Sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ: Hiệu quả rõ rệt

Trường Giang 19/03/2020 08:00

Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng thành công mô hình nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm hữu cơ không những được người tiêu dùng trong nước đón nhận mà còn có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, để có một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, vẫn còn có nhiều việc phải làm.

Sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ: Hiệu quả rõ rệt

Mô hình nuôi ong mật chất lượng cao ở Lào Cai đang mang lại hiệu quả rõ rệt.

Nước ta vốn nhiều loại cây trồng với năng suất cao, tuy nhiên, do sản xuất theo số lượng, lạm dụng phân bón, hóa chất, đã làm chất lượng nông sản giảm, đất bị thoái hóa, nguồn nước bị ô nhiễm, đa dạng sinh học bị suy giảm... Do vậy, sản xuất nông nghiệp theo định hướng hữu cơ đang có cơ hội trở lại. Có thể kể ra đây những sản phẩm hữu cơ có tiếng trên thị trường như: Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn - Hà Nội), cam Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang), thịt lợn hữu cơ Bảo Châu (huyện Sóc Sơn - Hà Nội); mật ong ở Bảo Thắng (Lào Cai)…

Mật ong và cá tầm

Đầu tiên có lẽ phải kể đến Lào Cai. Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai đã hỗ trợ 2 xã Xuân Quang và Phong Niên, huyện Bảo Thắng xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao thuộc dự án xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền trung Tây nguyên, giai đoạn 2016-2018 với quy mô 200 đàn ong nội/10 hộ.

Hiệu quả kinh tế ban đầu theo ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lào Cai, do được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được cấp tem truy xuất nguồn gốc và có bao bì, nhãn mác phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của khách hàng nên sản lượng tiêu thụ mật ong tăng theo các năm. Từ đó, doanh thu và lợi nhuận cũng tăng dần theo các năm.

Cùng với mô hình nuôi ong, thì “Nuôi cá tầm trong lồng năm 2018 - 2019” cũng là mô hình hiệu quả được triển khai tại vùng đặc biệt khó khăncủa tỉnh Lào Cai với khoảng 50% số hộ thực hiện là người dân tộc thiểu số. Quá trình thực hiện mô hình cho thấy, năng suất tăng cao, lợi nhuận thu về cũng đạt 100 triệu đồng/người/năm, bình quân đạt 9,65 triệu/người/tháng. Ước tính hiệu quả kinh tế tăng 34,8% so với nuôi các loại cá truyền thống như: diêu hồng, chép, trắm.

Và cam Hàm Yên

2 năm trước, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang triển khai mô hình sản xuất cam hữu cơ trên địa bàn huyện Hàm Yên với diện tích trên 30 ha. Tham gia mô hình các hộ dân được tập huấn phương pháp sản xuất theo hướng hữu cơ từ việc chăm sóc cây trồng, các biện pháp phòng trừ dịch hại theo phương pháp hữu cơ. Ngoài ra các hộ dân được tổ chức sản xuất theo nhóm và liên nhóm và sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Theo đó, liên nhóm đã kết nối được với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với cam kết thu mua các sản phẩm hữu cơ với giá cao hơn nhiều thị trường.

Sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ: Hiệu quả rõ rệt - 1

Cam Hàm Yên trồng theo tiêu chuẩn Viet GAP.

Hiện Hàm Yên có trên 700 ha cam sành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và gần 20 ha cam sản xuất theo hướng hữu cơ. Năm 2019 sản phẩm cam hữu cơ của Hàm Yên được bán với giá 25.000 đồng/kg cam, cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có giá trên 10.000 đồng/kg, trong khi đó cam trồng theo phương pháp truyền thống có giá bình quân từ 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Sau hơn 2 năm thực hiện, mô hình này tiếp tục được duy trì và mở rộng bởi nó chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng mà cũng chính là bảo vệ sức khỏe của người nông dân khi họ canh tác trong môi trường an toàn và nói không với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…

Vẫn còn những khó khăn

Hiệu quả từ những mô hình nông nghiệp hữu cơ có thể thấy rõ. Tuy nhiên, nhiều người tham gia mô hình này cho biết, phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng đồng nghĩa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bởi quy trình sản xuất khắt khe, cần có thời gian để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng…Trong khi Việt Nam chưa có quy chuẩn cụ thể về sản xuất nông nghiệp hữu cơ nên người sản xuất vẫn phải tự mày mò, tìm hiểu.

Khâu tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn khi trên thị trường vẫn còn hiện tượng trà trộn giữa sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm khác, thậm chí cả những sản phẩm không an toàn, khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Ngoài ra, thu nhập của một bộ phận người dân vẫn ở mức trung bình, vì vậy bỏ ra 30 ngàn đồng để mua 1kg cam VietgaPH hay 10 ngàn đồng để mua một mớ rau…thì cũng không dễ dàng gì.

Theo Viện trưởng Viện Công nghệ xanh Mai Quang Vinh, thực tế, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam mới dừng lại ở dạng mô hình, quy mô nhỏ lẻ và đang gặp khó khăn để chuyển đổi sang quy mô hàng hóa. Nguyên nhân là do tỷ lệ diện tích đất sản xuất hữu cơ trong tổng diện tích đất canh tác thấp chỉ đạt 0,7%, trong khi bình quân thế giới là 4,1%. Mặt khác, ngoài một số ít doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ thì phần lớn nông dân thiếu thông tin về quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên gặp nhiều vấn đề trong thực hành sản xuất hữu cơ.

Bởi vậy, nhiều ý kiến các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để có sự bền vững, ổn định trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, rất cần sự chung tay, góp sức nhiều hơn nữa của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.

Trường Giang