Bồng Miêu - Quảng Nam: Vẫn nóng khai thác vàng trái phép
Kể từ cuối năm 2018, Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu chấm dứt hoạt động ở mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam thì nơi đây tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra khá phức tạp và cơ quan chức năng vẫn chưa thể xử lý triệt để.
Người dân dựng lều tìm kiếm vàng ở Bồng Miêu.
Một người dân thôn Trà Sung, xã Tam Lãnh cho hay: Việc khai thác vàng trái phép ở đây đã diễn ra nhiều năm qua. Đáng lo nhất, từ khi Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu đóng cửa, có nhiều đối tượng lên khai thác quặng tại đây để tuyển vàng.
Ông Nguyễn Văn T. người dân địa phương cho biết: “Họ đào bới đất đá để lấy quặng rồi dùng chất độc hại tuyển vàng xả ra làm ô nhiễm môi trường. Những nơi họ khai thác gây ra sạt lở đất, nhất là vào mùa mưa bão. Nhiều lần lực lượng chức năng vào truy quét đẩy đuổi các đối tượng vàng tặc, nhưng sau một thời gian lại tái diễn”.
Những ngày cuối tuần qua, chúng tôi trở lại nơi đây, chứng kiến trên con đường đất dốc đá vào khu vực bãi vàng Bồng Miêu, việc đào xới khai thác vàng đã khiến cho nhiều con suối nước đục ngầu. Nhiều nơi lán trại được dựng lên và nhiều hang, hầm bị đào xới sâu vào trong lòng đất để tìm quặng.
Chúng tôi nhìn thấy đa số đối tượng khai thác vàng bằng thủ công. Họ dùng cuốc hoặc xẻng xúc đất khai thác quặng rồi cho vào bao tải dùng xe máy chở đi đến nơi tiêu thụ hay đem ra bờ suối ngồi đãi quặng tìm vàng. Những nơi như Núi Kẽm, Nhà Thùng;…thuộc bãi vàng Bồng Miêu tình trạng khai thác vàng vẫn đang diễn ra.
Anh Dương V. T. là một phu vàng cho hay: “Hồi trước tôi làm công nhân cho Công ty Bồng Miêu, nhưng từ khi họ nghỉ đóng cửa mỏ vàng tôi trở nên thất nghiệp. Do đó tôi vào trong các điểm khai thác bãi vàng này để đào đất đá đem ra bờ suối ngồi đãi quặng để kiếm tiền lo chi phí sinh hoạt cho gia đình”.
Nhiều phu vàng cho hay, trung bình một ngày được từ 3 đến 5 bao quặng gồm đất đá và mỗi ngày kiếm được từ hai đến ba trăm nghìn đồng nhưng công việc rất vất vả, nặng nhọc và luôn bị lực lượng chức năng truy quét, đẩy đuổi.
UBND xã Tam Lãnh cho biết, trong năm 2019 đã tổ chức 67 đợt kiểm tra, xử lý tình hình làm vàng không phép trên địa bàn xã, phát hiện và tiêu hủy, làm mất tác dụng hoàn toàn 64 máy nổ, 55 cối xay, 37 cối đập, 114 lán trại, 104 hồ hóa chất, 11.725 m bạc, 6.250 m dây nước;… và đổ khoảng 8,5 tấn quặng xuống vực thẳm.
Còn đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã tổ chức 9 đợt kiểm tra, xử lý tình hình làm vàng không phép trên địa bàn, qua đó phát hiện và tiêu hủy 6 máy nổ, 6 cối đập, 6 cối xay, 10 lán trại, 3.300m dây nước, 1.250 m bạc, 6 hồ hóa chất,…
Ông Nguyễn Thế Vinh- Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, đa số các đối tượng làm vàng chủ yếu là lao động nghèo ở địa phương và nhiều nơi khác tìm về. Một phần sống ngay trên mỏ vàng nhưng đất sản xuất lại ít, không có công việc ổn định vì vậy họ tìm cách mưu sinh bằng cách mót vàng. Những người này chưa từng trải qua khóa huấn luyện khai thác hầm lò, không có bảo hộ lao động, họ chỉ dựa vào kinh nghiệm làm vàng lâu năm của bản thân. Lực lượng chức năng liên tục truy quét, đẩy đuổi nhưng vẫn chưa thể chấm dứt tình trạng khai thác vàng trái phép này.
Còn ông Nguyễn Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: “Do địa hình núi rừng hiểm trở và giáp ranh với các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước nên nhiều lần tổ chức truy quét gặp nhiều khó khăn. Dự kiến đầu tuần tới chúng tôi sẽ thành lập các tổ vào bãi vàng Bồng Miêu truy quét đẩy đuổi các đối tượng vàng tặc”.