Gỡ khó cho ngành mía đường
Để nâng cao nội lực thực sự cho ngành mía đường Việt Nam, Bộ Tài chính vừa điều chỉnh một số chính sách quản lý xuất nhập khẩu.
Hướng dẫn kỹ thuật trồng mía cho nông dân thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La. Ảnh: Quang Vinh.
Để bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong cạnh tranh giữa sản phẩm đường trong nước với sản phẩm đường nhập khẩu, Bộ Tài chính điều chỉnh quy định xuất khẩu tiểu ngạch đường qua biên giới theo hướng chỉ cho phép xuất những loại đường sản xuất từ 100% nguyên liệu mía trong nước. Không cho phép xuất khẩu tiểu ngạch các loại đường có nguồn gốc nước ngoài như đường tạm nhập tái xuất, đường sản xuất xuất khẩu (tức nhập đường thô, sản xuất đường tinh luyện xuất khẩu). Ngoài ra, siết chặt quản lý đường nhập khẩu theo hình thức tạm nhập, tái xuất bằng cách áp thuế ngoài hạn ngạch khi nhập khẩu và là đối tượng hoàn thuế nhập khẩu.
Bộ Tài chính cũng cho biết đã siết chặt quản lý đường nhập khẩu theo hình thức sản xuất xuất khẩu bằng cách quy định thời gian tái xuất 275 ngày, phải nộp thuế ngoài hạn ngạch khi nhập khẩu và là đối tượng được hoàn thuế nhập khẩu.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã tiến hành rà soát các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu mặt hàng đường để theo dõi, quản lý nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thương mại trong xuất, nhập khẩu đường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Hải quan địa phương và các lực lượng chức năng khác nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép đường vào nội địa để tiêu thụ.
Theo lộ trình cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) mà Việt Nam là thành viên, kể từ ngày 1/1/2018, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, áp thuế suất nhập khẩu chỉ 5%. Điều này càng khiến cho các loại đường trong nước có nguy cơ mất thị phần ngay trên “sân nhà” nếu như bài toán về giá thành chưa được giải quyết.
Trên thị trường hiện nay, nhất là ở các chợ truyền thống và các điểm bán lẻ, đường trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với các loại đường nhập khẩu. Trong đó có một số loại không nhãn mác với giá thành rẻ hơn khá nhiều.
Trước thực trạng nguồn cung tăng cao, lượng đường nhập lậu lớn tác động tiêu cực đến ngành sản xuất đường trong nước, Bộ Công thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực thi xóa bỏ thuế quan đến ngày 1/1/2020 để các doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng. Thời gian bảo hộ nêu trên được cho là cơ hội để ngành mía đường tái cơ cấu, thích ứng dần với những thay đổi từ thị trường thế giới.
Với quan điểm của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, ông Subbaiah-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP) nhận định: Dù giá đường của Việt Nam rẻ nhưng nếu so với Thái Lan thì giá mía nguyên liệu giữa hai nước có khoảng cách chênh lệch rất lớn, khoảng 200.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, nông dân Thái Lan vẫn sống dựa vào cây mía được bởi Chính phủ Thái Lan đã có những chính sách hỗ trợ đối với người dân trồng mía.
Dù người nông dân Việt đã có nhiều cải tiến phù hợp với việc canh tác, bản thân doanh nghiệp cũng đã có nhiều sự đầu tư trong khai thác mía đường, nhưng ông Subbaiah vẫn cho rằng phía Chính phủ cần phải có những chính sách phù hợp để có thể bảo vệ được bà con nông dân và doanh nghiệp trong ngành trước những cánh cửa hội nhập.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nhà nước quyết tâm và có những giải pháp ủng hộ tạo thuận lợi cho ngành mía đường phát triển, nhưng Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường, mà yêu cầu ngành mía đường tổ chức lại sản xuất để có năng suất tốt hơn, phù hợp với hội nhập quốc tế sâu, và phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
“Chúng ta cần có một số nhà máy then chốt, năng suất cao, vùng mía tập trung ở một số khu vực. Hiệp hội Mía đường cũng như ngành nông nghiệp phải lo chuyển đổi để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, quyền lợi của nhà máy”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Bộ NNPTNT, hiện diện tích trồng mía của nước ta được duy trì trên 270.000ha, sản lượng đường trung bình đạt 1,3-1,5 triệu tấn/năm, giải quyết sinh kế cho trên 35.000 hộ nông dân. Niên vụ 2018-2019, diện tích, sản lượng mía tại phần lớn các địa phương (trừ 3 tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An) đều giảm.