Kịch bản kinh tế 2020: Vượt qua thách thức!
Thế giới bước vào năm 2020 với một thách thức lớn: Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đã từ Vũ Hán lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và mấy chục quốc gia, vùng lãnh thổ bên ngoài lục địa Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 được nhiều chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá có mức độ tác động rất lớn, trong đó trước mắt là làm rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, ngay trong tháng 1, khi dịch đang ở giai đoạn khó khăn nhất, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định rõ quyết tâm: Không từ bỏ mục tiêu tăng trưởng.
Nhận diện tác động toàn cầu
Trong một cuộc tọa đàm về tác động của đại dịch tới nền kinh tế mới đây, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), đã đưa ra nhận định: Dịch bệnh lần này nghiêm trọng hơn dịch SARS năm 2003. So sánh có thể thấy, thời điểm hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn, quy mô của kinh tế Trung Quốc so với nền kinh tế thế giới đã rất rõ ràng dẫn đến tỉ lệ tác động cũng sẽ lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế này, vai trò của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện rất quan trọng, tác động của bệnh dịch lần này sẽ làm các thị trường như nguyên liệu, sản xuất, lao động sẽ bị xáo trộn.
Đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19 cũng phải được đặt trong một bối cảnh thế giới mới. Năm 2003 khi thế giới đối mặt với dịch SARS thì vẫn chưa có mạng xã hội, đến năm 2004, Facebook mới xuất hiện. Cho dù không muốn, chúng ta vẫn phải thừa nhận ảnh hưởng của truyền thông, của mạng xã hội theo 2 hướng, một mặt làm cho thông tin dịch bệnh bị thổi phồng, mặt khác người ta cũng vẫn cần những thông tin từ mạng xã hội để điều chỉnh chính sách và hoạch định chiến lược kinh doanh.
“Các chuyên gia thế giới gọi dịch virus này là “hiện tượng kích hoạt”, tự nó có thể khu trú ở một số tổn thất nhất định. Nhưng yếu tố kích hoạt của nó nằm ở chỗ làm cả chuỗi cung ứng toàn cầu bị rối loạn. Giảm tốc của kinh tế Trung Quốc năm nay chắc chắn sẽ giảm”-TS. Nguyễn Đức Thành đưa ra nhận định. Theo ông, để ước đoán thì rất khó nhưng có thể hình dung chắc chắn kinh tế Trung Quốc trong quý I này là tê liệt. Ví dụ như vùng Hồ Bắc là trái tim của lục địa, trung tâm công nghiệp nặng đã phải đóng cửa từ trước đến sau Tết đã ảnh hưởng rất lớn. Hoặc như Hàng Châu, Tô Châu cũng như vậy...
Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I/2020, lo ngại về sự bùng phát của Covid-19, TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, nói: “Tôi nghĩ tăng trưởng GDP quý I sẽ không thể đạt được mức dự báo ban đầu”.
Giải thích cho lo ngại này, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng vấn đề lo lắng nhất của nông sản của Việt Nam và người nông dân vẫn là vấn đề thị trường. Dịch Covid tác động tới nông nghiệp theo 2 hướng. Thứ nhất là cầu. Hiện tại thị trường gần nhất và lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc bị tác động trực diện từ đại dịch. Điều này khiến cầu của thị trường sẽ trở về với những sản phẩm cơ bản như lương thực thực phẩm, và bỏ qua những sản phẩm khác như hoa quả... Như vậy, tác động về trái cây, rau đã nhãn tiền có thể thấy. Nhu cầu giảm thêm một lần nữa từ những ảnh hưởng do việc buôn bán cũng hạn chế như chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ ngưng trệ khiến cho cầu giảm. Trong khi đó, giao thương bị gián đoạn do dịch bệnh, “ngăn sông cấm chợ” khiến chi phí giao dịch cao, mặt hàng tươi sống của Việt Nam sẽ không bảo quản được. Thứ hai về kết cấu sản xuất tiêu dùng trong nước trong ngắn hạn không thể thay đổi ngay được để đáp ứng nhu cầu từ thị trường này.
“Khi tất cả các vấn đề liên quan đến giao thương bị gián đoạn, nông sản sẽ nghẽn”-TS. Đặng Kim Sơn nhấn mạnh. Chưa kể, theo chuyên gia Đặng Kim Sơn còn những khó khăn nội tại trước đó mà dịch cúm đang khiến người ta bỏ qua không tính đến như chăn nuôi lao đao, trồng trọt đối diện với hạn hán. “Covid-19 nổi lên đã che mất những tác động này nhưng về cơ bản vẫn là những khó khăn chúng ta phải vượt qua. Như vậy, khó khăn chồng khó khăn và khó có thể nói chúng ta lạc quan về nông nghiệp trong năm nay được”.
