Kiểm soát tài sản của cán bộ: Ngăn ngừa tham nhũng

Lê Anh Đức 09/03/2020 10:06

Hiện, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo nghị định kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, nhằm phòng chống có hiệu quả tệ nạn tham nhũng. Theo đó, các quan chức sẽ phải kê khai tất cả tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, nếu che giấu không khai hoặc khai gian dối sẽ bị xử lý kỷ luật, bãi nhiệm hoặc miễn nhiệm chức vụ đang giữ.

Kiểm soát tài sản của cán bộ: Ngăn ngừa tham nhũng

Biếm họa của Choai.

Kịp thời phát hiện tham nhũng

Cơ quan soạn thảo nghị định kiểm soát tài sản của quan chức khẳng định, mục tiêu khi xây dựng văn bản này là để kịp thời phát hiện tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản. Cụ thể, thông qua việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan có thẩm quyền sẽ biết rõ tình trạng tài sản cũng như sự biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Từ đó sẽ kịp thời phát hiện những khối tài sản bất thường, bất minh... giúp việc phòng ngừa tham nhũng thực chất, có hiệu quả hơn. Dự thảo nghị định cũng yêu cầu việc kiểm soát tài sản của quan chức phải đúng đối tượng, thực hiện thường xuyên, liên tục với tính minh bạch, công bằng, khách quan.

Dự thảo nghị định kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn cũng khẳng định, mọi vi phạm của cá nhân, tổ chức trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm sẽ phải bị xử lý nghiêm minh, kịp thời. Theo đó, khi phát hiện người kê khai có hành vi gian dối không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản... cơ quan có thẩm quyền phải khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh để kịp thời xử lý, tránh việc tẩu tán tài sản. Vụ trưởng Vụ Pháp chế (thuộc TTCP) Đinh Văn Minh khẳng định, sau khi Chính phủ ban hành nghị định này sẽ không còn những câu chuyện nực cười theo kiểu: Buôn chổi đót, nuôi heo xây biệt phủ, chạy xe ôm mua ô tô...

Sẽ có hai hình thức kê khai tài sản: Kê khai lần đầu và kê khai hằng năm. Tất cả mọi cán bộ, công chức, viên chức cấp phó phòng trở lên đều phải thực hiện việc kê khai lần đầu. Những người công tác tại các vị trí, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, gồm: Chức danh giám đốc sở trở lên, các công chức là người quản lý quyền lực công, quản lý tài sản công, tài chính công, người làm công tác tổ chức cán bộ, nhóm tiếp xúc và giải quyết trực tiếp công việc cho người dân đều phải kê khai hàng năm. Ngoài ra, sẽ có 13 ngạch công chức như điều tra viên, thẩm phán, thanh tra viên, kiểm tra viên ngành thuế, hải quan... và gần 90 vị trí lãnh đạo từ phó phòng trở lên trong một số lĩnh vực nhạy cảm sẽ phải kê khai hằng năm. Các loại tài sản, thu nhập có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên cả ở trong nước và nước ngoài đều phải kê khai, gồm: Nhà, đất, kim loại quý, đá quý, tiền, ô tô, mô tô, tàu thuyền, giấy tờ có giá...

Không còn “nghề phụ” hái ra tiền

Ai cũng biết, việc thực hiện chủ trương minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức nhằm phòng ngừa tham nhũng thời gian qua cũng đã làm nhưng còn nặng tính hình thức. Hàng năm, việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập làm rất đầy đủ, có tới hơn 99,9% người kê khai đúng thời hạn, đúng yêu cầu, đúng mẫu, nộp, vào sổ và báo cáo đầy đủ. Song, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hầu như không biết, không thể xác định được người kê khai có trung thực hay không, bản kê khai của họ gian dối chỗ nào. Chính vì thế nên không tìm ra được điều bất thường, hay khối tài sản bất minh, để từ đó phát hiện ra tham nhũng. Đa số các vụ án tham nhũng được phanh phui là nhờ báo chí và người dân. Và khi cơ quan chức năng vào cuộc thì các đối tượng vi phạm đã kịp thời tẩu tán tài sản nên không thể thu hồi.

Chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng ở cả trong và ngoài nước đều khẳng định, do không có cơ chế giám sát việc kê khai tài sản nên không thể phát hiện tham nhũng. Và nay, với việc xây dựng nghị định mới thay thế cho Nghị định 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, dư luận xã hội kỳ vọng sẽ có cơ chế giám sát được “lời khai” về tài sản của các quan chức. Tất nhiên, tại dự thảo nghị định kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn vẫn quy định: Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức dựa trên... sự tự giác của người kê khai. Song, nếu người kê khai không “tự giác” thì đã có cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập kiểm tra, giám sát. Hàng năm, cơ quan có thẩm quyền phải lập kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập của 10-20% số đơn vị trực thuộc, mỗi đơn vị phải xác minh ít nhất 2 người, trong đó phải có 1 người là cấp trưởng hoặc cấp phó.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đinh Văn Minh, vấn đề về tài sản và thu nhập rất nhạy cảm, do vậy việc kiểm soát vừa phải đảm bảo yêu cầu phòng ngừa tham nhũng, nhưng cũng không được xâm phạm quyền cá nhân được Hiến pháp bảo hộ. “Quan chức có trách nhiệm kê khai, nhưng họ cũng là công dân nên có quyền tài sản theo Hiến pháp, vì vậy phải tính toán cho phù hợp...”- ông Minh chia sẻ. Tất nhiên, quyền tài sản của mọi công dân (trong đó có quan chức) được Hiến pháp và pháp luật bảo hộ. Song, Hiến pháp chỉ bảo hộ tài sản hợp pháp, tài sản do “mồ hôi, nước mắt” của công dân làm ra chứ không phải là tài sản do tham nhũng mà có. Mà đã là tài sản do công sức của bản thân làm ra, lẽ nào các quan chức phải giấu, lẽ nào không thể công khai, minh bạch để xã hội giám sát? Hơn nữa, việc giám sát kê khai, minh bạch tài sản cũng đâu có vi hiến.

Việc thành lập các cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức sẽ loại bỏ được hành vi gian dối, giấu giếm tài sản bất minh. Dĩ nhiên, với những người đã “tự giác” thì họ không tham nhũng, dù có kê khai tài sản hay không. Song, với những người vốn đã có ý định tham nhũng khi cố ngoi lên các vị trí lãnh đạo thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ là “cây gậy” răn đe khiến họ không dám gian dối. Nếu không có biện pháp kiểm tra, giám sát, ai có thể đảm bảo rằng sẽ không có quan chức tiếp tục khai buôn chổi đót, nuôi lợn, chạy xe ôm để có khối tài sản khổng lồ hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng? Còn nếu những “nghề phụ” hái ra tiền đó đã bị “lỗi thời” với xã hội thì họ sẽ bịa ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn loại nghề khác, miễn là giải thích được cho tài sản bất minh.

Hành lang pháp lý chặt là chưa đủ

Cùng với việc ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, tới đây là nghị định mới thay thế cho Nghị định 78/2013/NĐ-CP, sẽ tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức nhằm phòng ngừa tham nhũng một cách có hiệu quả. Cánh cửa tới “thiên đàng” xa hoa, lãng phí, cuộc sống phè phỡn đối với những người đã đang và sẽ có ý định tham nhũng sẽ dần đóng chặt lại. Dù ai đó có cố luồn lách các kẽ hở của pháp luật để có được khối tài sản tham nhũng thì cuối cùng cũng sẽ không “có phúc để hưởng”, cũng khó mà tẩu tán cho bố mẹ, anh em, vợ chồng, họ hàng, người thân... Làm sao có thể “che mắt” được cơ quan chức năng, đặc biệt là sự giám sát của người dân, báo chí, khi mà tài sản, thu nhập của quan chức đã được niêm yết công khai 30 ngày ở cơ quan, đơn vị?

Khi mà một cán bộ, công chức, viên chức đã “phơi” ra hết tài sản mà mình có ra, thì mọi biến động về tài sản dù nhỏ thôi cũng đã dễ dàng để các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập kịp thời phát hiện, xử lý. Hay hơn nữa là người thuộc diện kê khai buộc phải cung cấp thông tin, giải trình có logic về khối tài sản của mình với cơ quan chức năng. Nếu không đáp ứng hay có hành vi cản trở quá trình xác minh tài sản, thu nhập có thể sẽ bị đình chỉ công tác, thậm chí bãi nhiệm, miễn nhiệm chức vụ đang giữ nếu phát hiện gian dối. Tổ xác minh có thẩm quyền đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đã ra quyết định xác minh kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền đình chỉ công tác người bị xác minh, hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu phạm tội.

Song, dù hành lang pháp lý có chặt chẽ cỡ nào thì vẫn phải do con người thực hiện. Nếu chính những người thuộc các cơ quan chuyên trách về kiểm soát tài sản, thu nhập lại “có vấn đề” thì không những không ngăn chặn được mà còn khuyến khích cho vấn nạn tham nhũng phát triển. Chẳng thế mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã không dưới một lần yêu cầu phải chống tham nhũng trong chính các cơ quan được giao nhiệm vụ phòng chống tham nhũng đó sao? Khi mà người ta còn nể nang, xuê xoa, ngại va chạm thì dù có thấy sự thay đổi tài sản bất thường của người bị xác minh họ cũng vờ như không thấy, không biết, để rồi lại báo cáo là không phát hiện tham nhũng. Vậy mới nói, hành lang pháp lý chặt chẽ thôi chưa đủ, mà quan trọng hơn là cái tâm trong sáng, khách quan của những người thực thi công vụ trong các cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức.

Lê Anh Đức