc bình thường của người hát xẩm. Những nghệ sĩ bây giờ ít có khả năng như vậy. Cho nên, tôi nghĩ cũng cần xem xét đến việc thành lập một trung tâm bảo tồn nghệ thuật hát xẩm do một nghệ sĩ đứng đầu nhưng có sự quản lý của Nhà nước và sự tham gia của nhân dân. Có thể thông qua việc xã hội hóa để hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật xẩm được thực hiện một cách chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi chức năng của nghệ thuật xẩm. Bởi ngày xưa hát xẩm là sinh kế, dùng nghệ thuật phản ánh đời sống xã hội để kiếm tiền. Còn bây giờ chức năng ấy không có nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Quân (thực hiện)