Như vậy, trong khó khăn chồng chất, ngành nào sẽ bị ảnh hưởng nhất của dịch Covid-19, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành nhận định ngành du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự bùng phát dịch bệnh Covid - 19.
Việt Nam là một trong những quốc gia đón lượng khách du lịch Trung Quốc hàng năm rất lớn, du khách Trung Quốc đóng vai trò quan trọng với ngành du lịch hàng năm. Theo Tổng cục Thống kê, tính trong năm 2019, có 5,8 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Các chuyến bay đến và đi Trung Quốc bị ngừng trệ không chỉ gây tổn thương lớn cho ngành hàng không mà còn làm “tê liệt” lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam. Việc du khách Trung Quốc giảm mạnh không chỉ có nguy cơ phá vỡ mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế của ngành du lịch, mà còn tác động sâu sắc đến doanh thu ngành du lịch cũng như đóng góp của ngành vào GDP quốc gia.
Làm gì để vượt qua thách thức
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, ở vào giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch (số ca nhiễm virus corona ở Trung Quốc tăng không ngừng mỗi ngày), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định không đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020. Nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị của mọi người dân là vừa chống dịch vừa bình tĩnh ứng phó có những phản ứng thích hợp về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh.
Quyết tâm này đã nhận được sự đồng tình của các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để vượt qua thách thức? Theo các chuyên gia, việc quan trọng nhất lại không phải là trông đợi nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà là các doanh nghiệp Việt cần phải thay đổi phương thức hoạt động, tìm đối tác và thị trường mới để giữ vững mục tiêu tăng trưởng năm 2020. Trong khó khăn chung của nền kinh tế cũng là cơ hội để nền kinh tế nước nhà định vị lại, tái cấu trúc lại để hướng tới một sự phát triển bền vững trong tương lai.
Tất nhiên, ở góc độ điều hành nền kinh tế, ví dụ cụ thể ở lĩnh vực tìm đầu ra cho nông sản nhà nước cũng có thể có các giải pháp hỗ trợ tạm thời như khoanh vốn, giảm thuế, mở kênh phân phối… Tuy nhiên, về dài hạn phải có các giải pháp căn cơ hơn như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn… Khó khăn trong xuất khẩu nông sản không chỉ khi có dịch bệnh mới bộc lộ, theo ý kiến các chuyên gia kinh tế, những quy định như truy xuất nguồn gốc xuất khẩu nông sản bao gồm mã vùng, mã xưởng hay tem truy xuất nguồn gốc nếu được thực hiện, thì chúng ta sẽ không còn tình trạng giải cứu ở biên giới nữa, ngay cả khi không có dịch bệnh.
Nói về hỗ trợ của Nhà nước vào thời điểm này để giảm thiểu những tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế, TS. Nguyễn Đức Thành hoàn toàn chia sẻ quan điểm tự doanh nghiệp phải tìm cách vượt qua khó khăn. Khi nền kinh tế xảy ra những rủi ro vĩ mô và bất khả kháng, đối tượng trực tiếp chịu rủi ro là doanh nghiệp. Họ sẽ phải chấp nhận chuyển đổi thị trường, thậm chí chấp nhận thất bại và phục hồi. Chứ không phải chỉ ngồi trông chờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Theo chuyên gia kinh tế này, Nhà nước cần thận trọng khi sử dụng các chính sách hỗ trợ thông qua công cụ vĩ mô như tiền tệ, tài khóa, tín dụng. Hỗ trợ cần trúng và đúng ngành thiệt hại để tránh hiện tượng chảy sang các ngành khác hoặc hỗ trợ kém hiệu quả. Thay vì vội vàng trong việc sử dụng các công cụ tài chính, vĩ mô; các cơ quan chức năng nên đánh vào các biện pháp hỗ trợ vi mô trong nội bộ từng ngành, từng thị trường nhất định để hỗ trợ, khơi thông, giúp doanh nghiệp có thêm những giải pháp mới mang tính kỹ thuật và đặc thù.
“Trong 15 năm quan sát những cuộc khủng hoảng tại Việt Nam, tôi khẳng định rằng lạm dụng chính sách vĩ mô có thể giải quyết được các vấn đề tâm lý nhất thời như trấn an người dân nhưng không có nhiều hiệu quả cụ thể trong từng ngành” -TS. Nguyễn Đức Thành bày tỏ. Ông cũng cho rằng ngay cả các giải pháp tài chính như điều chỉnh tỷ giá và lãi suất cũng phải thận trọng vì nó có thể tác động đến nhiều ngành khác mà lại chưa chắc đã tác động được đến các lĩnh vực bị tổn thương nặng nề hơn như du lịch hay xuất khẩu nông sản.
Phục hồi nền kinh tế sau những tổn thương do dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng, đang được đặt ra và hoàn toàn có cơ sở để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 – mặc dù đó thực sự là một thách thức rất lớn.