Nhà ở xã hội: Nhu cầu lớn, vẫn ế ẩm
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Con số này cho thấy, nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp là rất lớn. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, cầu lớn như vậy nhưng nhiều dự án nhà ở xã hội khi hoàn thiện xong lại rơi vào tình trạng… ế ẩm.
Nhiều nhà ở xã hội vẫn trong tình trạng ế ẩm.
Chào bán nhiều năm chưa hết
Theo Bộ Xây dựng, với nhu cầu về nhà ở hiện nay, ngành này cần phải cung ứng khoảng 700.000 căn hộ giá rẻ (nhà ở xã hội) mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu của phần lớn người thu nhập thấp hiện nay. Chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ).
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cũng cho biết, người có thu nhập thấp tại đô thị chiếm khoảng hơn 50% dân số. Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, nhất là loại căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn và được trả góp tối thiểu 15 năm.
Trong khi đó, con số được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đưa ra cũng phản ánh rõ, nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân Việt Nam là rất lớn. Cụ thể, theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký VNREA, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên chỉ chiếm 20 - 30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 chiếm đến 70 - 80%.
Nhu cầu về nhà ở xã hội lớn như vậy song có một nghịch lý là, nhiều dự án nhà ở xã hội hiện nay được mở bán lại không đắt khách, thậm chí có những dự án chào bán đến gần 20 lần cũng vẫn ế ẩm. Đơn cử, dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden (Quốc Oai, Hà Nội) của CEO Group đến nay đã mở bán đến lần thứ 19 (trong gần 5 năm trời) nhưng vẫn chưa bán hết cho dù chỉ rao bán với giá dưới 10 triệu đồng/m2. Theo thống kê, số căn hộ của dự án này đã bán từ (đợt 1 đến đợt 19) là 322 căn. Số căn hộ còn lại: 24 căn. Số căn nhà ở xã hội còn lại để cho thuê 86 căn.
Một dự án khác là Dự án nhà ở xã hội AZ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội) Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư mới đây cũng thông báo mở bán lần thứ 12. Dự án có tổng số 1.496 căn. Sau 11 lần bán, chủ đầu tư mới bán được 475 căn hộ xã hội, còn 231 căn hộ dành cho thuê vẫn còn nguyên.
Hay Dự án nhà ở xã hội tại ô đất 5.B2 (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội) do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư với tổng số 504 căn hộ. Sau 7 lần mở bán, chủ đầu tư mới bán được 228 căn. Hiện Dự án này vẫn còn tới 177 căn chưa bán được.
Vì sao người dân không mặn mà?
Nguyên nhân được đưa ra là do các dự án nhà ở được xây dựng tại những địa điểm chưa hợp lý, chưa đáp ứng dược nhu cầu tối thiểu của người dân như vấn đề về giao thông, trường học, bệnh viện, chợ…
Đánh giá về thực trạng này, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, người dân mua nhà để ở và nơi đó còn phải có những công trình đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của họ như các tiện ích, trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông… Tuy nhiên, thực tế những dự án nhà ở xã hội được xây dựng hiện nay lại nằm ở những nơi thiếu sự kết nối về hạ tầng, khiến cho người dân rất khó khăn trong việc đi lại. Hạ tầng giao thông kết nối còn hạn chế, quá tải, thường xuyên tắc nghẽn khiến người dân hầu như không hào hứng với phân khúc nhà ở này.
Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, kể từ khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường nhà ở xã hội dường như chững lại do chưa có gói tín dụng thay thế. Được biết, hiện tại, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai gói vay ưu đãi cho nhà ở xã hội, nhưng mức vốn thấp hơn nhiều so với nhu cầu vay vốn của người dân. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để người thu nhập thấp có thể tiếp cận được nhà ở, yếu tố cần thiết là phải kéo dài thời gian vay mua nhà (lên tới 20 -25 năm) để giảm áp lực trả nợ và tăng số tiền khách hàng được vay.