Nặng gánh hai vai
Ngày nay người phụ nữ có nhiều cơ hội để nâng cao hiểu biết, nâng cao vị thế và vai trò của mình ngang bằng với nam giới. Ngoài những phẩm chất, những yêu cầu có tính chất truyền thống, người phụ nữ hiện đại phải năng động sáng tạo. “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”, gánh nặng trên đôi vai người phụ nữ là rất lớn. Vậy, họ làm gì để vượt lên?
Bà Bùi Thị An.
Nhân Ngày Quốc tế phụ nữ, PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH TP Hà Nội. Bà An cho rằng, ở mỗi thời đại, vai trò của người phụ nữ cũng khác nhau. Nếu ngày xưa người đàn bà chỉ quanh quẩn làm việc trên nhà, dưới bếp thì ngày nay có không ít phụ nữ học cao, hiểu rộng và kiếm tiền không thua gì đàn ông. Rất khó để đòi hỏi chị em vừa phải giỏi việc nước phải chăm chút từng ly từng tý cho gia đình được. Đã đảm nhận việc này thì phải giảm bớt việc kia đi. “Tôi mong rằng cánh mày râu quan tâm chia sẻ hơn về công việc, gia đình, chăm sóc con cái giúp phụ nữ vơi đi gánh nặng”- bà An nói.
PV: Thưa bà, thật tự hào là phụ nữ Việt Nam và theo bà vì sao thế giới lại ca ngợi phụ nữ Việt Nam đến thế?
Bà Bùi Thị An: Vẻ đẹp của phụ nữ bao gồm vẻ đẹp hình thể và trí tuệ, nhất là vẻ đẹp trí tuệ. Giá trị của vẻ đẹp trí tuệ ấy chính là sự cống hiến của họ với cộng đồng với xã hội nhất là với Việt Nam, một đất nước đã từng chịu nhiều đau thương trong chiến tranh và để chiến thắng những đế quốc sừng sỏ không thể không kể đến công của các bà, các mẹ. Như vậy, bên cạnh việc thực hiện thiên chức của phụ nữ là làm mẹ, giữ lửa để tạo nên tế bào rất cơ bản trong xã hội là các gia đình thì phụ nữ Việt Nam lại có những vẻ đẹp rất riêng. Đó là những phụ nữ anh hùng, bất khuất, trung hậu đảm đang, vừa giỏi việc nước lại đảm việc nhà. Thế giới ca ngợi phụ nữ Việt Nam là vì lẽ đó.
Thưa bà, quan niệm “giỏi việc nước - đảm việc nhà” phải chăng đã vô tình làm tăng gánh nặng trên đôi vai người phụ nữ?
- Phụ nữ cũng là một con người, đã là con người thì mọi chuyện đánh giá, phán xét hay giao nhiệm vụ cho họ phải công bằng như nam giới. Không thể nào cùng một cơ thể như vậy, một lúc dồn cho họ rất nhiều trách nhiệm họ sẽ phải gồng mình lên, thì đó là điều không bình thường. Đôi khi chính khẩu hiệu “giỏi việc nước - đảm việc nhà” bị hiểu một cách cực đoan đã vô tình làm tăng thêm gánh nặng cho chị em thời hiện đại. Ở mỗi thời đại, vai trò của người phụ nữ cũng khác nhau. Nếu ngày xưa người đàn bà chỉ quanh quẩn làm việc trên nhà, dưới bếp thì ngày nay có không ít phụ nữ học cao, hiểu rộng và kiếm tiền không thua gì đàn ông. Rất khó để đòi hỏi chị em vừa phải giỏi việc nước vừa phải chăm chút từng ly từng tý cho gia đình được. Đã đảm nhận việc này thì phải giảm bớt việc kia đi. Tôi mong rằng cánh mày râu quan tâm chia sẻ hơn về công việc, gia đình, chăm sóc con cái giúp phụ nữ vơi đi gánh nặng.
Thưa bà, làm nên vẻ đẹp của người phụ nữ chính là đức hy sinh. Hiện nay trên nhiều diễn đàn có đề cập đến chuyện phụ nữ có nên hy sinh cho người khác hay không và nếu tiếp tục hy sinh họ sẽ không có hạnh phúc cho riêng mình. Ý kiến của bà về vấn đề này?
- Ở thời đại nào phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ hạnh phúc gia đình. Chính vì thế sự hy sinh cho chồng, con là điều cần thiết ở “phái đẹp”, đây vốn là đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Song hy sinh không có nghĩa là chỉ nghĩ cho người khác mà bỏ mặc bản thân mình. Chẳng hạn một người mẹ hết mực lo cho chồng, con mà để mặc bản thân già nua, héo hon thì không nên. Điều quan trọng khi lựa chọn hy sinh làm một việc gì đó, người phụ nữ phải cảm thấy thích thú, vui vẻ, đồng thời xem xét việc hy sinh đó có đáng hay không rồi mới làm.
Tôi cho rằng, sự hy sinh của ai cũng là cần thiết, hy sinh cho cộng đồng, hy sinh cho xã hội, cho đất nước nhưng trong cái chung phải có cái riêng, hy sinh cho cái chung có thể đáp ứng được nhưng trong trường hợp cái riêng phải tồn tại. Họ được bảo vệ, phải được tồn tại chứ đừng bắt họ hy sinh quá sức. Khi cái riêng của họ không tồn tại thì làm sao họ có điều kiện để cống hiến cho cái chung. Phải cân đối giữa cái chung và cái riêng, trong từng một thời điểm có thể lúc này ưu tiên cái này hơn, nhưng tổng thể phải cân bằng.
