Nhóm ngành dịch vụ đang thiếu nhân lực
Thời gian qua, dù nhóm ngành du lịch “bùng nổ”, nhưng trên thực tế việc đào tạo - cung cấp nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu.
Hướng dẫn viên du lịch cần được đào tạo bài bản (ảnh minh họa). Ảnh: Yến Hoa.
Theo ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM), hiện tại nhu cầu của nhóm ngành dịch vụ đang thiếu rất nhiều, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Riêng tại TP HCM cần ít nhất 40% nhân lực trong các ngành như quản trị kinh doanh, dịch vụ, du lịch.
Ông Tuấn cũng cho rằng, nhóm ngành này khi kết hợp với nhiều nhóm ngành khác tạo ra các nhóm ngành đặc biệt, có chiều sâu, dịch vụ mới như thương mại điện tử. Trong bối cảnh hiện nay, người học xây dựng được giá trị hành nghề, giá trị nghề nghiệp sẽ thành công.
Đây cũng chính là mối quan tâm của nhiều học sinh khi chọn trường nghề. Cụ thể hơn, với ngành hướng dẫn viên du lịch, vấn đề đã đặt ra từ lâu nhưng vẫn “giậm chân tại chỗ”. Ví dụ, với thành phố Huế và Hội An- hai điểm du lịch rất đông khách du lịch đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc- nhưng hướng dẫn viên biết tiếng Trung, tiếng Hàn rất ít. Đó là chưa nói đến việc hiểu biết văn hóa, địa lý mang tính chiều sâu để hướng dẫn khách thì cũng còn rất yếu.
Đáng chú ý, tới nay nhân lực du lịch vẫn tồn tại tình trạng “cao thiếu, yếu thừa”. Có nghĩa là người có trình độ rất ít, trong khi đó “đội ngũ nghiệp dư” lại rất nhiều. Với tốc độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, yêu cầu mỗi năm phải đào tạo thêm 25.000 lao động mới và phải đào tạo lại số lượng tương tự. Quy mô và chất lượng nhân lực đang là vấn đề lớn đối với ngành du lịch. Cả nước hiện có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước; trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.
Đưa ra những con số như vậy để thấy, nhân lực cho nhóm ngành dịch vụ cần được tổ chức đào tạo tốt hơn, nhất là đối với ngành du lịch.