Trịnh Công Sơn với những nụ tình xuân
Người nghe nhạc thường thấm nỗi cô đơn và thân phận con người qua những giai điệu ẩn chứa nhiều ẩn ức của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đúng như quan niệm của anh qua ca khúc muốn đánh lên tiếng chuông và mượn ánh nắng của trời đất để soi tỏ cái số phận cho mỗi con người. Nhạc sĩ mong có thể nhìn lại mình và nhìn người rõ hơn để nhận ra rằng con đường duy nhất đến với người khác bằng một tấm lòng nhân ái vô biên.
Chính vì thế những ca khúc “Để gió cuốn đi”, “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, “Hãy yêu nhau đi”… đã ra đời để hoàn thiện một tiếng hát mới mẻ, đầy nhân hậu. Người nhạc sĩ lãng mạn du ca này luôn luôn mong ước những mùa xuân tràn đầy: “Bên trời xanh mãi những nụ mầm mới, để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười” (Bốn mùa thay lá)
Thực ra từ thời kỳ đầu viết nhạc Trịnh Công Sơn không hẳn chỉ hướng tới nỗi u buồn của thân phận. Trong tâm hồn anh luôn ẩn chứa ánh nắng ấm áp của mùa xuân. Nhạc của Trịnh luôn bày tỏ những giai điệu khát vọng cho một cuộc sống nồng ấm dịu dàng. Khi nói đến mong ước những mùa xuân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngay từ tổ khúc “Dã tràng ca” đã thể hiện khát khao ở tuổi 20. Thời kỳ học ở trường sư phạm Quy Nhơn (1961), nhạc sĩ đã viết: “Khi chim én bay vào mùa xuân, mình tôi đi, triền núi đến, tôi xe cát nghe lưu đầy”. Trong hành trình đi tìm mình, người nhạc sĩ trẻ còn nhiều do dự với bốn mùa: “Xuân, hạ, thu, đông bốn mùa làm tóc tôi trắng. Tôi gọi tên tôi khắp chốn non ngàn… Xuân, hạ, thu, đông theo gót chân hờ”. Lời ca của Trịnh cũng luôn luôn bị ám ảnh với ánh nắng xuân cho dù hoàn cảnh nào. Kể cả qua những cuộc tình không tới sắc độ mùa xuân của Trịnh cũng lấp lánh đâu đó. Với ca sĩ Bích Khê, Trịnh Công Sơn tưởng như sẽ không còn niềm hoài vọng như “Diễm xưa” hay một thuở “Ướt mi”, vậy mà Trịnh Công Sơn vẫn phải buồn bã chia xa: “Ngày mai em đi thành phố mắt đêm đèn vàng. Nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương”. Từ đó hương vị ngọt bùi của mùa xuân trong tình yêu luôn chợt đến với anh. Điệu thức liêu trai của Trịnh Công Sơn được người nghe đón nhận và cảm thông bởi chính sự ám ảnh của một tâm hồn trong sáng bừng lên trong hình tượng âm nhạc.
Trong 127 tình khúc trong tuyển tập “Trịnh Công Sơn- Những bài ca không năm tháng” (NXB Âm nhạc, 2006), thì có đến gần một nửa nhạc sĩ đã vẽ lên những bức tranh mùa xuân với những sắc độ khác nhau. Như vậy phải nói sự vượt lên thân phận khắc nghiệt, Trịnh Công Sơn tràn đầy nội lực vượt qua và luôn cất tiếng ca: “Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng” (Ru em từng ngón xuân nồng). Đáng chú ý nhạc sĩ có chùm ca khúc bốn mùa như “Bốn mùa thay lá”. “Gọi tên bốn mùa”, “Đóa hoa vô thường”… Những ca khúc này ấp ủ nét xanh tươi chan chứa tình yêu cuộc sống. Và mùa xuân đã hiện lên qua những hình ảnh là lời ca. Đó là “những giọt mưa, những nụ hoa” và “em đứng lên mùa xuân vừa mở, nụ xuân xanh cành thênh thang”; hoặc “Mùa xuân trên những mái nhà. Có con chim hót tên là ái ân”. Độ sâu sắc của hàng trăm ca khúc của Trịnh Công Sơn được chiếu rọi qua một tâm hồn trong trẻo như vậy.
Đáng chú ý qua những cuộc tình đổ vỡ hoặc đơn phương thầm lặng của mình, nhạc sĩ luôn thể hiện sự nhân ái chứ không hề oán trách hoặc quá đau buồn. Có lần Trịnh Công Sơn đã viết: “Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn” (Tưởng rằng đã quên). Nếu ở “Biển nhớ” là “Nửa bóng xuân qua ngập ngừng” để giải tỏa nỗi tình với ca sĩ Bích Khê; Thì với cuộc tình dở dang phải chia tay với người đẹp tên Xuân ở Huế, nhạc sĩ lại thể hiện ánh sắc mùa xuân thật rạng rỡ: “Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa. Xuân đến bên kia đồi trởi mở ra cánh én. Em đến bên tôi ngồi đời mở ra cuộc tình” (Hoa xuân ca).
Hai chị em Bích Diễm - Dao Ánh.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có biệt tài gắn tên người mình yêu vào bài hát như: “Diễm xưa”, “Quỳnh Hương”, “Nguyệt ca”, “Biển nhớ”, “Bống không là Bống”, “Hoa vàng mấy độ”. Đó là những sắc xuân làm nên tình yêu của mình và ông ngợi ca đó là chốn trú ẩn cuối cùng. Bởi tình yêu mọc cánh thiên thần cho âm nhạc bay lên.