Phụ nữ nên thế nào để vừa là nội tướng vừa khẳng định mình trong xã hội, liệu việc ban hành thêm một số chính sách có làm giảm bớt những áp lực cho chị em hay không, thưa bà?
- Nếu nói tới nữ quyền lại phải xem xét quyền và thực quyền. Không thể lấy những con số: Lao động nữ chiếm gần 50% lực lượng lao động; Có 33% đại biểu nữ trong Quốc hội Khóa XII - tỷ lệ cao nhất ở châu Á; Nữ chiếm trên 20% ủy viên HĐNN các cấp…để tụng ca sự bình đẳng. Trong khi phụ nữ vẫn là người làm việc chính trong nhà, bếp núc, dạy dỗ con cái, chăm lo đời sống tinh thần cho tất tật thành viên gia đình, thì quỹ thời gian dành cho phụ nữ hưởng thụ giá trị văn hóa tinh thần, học tập nâng cao trình độ kiến thức là rất hiếm hoi. Cho nên ở thời đại nào thì phụ nữ luôn là phái yếu, luôn thiệt thòi hơn nam giới. Vì vậy việc ban hành chính sách cần tính đến những yếu tố này.
Tôi cho rằng ban hành chính sách rất cần thiết để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, phải ra những chính sách để tạo ra những cơ hội như nhau, bình đẳng về cơ hội. Để tạo ra cơ hội bình đẳng thì phải xem xét các yếu tố phụ nữ cống hiến cho xã hội. Từ trước tới nay trong một loạt các vấn đề liên quan đến vấn đề bình đẳng giới Đảng và Nhà nước đã chú ý hơn và đã có một bước tiến rất dài so với trước, nhưng có thực chất không thì phải xem xét thêm.
Làm thế nào để phụ nữ có vị trí xứng đáng trong xã hội trong khi họ có đầy đủ tài năng, đức độ? Chẳng hạn chính sách về tuổi để bổ nhiệm cán bộ hiện nay khá hạn chế rất nhiều bước tiến của phụ nữ. Đào tạo như nhau nhưng thiên chức của họ không được xã hội tính. Phụ nữ phải sinh đẻ, nuôi con để đảm bảo hạnh phúc gia đình trở thành tế bào không thể thiếu của xã hội nhưng đến tuổi bổ nhiệm bao giờ cũng thấp hơn nam 5 tuổi và về hưu sớm hơn nam 5 tuổi. Như vậy là chị em thiệt tới 10 năm, liệu có bình đẳng?
Từng gánh trên vai rất nhiều trọng trách cá nhân, bà có gặp những khó khăn gì không và bà đã cân bằng vấn đề này thế nào?
- Tôi cũng là một người phụ nữ như bao phụ nữ khác phải gánh trên vai cả gia đình và công việc. Muốn vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành trọng trách của mình thì phải dùng trí tuệ, phải biết sắp xếp không có cách nào hơn, không thể bỏ việc gì, gia đình và xã hội đều quan trọng. Phải sắp xếp, cân đối, lựa chọn, tạo sự cân bằng là cả một nghệ thuật. Phụ nữ giỏi phải làm sao thuyết phục được người đồng hành thấu hiểu, chia sẻ, nếu không rất khó. Và muốn hoàn thành mọi trọng trách thì chính bản thân mình phải nỗ lực không ngừng bởi trong trường hợp người đồng hành “không hợp tác” chúng ta cũng vẫn phải thực hiện những nhiệm vụ của mình.
Theo bà, cần làm gì để phụ nữ phát triển tài năng của mình và tiếp tục khẳng định vị thế của họ trong xã hội?
- Về chính sách cần tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho phụ nữ, tạo điều kiện thực sự chứ không thể hình thức. Chẳng hạn trong vấn đề tuổi quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ như tôi vừa đề cập. Cần phải bình đẳng, trao nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ để họ cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội.
Trân trọng cảm ơn bà!
Bà Phan Bích Thiện, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary: Để có cuộc sống hạnh phúc đòi hỏi sự cố gắng rất lớn, nhất là khi hai vợ chồng thuộc hai nền văn hóa khác nhau. Có những giây phút tôi rất nản. Chẳng hạn, lúc mới về Hungary sống, tôi không biết tiếng, không tiếp xúc được nhiều, những lúc đó tôi đã khóc thầm nhiều lần. Nhưng mình hiểu cuộc sống của mình là ở đó, buộc mình phải hòa nhập với hoàn cảnh. Mình phải tự đứng trên đôi chân của mình, phải độc lập. Khi đó mình sẽ nhận được sự tôn trọng của phía bên kia.
Tuy nhiều người nhìn cuộc hôn nhân giữa một phụ nữ Việt Nam và một người đàn ông nước ngoài thấy hào nhoáng, nhưng đi vào cuộc sống gia đình còn có nhiều việc khác phải cố gắng. Tôi thận sự may mắn vì gặp người chồng yêu và hiểu mình. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Đặc biệt, muốn có hạnh phúc thì chính người phụ nữ ấy phải biết đặt mình vào vị trí của người khác để cho đi rồi được nhận lại. Cho để nhận, nếu suốt đời cho thì không nên.