Nhà thơ Huỳnh Mai Liên: Cách ly để phòng chống dịch không có nghĩa là xa lánh, kì thị
Hiện đang công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), nhà thơ Huỳnh Mai Liên (quê Vĩnh Phúc) gần đây có chia sẻ trên trang cá nhân về việc bản thân chị cũng như bạn bè bị tổn thương về việc “mọi người bắt đầu “ì xèo”về những ai đến từ Vĩnh Phúc".
Và thay vì buồn, các chị đã kêu gọi nhau và cùng ủng hộ 550 chai nước sát khuẩn đến trường THPT Bến Tre, Xuân Hòa cùng một số hộ gia đình tại Vĩnh Phúc.Nhà thơ Huỳnh Mai Liên chia sẻ:
“Tôi là người Vĩnh Phúc, và suốt mấy tuần nay, chủ đề “người Vĩnh Phúc” được nhắc tới rất nhiều. Đó là câu chuyện chàng trai giơ tâm biển: “Tôi là người Vĩnh Phúc. Chúng tôi là con người. Chúng tôi không phải là virus. Đừng kì thị chúng tôi!”, khách sạn treo biển không chào đón người Vĩnh Phúc, nhà hàng không đón xe biển Vĩnh Phúc, thậm chí bệnh viện từ chối người Vĩnh Phúc...
Một người bạn tôi đã gửi con về quê ngoại ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Cách đây mấy ngày khi cô ấy đưa con về Hà Nội, nhiều đồng nghiệp tỏ ra e dè thái quá, phòng làm việc lập tức được phun sát khuẩn, và hiện cô ấy đang làm việc tại nhà.
Theo quan sát của tôi, 11 người nhiễm chủng mới của virus corona đang khiến mọi người nghĩ rằng hơn 1,15 triệu người Vĩnh Phúc (con số thống kê năm 2019) đều có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Sự e dè, lo lắng quá mức khiến người Vĩnh Phúc những ngày này xích lại gần nhau hơn. Tôi nghe và thấy nhiều câu nói “Vĩnh Phúc cố lên!”, “Tôi tự hào là người Vĩnh Phúc!”
Hôm trước, khi đi chợ tôi nghe thấy cô bán hàng thì thào về trường hợp ở gần đó có người mắc bệnh. Tôi hỏi lại: “Em có chắc chắn không? Đó có phải là người mắc bệnh hay chỉ là trường hợp nghi cách ly?”, và cô ấy không trả lời được. Điều tôi muốn nói tới là trong bối cảnh phức tạp này, mỗi người cần có bộ lọc thông tin sáng suốt, để không trở thành nơi tiếp tay cho những luồng tin mơ hồ như vậy, ảnh hưởng không tốt tới người khác”.
“Việc lo lắng, e ngại, chối bỏ là một phần rõ nhất chúng ta nhìn thấy. Bản thân tôi cảm nhận điều ấy ngay từ cách cư xử, những câu nói, hành động có phần thái quá đối với những người bị cách ly hoặc đến từ địa phương nơi có dịch.
Thực tế trong công tác phòng chống dịch, tôi xem ti vi có một cán bộ nói rất to, khoát tay rất mạnh ý “nhầm còn hơn bỏ sót”. Dưới góc độ khoa học, đúng là để tránh lây lan Covid-19, một trong những biện pháp mạnh tay là cách ly triệt để. Tôi nghĩ điều đó không liên quan tới việc chúng ta xa lánh hay kì thị. Người bị nghi ngờ, phải can thiệp hầu như đều đồng ý với việc cách ly. Song không vì thế mà cộng đồng có những hành xử khiến họ bị tổn thương, tâm lý nặng nề.
Thậm chí, nó như một vòng luẩn quẩn, ở Việt Nam thì nguời nhiễm bệnh, người bị cách ly, y bác sĩ bị xa lánh. Còn trên thế giới, những người đang chịu tổn thương rộng hơn, không chỉ người Vũ Hán hay Trung Quốc mà còn là những người tóc đen, da vàng... Câu chuyện kì thị đang song hành với nhiều quốc gia trên thế giới.
