Quản lý chất thải rắn sinh hoạt để bảo vệ môi trường
Công nghệ xử lý chất thải rắn (CTR) nói chung và chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở nước ta được đánh giá còn rất hạn chế. Đây là thách thức lớn đòi hỏi các cấp, các ngành và địa phương cần tập trung giải quyết.
Tình trạng xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), lượng chất CTRSH ở nước ta phát sinh khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó CTRSH đô thị khoảng 37.000 tấn/ngày. CTRSH ở nông thôn khoảng 24.000 tấn/ngày. Địa phương có khối lượng phát sinh lớn nhất là TP HCM với 9.100 tấn/ngày, Thanh Hóa 2.246 tấn/ngày…
Trong khi đó, các khu xử lý, bãi chôn lấp chất thải thường xuyên ở xa khu vực dân cư nên làm tăng chi phí vận chuyển, nhiều phương tiện vận chuyển không đáp ứng yêu cầu gây rò rỉ nước thải hoặc gây ô nhiễm mùi trong quá trình vận chuyển. Về hiện trạng xử lý, CTRSH chủ yếu là chôn lấp với 71%, 16% bằng phương pháp phân compost; 13% bằng phương pháp đốt…
Đề cập về nguyên nhân xử lý CTR chưa hiệu quả, TS Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường lý giải, theo quy định hiện hành, công tác quản lý nhà nước về chất CTR không được giao thống nhất cho một cơ quan mà được phân công cho nhiều Bộ, ngành cùng tham gia, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về quản lý CTR. Bên cạnh đó, trong các văn bản pháp luật hiện hành vẫn đang còn thiếu các hướng dẫn lựa chọn công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật phù hợp về thu gom, lưu giữ, xử lý CTRSH. Hoạt động tái chế còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát...
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, để thực hiện quản lý CTR cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng. Đồng thời triển khai sâu rộng về quản lý CTR dựa vào phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn mà trước hết cần lựa chọn ưu tiên loại hình chất thải, cách thức tiến hành, sau đó nhân rộng. Và tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường dựa trên các tiêu chí của hiệu quả đầu tư; khuyến khích doanh nghiệp, người dân, nhất là khu vực tư nhân đầu tư thực hiện.
ThS Đinh Nam Vinh, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị, thời gian tới cần ưu tiên các nhà máy xử lý CTR tập trung, công nghệ hiện đại và công suất đủ lớn, đặc biệt các nhà máy áp dụng công nghệ điện rác tiên tiến. Trước áp lực xử lý tiêu hủy rác thải cấp thiết và phổ biến trên diện rộng ở nước ta hiện nay, giải pháp công nghệ đốt tiêu hủy chất thải rắn sinh hoạt đô thị đang là sự lựa chọn mang tính thời sự. Song trong chiến lược phát triển dài hạn rất cần hoạch định rõ lộ trình nâng cấp chất lượng công nghệ bắt buộc để tận thu được hợp phần rác hữu cơ làm phân bón và chỉ chuyển vào đốt, tiêu hủy các hợp phần rác đốt được. Ưu tiên hỗ trợ thực hiện hoàn thiện công nghệ xử lý CTR phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhất là công nghệ trong nước thí điểm mô hình xử lý CTR phù hợp với điều kiện Việt Nam…