Thanh Hoá: Nhiều dự án xử lý rác thải tổng hợp 'đắp chiếu'
Trong khi nhu cầu xử lý rác thải đang ngày càng trở nên cấp bách thì 5 “siêu” dự án xử lý rác thải rắn và rác thải tổng hợp đã được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt vẫn nằm trong tình trạng “đắp chiếu” do chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai.
Nhiều dự án xử lý rác thải tổng hợp nằm trong tình trạng “treo”, do chủ đầu tư không đủ năng lực.
Nan giải vấn đề xử lý rác thải
Là huyện có diện tích rộng và đông dân, tuy nhiên ngoại trừ một số xã có mô hình lò đốt rác như Phú Lộc, Hòa Lộc hay Đại Lộc… thì đa phần các xã còn lại của huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đều không có nổi một bãi chôn lấp rác “ra hồn”. Vậy rác thải ở đây được xử lý như thế nào?
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Ngọc Nam- Giám đốc Công ty TNHH DV công ích Hậu Lộc - đơn vị ký hợp đồng vận chuyển rác thải với UBND xã Đa Lộc cho biết: Hiện công ty đang vận chuyển rác ra bãi rác Đông Nam TP Thanh Hóa, mỗi tuần công ty vận chuyển 2 đến 3 đợt. Tuy nhiên, do lượng rác nhiều nên đôi khi đơn vị không thể vận chuyển hết được lượng rác tập kết trên đê. Trước câu hỏi đặt ra rằng: Hiện, bãi rác Đông Nam thuộc TP Thanh Hóa không được phép tiếp nhận rác thải từ các địa phương khác vì bãi rác này cũng đang rơi vào tình trạng quá tải, ông Nam thừa nhận, thực tế dựa vào mối quan hệ để xin vận chuyển về đó tập kết chứ không có hợp đồng, ký tá gì cụ thể.
Trước những bất cập trong việc xử lý rác thải và vấn đề môi trường tại địa phương, ông Nguyễn Văn Long- Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: Do sức ép của vấn đề rác thải, nhiều xã biết một số doanh nghiệp không có chức năng về môi trường, xử lý rác thải nhưng vẫn phải thuê thu gom và vận chuyển đã dẫn đến tình trạng buông lỏng, xuề xòa ký hợp đồng.
Tại huyện miền núi Cẩm Thủy, theo ước tính, mỗi ngày toàn huyện thải ra khoảng gần 100 tấn rác thải các loại. Tuy nhiên cũng như Hậu Lộc, cả huyện này cũng chỉ có được 1, 2 công trình xử lý rác khá sơ sài, khiến tình trạng rác thải bị ùn ứ, người dân đổ bừa ra môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm khá nghiêm trọng.
Những dự án “đắp chiếu”
Trước sức ép về rác thải, môi trường, năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp tại xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần môi trường Vạn Tiến Lộc. Với công suất 150 tấn rác/ngày đêm, dự án đủ khả năng phục vụ cho nhu cầu xử lý rác thải vốn đang rất cấp thiết của 24 xã, thị trấn chưa có lò đốt rác trong huyện. Đây là dự án được ví như liều thuốc giải khát cho sức ép môi trường của huyện miền biển. Vậy nhưng, ngay từ khi bắt tay vào triển khai, dự án này lại một lần nữa vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân trong xã và rơi vào tình thế không thể triển khai vì không giải phóng được mặt bằng. Trước tình hình này, năm 2018, UBND huyện Hậu Lộc cũng đã có báo cáo xin dừng thực hiện dự án tại xã Tiến Lộc.
Tương tự, tháng 12/2017, dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng công nghiệp HTH cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư; nhằm thu gom, xử lý chất thải rắn tổng hợp trên địa bàn thị trấn Phong Sơn, xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thuỷ và 10 xã của huyện Ngọc Lặc. Dự án sử dụng 7ha đất với công suất 240 tấn/ngày đêm. Theo tiến độ được phê duyệt, dự án sẽ khởi công xây dựng tháng 6/2018; hoàn thành, đi vào hoạt động tháng 01/2020. Nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện bất kỳ một công việc nào liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng. Nguyên nhân chính được cho là nhà đầu tư không có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Vũ- Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thuỷ bày tỏ: “Huyện cũng đã nhiều lần gặp chủ đầu tư để làm việc, bàn về phương án triển khai dự án. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không có năng lực nên dự án không được triển khai. Trước tình hình này, ngày 11/2/2020, UBND huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh đề nghị dừng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Cẩm Châu để huyện kêu gọi dự án khác mang tính khả thi hơn”.
Theo khảo sát, đánh giá của Sở TNMT tỉnh Thanh Hoá hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 5 dự án xử lý chất thải rắn, gồm: Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn; Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn; Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc; Dự án công trình lò đốt chất thải rắn sinh hoạt cho thị trấn Triệu Sơn và xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn. Nhưng cả 5 dự án này đều chậm tiến độ hoặc chưa triển khai xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của nhà đầu tư hạn chế; dẫn đến chậm trễ trong hoàn thiện thủ tục đầu tư; nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng…
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết về những nội dung nêu trên, đại diện lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Bên cạnh việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025; Sở sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh thu hồi các dự án chậm tiến độ để làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư mới.