Bắt 6 người trong đường dây đưa người Việt trái phép vào Đức
6 nghi phạm đã bị bắt, khoảng 30 người khác bị tạm giữ trong một cuộc truy quét của cảnh sát Đức và châu Âu vào một đường dây đưa người Việt vào Đức trái phép, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao (5/3) khi cập nhật thông tin về một đường dây đưa người Việt trái phép vào Đức vừa bị cảnh sát nước này đột kích.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Bà Lê Thị Thu Hằng dẫn tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cho biết: Ngày 3/3, Cảnh sát Đức đã tiến hành khám xét 32 địa điểm thuộc 7 bang của Đức. Đây là cuộc điều tra do Cơ quan công tố Berlin phối hợp với Cảnh sát liên bang Đức và Cảnh sát châu Âu tiến hành nhằm vào đường dây đưa người Việt Nam nhập cảnh trái phép vào Đức, sau khi cảnh sát Đức phát hiện một xe tải chở người Việt Nam nhập cảnh trái phép tại biên giới giữa Đức và Séc vào hồi tháng 12/2018.
Hiện cảnh sát Đức đã bắt giữ 6 nghi phạm, tạm giữ khoảng 30 người khác để xác minh nhân thân và quy chế cư trú cũng như thu giữ một số bằng chứng.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đã liên hệ với cảnh sát Liên bang Đức đề nghị cung cấp thông tin nhân thân những người Việt Nam bị bắt giữ, cập nhật tiến trình điều tra vụ việc và sớm cho phép Đại sứ quán thăm lãnh sự các công dân Việt Nam.
“Phía Đức đã tiếp nhận yêu cầu và sẽ có những đáp ứng phù hợp”, bà Hằng nói.
Hiện Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin tiếp tục theo dõi sát vụ việc, thường xuyên cập nhật thông tin, yêu cầu chính quyền sở tại đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Trả lời về việc Chính phủ Việt Nam tạm dừng miễn thị thực đơn phương với công dân Ý, bà Hằng cho biết: Nhằm phòng chống và ngăn chặn sự lây lan, bùng phát của dịch Covid-19, từ 0h ngày 3/3, theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, người nhập cảnh Việt Nam đến từ/hoặc quá cảnh Ý trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh sẽ phải khai báo y tế tại cửa khẩu đồng thời phải chịu giám sát y tế, theo dõi sức khỏe và cách ly phù hợp trong vòng 14 ngày. Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan cung cấp số liệu cụ thể về người Ý hiện đang chịu sự giám sát y tế và cách ly y tế.
Liên quan đến chế độ visa và sự tham gia của các đội Ý tham gia giải đua F1 dự kiến tổ chức tại Việt Nam vào đầu tháng 4, bà Hằng cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam sẽ thường xuyên theo dõi và phối hợp với các nước liên quan và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là WHO, kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
“Ưu tiên cao nhất là không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng và bảo đảm môi trường, điều kiện an ninh, an toàn nhất cho khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch, làm ăn và tham gia các sự kiện quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Việc điều chỉnh sẽ được thông báo kịp thời và trong thời điểm phù hợp với các bên liên quan.”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.
Cũng liên quan đến các biện pháp bảo hộ công dân của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Công tác bảo hộ công dân tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam.
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam trong những ngày qua tiếp tục chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ và bảo hộ công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc và du lịch tại nước ngoài, đặc biệt là ở những vùng có dịch.
Bộ Ngoại giao đã chủ động công bố và thường xuyên cập nhật thông tin, lưu ý công dân Việt Nam hạn chế, không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng nước ngoài đã khuyến cáo; khuyến nghị công dân Việt Nam tại các khu vực có dịch nghiêm túc chấp hành các khuyến cáo, hướng dẫn, tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch của sở tại, hạn chế đi lại nếu không cần thiết.
Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giao thiệp với các cơ quan chức năng sở tại, đồng thời trực tiếp làm việc với các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam đề nghị phối hợp chặt chẽ, thường xuyên cung cấp thông tin trong công tác phòng chống dịch và hỗ trợ công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập và du lịch tại nước sở tại, đảm bảo chăm sóc y tế cho những công dân mắc bệnh, hạn chế những vấn đề có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến công dân Việt Nam.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã mở đường dây nóng bảo hộ công dân, trực 24/24, thiết lập kênh liên lạc với đối mối cộng đồng ở sở tại, đặc biệt là tại các khu vực có dịch để thường xuyên cập nhật tình hình, thăm hỏi, động viên, hướng dẫn các biện pháp phòng dịch,sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
Đối với các công dân Việt Nam nhiễm bệnh ở nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam thường xuyên liên hệ, thăm hỏi và yêu cầu các cơ quan chức năng sở tại quan tâm, điều trị tích cực. Hiện sức khỏe của các công dân Việt Nam nhiễm bệnh đều đã ổn định. Liên quan tới thông tin phía Hàn Quốc sẽ đưa 3 đội phản ứng nhanh vào Việt Nam để giúp các công dân Hàn Quốc đang bị giám sát y tế, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Các yêu cầu của phía Hàn Quốc do các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam trực tiếp trao đổi và xử lý.
Việt Nam vẫn thường xuyên chia sẻ thông tin và sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện để Hàn Quốc thực hiện bảo hộ công dân trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh và theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các quy định pháp luật và thực tiễn quốc tế.