Nguyễn Du- 200 năm lẻ
Nguyễn Du (1765- 1820), tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê quán làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng nhà thơ không sinh trưởng ở đây. Ông sinh tại phường Bích Câu, gần Văn Miếu-Quốc Tử Giám năm 1765 và sống ở kinh đô Thăng Long.
Viễn tổ Nguyễn Du vốn ở làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, xứ Sơn Nam, nay thuộc Hà Nội. Bấy giờ, họ này có Nguyễn Thiến, đỗ Trạng nguyên năm 1532 dưới thời Mạc Đăng Doanh, sau theo giúp nhà Lê làm đến Thượng thư Bộ Lại. Ông sinh hai con trai là Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn, cả hai đều được phong tước Công. Khi Nguyễn Thiến mất, Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn không giúp nhà Lê nữa mà trở về với nhà Mạc. Đến khi nhà Mạc mất, hai người lại quay sang nhà Lê, nhưng việc không thành, cả nhà bị hại, chỉ có mình Nhiệm, con Nguyễn Miễn trốn được, chạy vào làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Vì giấu tên, người làng chỉ gọi là Nam Dương Công là ông Nam Dương (Nguyễn Nhiệm được nhà Mạc phong tước Nam Dương Hầu).
Ông Nam Dương vào đây làm thuốc và trở thành một danh y. Nhờ có truyền thống ấy mà họ Nguyễn Tiên Điền có lắm danh y, có nhiều người đỗ cao, làm quan to và giỏi về thơ phú. Nguyễn Nghiễm, thân sinh Nguyễn Du, đỗ Hoàng Giáp khoa Tân Hợi (1731) làm đến Thượng thư Bộ Lại, sau lại giữ chức Nhập thị Tham tụng; Nguyễn Khản, anh ruột nhà thơ đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1760). Có lúc cả hai cha con cùng làm việc trong triều đình.
Nhưng trớ trêu thay, Nguyễn Du vào đời lúc vua Lê chúa Trịnh đã đến bước suy tàn. Gia đình ông gắn bó với triều đại đó cũng sa sút theo. Năm 1783, Nguyễn Du, thi đỗ tam trường (tú tài) ở trường Sơn Nam. Năm sau, xảy loạn kiêu binh ở Thăng Long, Nguyễn Khản phải bỏ về quê ở Tiên Điền, còn Nguyễn Du lánh về quê vợ ở xã Quỳnh Côi, huyện Hải An, Thái Bình. Tại đây, Nguyễn Du sống những ngày nghèo khổ. Đói không có cơm ăn, ốm không có thuốc uống, mặt ông xanh như lá. Đầu năm 1796, Nguyễn Du về quê Tiên Điền, kết thúc “Mười năm gió bụi”. Thời gian ở quê nhà, Nguyễn Du đặt hai biệt hiệu: Nam Hải điếu đồ (Nhà chài bể Nam) và Hồng Sơn liệp hộ (phường săn núi Hồng).
Năm 1802, triều Nguyễn thiết lập, vua Gia Long xuống dụ cho cựu thần nhà Lê đến nơi hành tại, tùy tài bổ dụng. Dịp này, Nguyễn Du được bổ Tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, ba tháng sau được thăng Tri phủ Thường Tín. Năm 1809, Nguyễn Du được bổ làm Cai bạ Quảng Bình. Năm 1813, Nguyễn Du thăng Cần chánh đại học sĩ, tháng hai năm đó, được cử làm Chánh sứ đi tuế cống nhà Thanh. Năm 1820, vua Gia Long mất, Hoàng tử Đảm lên ngôi, đặt niên hiệu là Minh Mạng, Nguyễn Du được vua chọn làm Chánh sứ cầu phong. Khi chuẩn bị lên đường, bệnh dịch hoành hành, ông nhuốm bệnh rồi mất vào ngày mồng 10 tháng 8 Canh Thìn (16/9/1820), táng ở cánh đồng Bầu Đá, xã An Ninh (nay là An Hòa), tỉnh Thừa Thiên. Mùa hè năm Giáp Thân, con trai ông là Nguyễn Ngũ đem hài cốt cha về táng ở quê nhà, xứ Đồng Mát, sau chỗ vườn cũ. Năm 1828, cải táng sang xóm Đồng. Con cháu dựng tại đây ngôi nhà thờ. Năm 1940, Hội Khai trí tiến đức quyên tiền xây một ngôi nhà thờ lợp ngói, mặt trước có kẻ hoa, chính giữa đề bốn chữ “Nhân kiệt địa linh”, hai cột hai bên có câu đối Nôm:
Khúc đâu lưu thủy hành vân để tiếng tài tình chung đất nước,
Chốn ấy san hồ cổ thụ nhớ người thanh khí nặng non sông.
Hiện nay kỷ vật của Nguyễn Du chỉ còn một quản bút, một con dao ngà, một chiếc la bàn và một đĩa sứ to vẽ cảnh mai hạc với một câu thơ lục bát:
Nghêu ngao vui thú sơn hà,
Mai là bạn cũ hạc là người quen.
Chuyện kể, khi đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Du có thăm một xưởng gốm. Người chủ xưởng muốn vị chánh sứ đề thơ. Câu thơ đó vừa tả cảnh vẽ trên chiếc đĩa một gốc mai và một con hạc, vừa nói lên nỗi lòng của mình muốn xa lánh chốn quan trường về làm bạn với mai với hạc.
Trước các biến động, đã chất chứa trong lòng Nguyễn Du nhiều tâm sự, được ông thể hiện hết sức hàm súc trong thơ. Ngay sau ngày Nguyễn Du mất, sử nhà Nguyễn chép rằng: “Du người Nghệ An rộng học giỏi thơ, càng giỏi về quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì”, “ Đến khi bị ốm nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ nói với ông là đã lạnh. Ông nói “Được” rồi mất, không trối lại một lời”.
