Việt Nam trên bản đồ y học thế giới

Lê Anh Đức 05/03/2020 08:00

Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) vừa công bố đã phát triển thành công bộ kit phát hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Sars-CoV-2). Bộ sinh phẩm này phát triển dựa trên công nghệ nền là kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và realtime RT-PCR). Kết quả test trong phòng thí nghiệm cho thấy bộ Kit này cho kết quả nhanh sau 80 phút, tương đương với Kit thử do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát triển. Việc phát triển được bộ sinh phẩm này thêm một lần nữa khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ y học thế giới.

Theo công bố của Viện Công nghệ sinh học, kiểm tra trên 20 mẫu bệnh phẩm virus gây bệnh đường hô hấp chính ở người (do Viện Y học dự phòng quân đội và Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cung cấp), bộ Kit do đơn vị phát triển cho độ đặc hiệu 100%. Nhóm nghiên cứu mong muốn Bộ Y tế sớm cho phép dùng bộ Kit này để thử nghiệm lâm sàng. Nếu kết quả thử nghiệm khả quan, Viện Công nghệ sinh học đủ khả năng sản xuất, cung cấp hàng nghìn mẫu thử kiểm tra nhanh Sars-CoV-2. Đây là thông tin vui không chỉ với nhóm nghiên cứu, mà còn với tất cả người dân Việt Nam.

Mấy ai biết được để phát triển thành công bộ sinh phẩm thử nhanh Sars-CoV-2, nhóm nghiên cứu đã phải vất vả như thế nào. Với quyết tâm phải phát triển thành công bộ Kit thử Sars-CoV-2, để đảm bảo chủ động trong việc phát hiện, ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm lây lan, nhóm nghiên cứu đã mất gần 4 tuần làm việc liên tục ngày đêm. Giờ thì chúng ta có thể yên tâm việc thử các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm Sars-CoV-2 sẽ nhanh chóng, thuận lợi, không phải phụ thuộc vào các bộ Kit nhập ngoại. Việc này có ý nghĩa là kịp thời khống chế, khoanh vùng dập dịch.

Viện Công nghệ sinh học, nhất là nhóm nghiên cứu mong muốn các cơ quan chức năng như Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương sớm thử nghiệm trên mẫu bệnh phẩm, đồng thời đưa ra đánh giá khách quan về độ nhạy và đặc hiệu của bộ Kit này. Mong muốn trên là hoàn toàn chính đáng, bởi nếu thực sự bộ Kit này được thử nghiệm thành công trên các mẫu bệnh phẩm, đưa ra sản xuất hàng loạt thì sẽ giảm được rất nhiều chi phí. Do đã làm chủ được công nghệ nên chi phí sản xuất bộ Kit này sẽ rẻ hơn nhiều so với các bộ sinh phẩm kiểm tra Sars-CoV-2 của các hãng thương mại khác.

Tất nhiên, để phát triển đại trà, bộ Kit của Viện Công nghệ sinh học cần nhận được các đánh giá độc lập, cũng như sự phê duyệt của Bộ Y tế. Viện Y học dự phòng quân đội (đơn vị có chức năng đánh giá độc lập), đối chứng giữa 3 bộ Kit theo công nghệ RT-PCR và realtime RT-PCR, bộ sinh phẩm này có chất lượng tương đương với sản phẩm tương tự của WHO, độ nhạy cao hơn của Trung Quốc. “Bộ sinh phẩm phát hiện Sars-CoV-2 của Viện Công nghệ sinh học, đủ điều kiện áp dụng chẩn đoán Sars-CoV-2 trên mẫu bệnh phẩm lâm sàng”-Viện Y học dự phòng quân đội khẳng định.

Đây không phải là lần đầu tiên và duy nhất, y học Việt Nam có sự đột phá trong việc nghiên cứu, chẩn đoán, chữa trị. Cách đây chưa lâu, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng đã công bố việc ghép chi thể thành công đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, cũng như trên thế giới. Điều làm nên sự đặc biệt “đầu tiên” là người được ghép đã nhận chi hiến từ người cho còn sống. “Việc nối chi thể đứt rời tự thân của người bệnh đã được thực hiện nhiều, song ghép bàn tay trái cho bệnh nhân từ người hiến sống là ca ghép đầu tiên trên thế giới”- theo Giám đốc Bệnh viện trung ương Quân đội 108.

Đó là chưa kể rất nhiều những ca ghép tim, thận, gan... thành công của các bệnh viện khác. Điều đó cho thấy y học Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc, không thua kém bất cứ các cường quốc trên thế giới. Chẳng phải thế sao, khi mà cả thế giới đang bấn loạn vì dịch Sars-CoV-2 diễn biến phức tạp, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ lây lan chóng mặt, thì Việt Nam không chỉ khống chế khoanh vùng tốt, mà còn chữa khỏi 16/16 người nhiễm bệnh. Nỗ lực cũng như trình độ y tế của Việt Nam đã được WHO công nhận không chỉ trong việc phòng chống Sars-CoV-2, mà còn trong nhiều việc khác.

Đó chính là niềm vui, sự tự hào và lòng kiêu hãnh không chỉ của riêng đội ngũ các thày thuốc, ngành y tế, mà còn là của chung cả dân tộc Việt Nam. Về kinh tế, chúng ta còn chưa bằng nhiều quốc gia; song chúng ta có quyền hãnh diện về một nền y học tiên tiến, hệ thống y tế vì dân.

Lê Anh Đức