Hiệu quả giám sát đầu tư của cộng đồng
Các hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) ngày càng đi vào nề nếp, góp phần phát hiện, ngăn chặn để xử lý kịp thời các hoạt động đầu tư không đúng quy định tại cơ sở. Thành công đó có được là do đội ngũ cán bộ Mặt trận trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tích cực vào cuộc, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện quy chế dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội.
Ban Thanh tra nhân dân giám sát xây dựng nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Với địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư phát triển hạ tầng một cách đồng bộ.Các công trình xây dựng mọc lên để đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc xây dựng NTM cũng như để giảm nghèo bền vững. Xác định rõ vai trò này, hệ thống MTTQ từ tỉnh tới cơ sở đã tích cực vào cuộc, liên tục củng cố, kiện toàn đội ngũ giám sát viên.
Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh trong nhiệm kỳ 2014-2019, toàn tỉnh có 442 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, thành lập tại 186/186 xã, phường, thị trấn. Các Ban đã tổ chức gần 3.100 cuộc giám sát, kiến nghị trên 600 vụ việc có sai phạm, góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc từ cơ sở, hạn chế những khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, kéo dài, nhất là trong việc thực hiện thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng.
Là một trong những địa phương đang “thay da, đổi thịt” từng ngày, giao thông thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, các hạng mục công trình tại địa phương được đầu tư bài bản nên rất cần sự giám sát chặt chẽ của Ban giám sát đầu tư ở cơ sở.
Ông Nguyễn Thế Hòa, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hải Hà cho biết, để đảm bảo các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động hiệu quả, hằng năm, MTTQ huyện đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn giám sát cho đại diện các Ban; tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoạt động giám sát ở cơ sở và biểu dương điển hình, cách làm hiệu quả để nhân rộng trong hệ thống Mặt trận toàn huyện.
Ở cấp xã, Mặt trận liên tục tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho nhân dân và giám sát viên về phát huy dân chủ ở cơ sở. Đồng thời là đầu mối dự trù kinh phí hỗ trợ để đảm bảo điều kiện hoạt động cho các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Còn tại thành phố Hạ Long, Ủy ban MTTQ thành phố chủ động tham mưu với cấp ủy, thống nhất với chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các thành viên để tiến hành giám sát các công trình, dự án liên quan đến chỉnh trang đô thị.
Nhiệm kỳ 2014-2019, Ủy ban MTTQ thành phố đã chủ trì 8 cuộc giám sát trong tổng số 25 cuộc giám sát của Khối MTTQ và các đoàn thể về lĩnh vực này như: cải tạo, nâng cấp hệ thống vỉa hè, biển báo hiệu giao thông; việc tu bổ các công trình kè, bờ tuyến ven biển, hồ điều hòa, mương, sông, suối; việc di dời cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt...
Chia sẻ thành công trong các hoạt động giám sát tại cơ sở, ông Đồng Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hạ Long cho biết, trên cơ sở chỉ đạo chung của Ban Thường vụ Thành ủy hằng năm, chương trình giám sát của MTTQ thành phố có sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện giữa UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn và các tổ chức thành viên. Khi giám sát, MTTQ thành phố tập trung khảo sát trực tiếp, khảo sát đột xuất để ghi nhận trực quan về hiện trạng tại các công trình, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân địa phương.
Kết quả của buổi thực tế sẽ được tổng hợp, đối chiếu với số liệu báo cáo để có đánh giá khách quan, có phương án góp ý ngay nếu có hạn chế, vướng mắc ở cơ sở. MTTQ các phường cũng chủ động có kế hoạch giám sát cụ thể từng năm, đồng thời có đánh giá, rút kinh nghiệm qua từng chương trình để khắc phục khó khăn trong hoạt động.
Những cách làm trên minh chứng cho quyết tâm vào cuộc một cách chủ động, sáng tạo của hệ thống MTTQ trong hoạt động giám sát. Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng Ban Dân chủ, Pháp luật của Ủy ban MTTQ tỉnh, chất lượng của từng chương trình giám sát cũng được nâng cao thông qua mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được Quảng Ninh triển khai ở cấp tỉnh, cấp huyện những năm qua.
Nhờ có sự phân công nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ giữa các ban chuyên môn trong cơ quan Khối, hoạt động giám sát của Mặt trận được tham mưu, hỗ trợ thuận lợi, tránh tình trạng chồng chéo, hình thức. Từng tổ chức chính trị - xã hội tỉnh có thể chủ động hơn trong phân công cán bộ có kinh nghiệm, năng lực làm nhiệm vụ giám sát của từng tổ chức cùng tham gia chương trình của MTTQ tỉnh và ngược lại; giảm được các thủ tục, đầu mối công việc.
“Trong thời gian tới, MTTQ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, chính quyền cùng cấp trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nhất là cần chú trọng đẩy mạnh các hoạt động giám sát và phản biện xã hội”, ông Hùng chia sẻ.