Nguyễn Du có 7 tác phẩm thơ, 3 tập thơ chữ Hán, còn lại là thơ quốc âm, tiêu biểu nhất là “Truyện Kiều” và “Văn tế thập loại chúng sinh”. Chuyện kể, khi về ở ẩn ở quê nhà, cùng với đi săn trên núi Hồng, ông còn thường đến chơi với những người phường nón, phường vải. Cuộc đời họ đã được Nguyễn Du thể hiện trong “Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu” và “Thác lời trai phường nón”. Lần khác, ông đến thư viện Phúc Giang của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, được đọc “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân. Cảm thấy tài sắc của Kiều bị vùi dập mà động lòng trắc ẩn, Nguyễn Du đã dựa vào nội dung cuốn truyện đó mà sáng tác “Truyện Kiều”.
Nguyễn Du có thói quen nằm đưa võng mà sáng tác, được câu nào thì ghi lên vách đố, thỉnh thoảng sang Trường Lưu trao đổi với bà con họ Nguyễn Huy, bấy giờ có bà Nguyễn Thị Đài, cháu Nguyễn Du, vợ Nguyễn Huy Tự, giỏi Nôm đã có nhiều góp ý cho chú.
Hơn hai thế kỷ đã qua, giờ đây ai đọc “Truyện Kiều” cũng dễ dàng tưởng tượng được cái đắc ý của Nguyễn Du. Nguyễn Du dựa vào tích cũ mà viết “Truyện Kiều” và đặt cho một cái tên mới “Đoạn trường tân thanh”, truyện tuy cũ nhưng cái tiếng đoạn trường là mới. Tình cảnh và tâm trạng của Nguyễn Du cũng giống như Thúy Kiều. Thân phụ ông làm quan cho nhà Lê, đời đời hưởng lộc. Nguyễn Du là một trung thần thì phải thủy chung với nhà Lê nhưng do hoàn cảnh bắt buộc mà phải ra làm quan với nhà Nguyễn; cũng như Thúy Kiều, vì gặp gia biến mà phải bán mình chuộc cha, không thể thủy chung với Kim Trọng… Trong bài giới thiệu tập thơ chữ Hán Nguyễn Du, GS Trương Chính viết: Những lần về quê, Nguyễn Du thường lui tới các chùa chiền, đàm đạo với các nhà sư, trong đó có một vị tên là Huyền Hư Tử. Có lẽ chính khi đi tìm lẽ nhiệm mầu của Phật giáo như thế mà ông đã nảy ra cái ý viết bài “Văn chiêu hồn”, còn có tên “Văn tế thập loại chúng sinh”, trước đây các nhà chùa ở Nghệ -Tĩnh thường đọc vào dịp lễ xá tội vong nhân ngày rằm tháng bảy. Năm 1922, học giả Lê Thước đã tìm được một bản ở chùa Diệc, thành phố Vinh.
Nguyễn Du là người có văn tài lỗi lạc. Thơ văn ông thấm đượm một tinh thần nhân đạo sâu sắc. Ông dồn tình thương cho lớp người bất hạnh. Thơ văn ông cũng biểu lộ kín đáo tinh thần phản kháng đối với tất cả những thế lực cậy quyền thế mà chà đạp lên thân phận con người, bầy tỏ niềm xót thương vô hạn đến những “phận đàn bà” đau khổ trong xã hội cũ. Qua “Văn chiêu hồn”, Nguyễn Du muốn bày tỏ lòng yêu thương đối với tất cả người xấu số và cầu nguyện phép Phật sẽ soi sáng cho những cô hồn chìm đắm trong giấc mê mà dẫn dắt tất cả lên đường siêu thoát (Bách khoa thư Hà Nội).
Sinh thời, Nguyễn Du có câu thơ:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Nghĩa rằng:
Ba trăm năm nữa ta đâu biết,
Thiên hạ ai người khóc Tố Như.
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du ra đời đã hơn 200 năm, được các thế hệ người Việt Nam đón nhận. Nhiều cụ bà ở thôn quê thuộc cả trăm câu Kiều. Có người đọc xuôi và đọc ngược 3254 câu Kiều. Ở trong dân gian người ta còn lẩy Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, bình Kiều, diễn trò Kiều. “Truyện Kiều” được chuyển thể thành chèo cổ, cải lương. Các học giả nổi tiếng của nước ta như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Tản Đà, Lê Văn Hòe… có các công trình nghiên cứu, bình phẩm, chú giải Truyện Kiều, học giả Đào Duy Anh có “Từ điển Truyện Kiều”. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã đươc dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã tổ chức trọng thể kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngày 17/11/2015, tại Hà Tĩnh đã tổ chức Kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du, bà Katherine Muller Marin - Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội phát biểu: “Tác phẩm của Nguyễn Du biểu hiện khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn. Và tầm vóc của Nguyễn Du không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn ở cả nhân loại”. Ngày 25/10/2013, Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hiệp quốc đã ra Nghị quyết 37C/15 vinh danh Nguyễn Du là Danh nhân Văn hóa thế giới. Và năm 2020 này, trong tình cảm người dân Việt, mỗi chúng ta thắp một nén tâm hương tưởng niệm, nhân kỷ niệm lần thứ 200 ngày mất Đại thi hào.
Không phải đợi đến 300 năm mà mới chỉ hai trăm năm thôi, tài năng thơ văn lỗi lạc của ông đã được người dân nước Việt và cả thế giới biết đến. Tài năng kiệt xuất của người con Thăng Long-Hà Nội đã làm rạng rỡ đất nước Việt Nam.