Chẳng cứ vướng bận những cuộc tình Trịnh Công Sơn mộng mị với hơi thở mùa xuân, mà trong nhiều ca khúc khác ông vẫn tạo được những hình tượng sáng láng mơ mộng như: “Mùa xuân quá vội. Mười năm tắm gội. Giật mình ôi chiếc lá thu phai” (Chiếc lá thu phai). Hoặc nỗi niềm tâm sự cùng bạn bè về sự thiếu vắng tình yêu: “Em đã đi đời có đâu ngờ. Mang trái tim mùa xuân héo khô. Không có em buồn vui với ai” (Còn ai với ai). Đáng chú ý còn một số ca khúc mà Trịnh Công Sơn dan díu với tình xuân nhưng với tâm trạng vui buồn lẫn lộn qua các tình khúc như: “Góp lá mùa xuân”, “Môi hồng đào”, “Người về bỗng nhớ”, hoặc “Ru em từng ngón xuân nồng”, “Rừng xưa đã khép”, hay “Còn đường mùa xuân”, “Vẫn có em bên đời” và “Bông hồng nhỏ”. Một số tình khúc này được viết cho phim truyện. Chúng độc lập như một ca khúc riêng biệt, đi sâu vào đời sống âm nhạc và trở thành những tác phẩm hay.
Đặc biệt ca khúc “Bông hồng nhỏ”, Trịnh Công Sơn đã thể hiện đúng một tâm thế mới sau những trải nghiệm với những u buồn của thân phận yếm thế. Cùng với “Thành phố mùa xuân”, “Con đường mùa xuân” thì “Bông hồng nhỏ” của Trịnh đã tạo mốc son cho sự chuyển biến gắn với nhịp sống thời đại. Lời ca chính là tâm sự của Trịnh Công Sơn đã hóa thân thành một em bé: “Em sẽ là mùa xuân của mẹ. Em sẽ là màu nắng của cha. Em đến trường học bao điều lạ. Môi biết cười là những nụ hoa. Trời mênh mông, đất hiền hòa. Bàn chân em đi nhè nhẹ. Đưa em vào tình người bao la…”. Tình yêu cuộc sống ấy lôi cuốn nhạc sĩ luôn lạc quan và những sáng tác trong thập niên 90 luôn tô điểm màu sắc mùa xuân vui. Trong ca khúc “Con đường mùa xuân” nhạc sĩ đã cất lên tiếng hát: “Bao nhiêu xuân hồng rực rỡ đi về. Nghe trong ta, xuân bao la, vĩnh viễn không còn xuân chờ…”. Đó là một mùa xuân mới hiện lên trong âm nhạc của Trịnh. Từ những nụ xuân cô đơn hiu hắt trong tình yêu nay nhạc sĩ đã có những mùa xuân tinh khôi và đằm thắm trong cuộc sống mới.
Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly.
Có thể nói sự chuyển mình ấy bắt đầu hình thành từ những kỷ niệm đã làm nhạc sĩ đã có cách nhìn mới về thân phận con người. Sinh thời có lần Trịnh Công Sơn kể lại chuyến đi thực tế cùng nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu và Trần Long Ẩn tại nông trường ở Nhị Xuân (Huế). Nhạc sĩ đã cùng những thanh niên xung phong vừa làm vừa hát dưới một con kênh. Nước triều dâng lên nhưng mọi người vẫn ca vang. Sau công việc các nữ thanh niên xung phong mang đến cho các nhạc sĩ những bát cháo gà nóng hổi thơm phức. Đó là những kỷ niệm sâu sắc mà Trịnh Công Sơn trải nghiệm với cuộc sống mới đầy thử thách. Sau đó họ chia tay nhau. Hai mươi cô gái thành niên xung phong đi về mặt trận Tây Nam. Vài tháng sau Trịnh Công Sơn nghe tin hai mươi cô gái đó đã hy sinh. Cái tin làm chấn động tâm hồn anh. Cả đêm không ngủ, Trịnh Công Sơn nhớ như in những nụ cười và ánh mắt của các cô gái ấy. Anh tự trách mình còn biết bao điều chưa nói hết ở nông trường và càng chưa nói được một mảy may lúc ra biên giới. Đây là những câu ca mà anh hát với mùa xuân mới của mình: “Từng vai áo phai sẽ xanh thêm đời. Bàn tay làm nên những mùa vui” (Em ở nông trường em ra biên giới). Có lần anh đã tự thốt lên: “Xin hãy tha thứ những dòng chữ óng mượt, những sắp xếp tinh khôn, những cân nhắc đong đo xuôi chèo thuận lái” (Phác thảo chân dung tôi).
Dường như lời ca của mỗi bản nhạc của Trịnh Công Sơn đều là những thi phẩm mang yếu tố siêu thực với những hình ảnh độc đáo. Nhưng khi gửi gắm nỗi lòng vào sắc xuân là anh trở về hiện thực lãng mạn nhất. Đó là sự hoan ca bay bổng thoát khỏi những suy tư thiền tự. Trịnh Công Sơn đâu chỉ trĩu nặng cõi lòng với nỗi cô đơn trầm mặc. Dần dần hương sắc mùa xuân trăn trở đã chuyển động đổi mới và đậm sắc tươi hồng. Tình yêu cuộc sống trong anh mỗi ngày một tươi sáng trong niềm vui: “Tôi là ai, là ai, là ai… Mà yêu quá đời này” (Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng).