Cảnh giác với tin giả
Vừa rồi sau khi có thông tin về những ca mắc Covid-19 mới ở Hà Nội các địa phương khác, nhiều thông tin giả loan đi trên mạng xã hội về dịch bệnh này đã khiến người dân thấy hoang mang.
Đỉnh điểm của nỗi hoang mang ấy là hình ảnh người dân Thủ đô chen chúc nhau đi mua lương thực, thực phẩm tích trữ trong ngày 7/3. Không riêng gì tại Hà Nội, một số địa phương lân cận, người dân cũng đổ xô đi tích trữ hàng hóa.
Tất nhiên sau khi Bộ Công thương phát đi thông báo khẳng định nguồn dự trữ hàng hóa vẫn dồi dào, đảm bảo nguồn cung và khuyến cáo người dân không nên hoang mang lo lắng thì tình trạng ấy đã không còn nữa. Dẫu thế, nỗi lo về dịch bệnh vẫn phập phồng. Ở những vùng nông thôn, nơi thông tin còn chưa thông suốt có những câu chuyện về dịch bệnh được thêu dệt, truyền tai nhau khiến bao người ám ảnh, bán tin bán nghi…
Điều nhìn thấy rõ là những thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng, phát tán với tốc độ chóng mặt trên cõi mạng còn nguy hiểm hơn cả dịch bệnh thật. Những trường hợp tung tin giả làm nhiễu dư luận đã kịp thời bị cơ quan chức năng xử lý. Đơn cử như vụ việc mới đây, Công an TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã xử phạt hành chính 4 cô gái, mỗi người 10 triệu đồng về hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức và danh phẩm của cá nhân. Trước đó, lực lượng an ninh phát hiện 4 tài khoản Facebook đăng các thông tin: Sa Pa có 9 người khách nước ngoài đi cùng chuyến bay với Nhung; Hành khách cùng khoang bệnh nhân Nhung đang ở tổ 8, Mường Hoa, phường Bắc Cường, mọi người chú ý nâng cao cảnh giác…
Tin thất thiệt gây hoang mang trong khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp là rất nguy hiểm, cần được xử lý nghiêm khắc, kể cả xử lý hình sự