Những biểu hiện kì thị muôn hình vạn trạng đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, ở các quốc gia. Với những xung đột khác nhau về văn hóa, tôn giáo và nhiều điều khác, tôi nghĩ đây là một tồn tại của cuộc sống này, và chính quyền cùng các cá nhân đang ra sức để giảm thiểu điều đó trong cộng đồng. Khoan hãy nói về hậu quả, tôi thường đặt câu hỏi “Kì thị để làm gì?”. “Nó có làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn không?”, “Nó có mang lại điều tốt lành không?”, điều đó chúng ta đều cảm nhận rõ.
Kì thị rõ ràng đâu phải phòng tránh dịch bệnh? Thậm chí, khi bị cộng đồng quay lưng, người bị kì thị có thể nảy sinh sự bất bình, chống đối, trả thù…, gây ảnh hưởng không tốt. Đó là chưa kể thương tổn về tâm lý đối với những người bị xa lánh một cách thái quá. Trong khi thời gian để cách ly với những người nghi ngờ khá dài, đòi hỏi người cách ly phải bình tĩnh và kiên nhẫn; thì sự kì thị chỉ mang tới sự khó chịu và nặng hơn là đau lòng.
Ai cũng sợ hãi và bản thân tôi cũng vậy, nếu tiếp xúc với người đang cách ly hay tới từ vùng tâm dịch. Tôi nghĩ chúng ta hãy đặt mình trong hoàn cảnh của họ để lựa chọn cách cư xử cho mình. Ví dụ như ít nhất, nói cho họ biết sự lo lắng của mình để có được sự cảm thông từ hai phía. Tôi nhớ mãi chia sẻ của một bác sĩ Vĩnh Phúc khi đến công tác tại vùng tâm dịch ở xã Sơn Lôi: Nếu nói không sợ, không lo lắng là nói dối, nhưng trách nhiệm của một người khoác trên mình tấm áo blouse cùng lòng trắc ẩn với những con người cùng quê hương ruột thịt khiến nỗi lo lắng ấy bị lu mờ.
Đúng là hình ảnh những bó hoa từ bác sĩ tặng cho các bệnh nhân bị Covid-19 gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Những bông hoa khiến không khí trong mỗi bức ảnh trở nên nhẹ nhõm hơn. Nó khiến cho hình ảnh ở bệnh viện trở nên nhân văn hơn. Tôi cũng như nhiều người Việt Nam rất tin tưởng vào trình độ của đội ngũ ngành Y ở Việt Nam, con số 16 bệnh nhân khỏi bệnh đã chứng tỏ điều này. Xin thay mặt những người dân, trong đó có rất nhiều người ở Vĩnh Phúc gửi lời cảm ơn tới đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu đã kiên cường giúp bệnh nhân vượt qua thời điểm khó khăn.
30 người từ Vũ Hán trở về là 30 là gia đình và nhiều hơn nữa những người thân thiết của họ. Điều này tạo cho mỗi người dân Việt Nam có cảm giác an lòng khi được chở che và hỗ trợ. Ít ai biết phía sau đó là nỗ lực của bao nhiêu người, trong đó có phi hành đoàn. Tôi nghĩ chắc có lẽ họ cũng phải cách ly một thời gian trước khi trở về với gia đình. Có rất nhiều câu chuyện cảm động và nhân văn trong những ngày phòng chống dịch, để từ đó chúng ta có thêm niềm lạc quan hướng tới một ngày mai an lành.
Tình yêu thương, nhân ái luôn cần có trong cuộc sống như cần ánh nắng và gió trời. Sự kì thị không phải tự dưng đến, cũng không hẳn do người ta hoàn toàn cố tình làm vậy. Nhưng trái tim yêu thương và sự hiểu biết, trải nghiệm, đồng cảm sẽ giúp mọi người hiểu hơn và có trách nhiệm với hành động của mình”.