Ngành bán lẻ đối diện với khó khăn
Dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra (Covid-19) đã tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó ngành bán lẻ cũng không ngoại lệ. Ghi nhận của chúng tôi tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn những ngày qua là cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Theo Bộ Công thương, doanh thu bán lẻ của tháng 2 không đạt tăng trưởng như tháng 1.
Trung tâm thương mại vắng khách.
Dịch bệnh Covid -19 đã tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành, trong đó có ngành bán lẻ. Việc hạn chế đi lại mua sắm của người dân đã khiến cho ngành này bị ảnh hưởng khá nặng nề. Theo Bộ Công thương, doanh thu bán lẻ tháng 1/2020 đạt 346.200 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kì năm ngoái song thu của tháng 2 không đạt được mức tăng trưởng như vậy.
Siêu thị đìu hiu, vắng vẻ
Dịch bệnh do virus corona (Covid -19) kéo dài khiến cho nhiều người tiêu dùng quyết định hạn chế đến các trung tâm thương mại, siêu thị để mua sắm. Thực tế này khiến doanh thu của ngành bán lẻ giảm mạnh. Theo Aeon Việt Nam, trong thời gian dịch bệnh hoành hành, số lượng khách đến mua sắm tại hệ thống siêu thị này giảm 20-35%. Các mặt hàng bán đều chậm lại.
Dạo qua các hệ thống siêu thị của Aeon, không còn thấy cảnh người dân kéo đến mua sắm sầm uất, sôi động như thời điểm trước khi xảy ra dịch và ngày 7/3 khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại Hà Nội. Còn tại Aeon Mall Long Biên, một trong những địa điểm vui chơi, giải trí nổi tiếng của Hà Nội, đáng lẽ rất đông đúc dịp cuối tuần nay cũng trở nên vắng vẻ. Theo chia sẻ của một nhân viên bán hàng thời trang, giày dép, số lượt khách đến xem hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo đại diện Aeon, chỉ có mảng sản phẩm ăn nhanh, sản phẩm khô, nước rửa tay sát khuẩn là tiêu thụ tốt, còn lại các mặt hàng tiêu thụ rất chậm, rất ít giao dịch.
Tình cảnh vắng vẻ cũng diễn ra ở hầu hết các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng tiện lợi. Tại các chợ dân sinh cũng ảm đạm hơn nhiều so với trước. Theo ghi nhận của chúng tôi tại các chợ dân sinh như Cầu Giấy, chợ Hôm, Thượng Đình… người tiêu dùng đến mua hàng giảm mạnh so với trước khi có dịch. Theo Bộ Công thương, doanh thu bán lẻ tháng 1/2020 đạt 346.200 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kì năm ngoái song Bộ này cho biết, doanh thu của tháng 2 không đạt được mức tăng trưởng như vậy.
Cơ hội để đổi mới, bứt phá
Giới chuyên gia nhận định, ngành bán lẻ đang phải cạnh tranh hết sức khốc liệt với sự thâm nhập của các DN nước ngoài, và nay lại càng khó khăn hơn khi bị những tác động của dịch bệnh. Song, đi kèm với khó khăn là những cơ hội để các DN trong ngành bứt phá.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Các siêu thị Hà Nội, đây là cơ hội để ngành bán lẻ nhìn lại mình để đổi mới hơn nữa trong việc tổ chức thu mua nguồn hàng và bán ra phục vụ cho xã hội hiệu quả hơn. Ngành bán lẻ phải tự thân đổi mới mình trước hết. Đổi mới một cách toàn diện, chắc chắn khắc phục những khiếm khuyết trong giai đoạn trước đây để thực hiện ngày càng tốt hơn hiệu quả kinh doanh của mình.
Theo đó, trước hết về chất lượng giá cả hàng hóa kinh doanh, ông Phú cho rằng, chất lượng ngày càng phải nâng lên một bước, nhất là ở các siêu thị và trung tâm thương mại, nơi người tiêu dùng thường đặt niềm tin cao nhất. Thứ hai, về giá cả, vị chuyên gia nêu rõ, các DN cần rà soát lại các mức giá bất hợp lý do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, để từ đó kéo giá về một mức mà thị trường có thể chấp nhận được và mang tính cạnh tranh cao giữa các kênh bán lẻ.
“Thời gian này cũng là cơ hội để tiếp tục đổi mới tác phong, thái độ phục vụ người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu một cách bền vững” – ông Phú nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh, trong giai đoạn này, những hành vi bán hàng lợi dụng có dịch để trục lợi phải bị phê phán và xử lý kịp thời. Mối quan hệ giữa kênh bán lẻ với nhà cung ứng, nhà sản xuất phải bình đẳng, làm ăn tử tế có trách nhiệm, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong những lúc khó khăn như hiện nay.
Nói về những cơ hội và của ngành bán lẻ trong thời gian tới, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, thời gian tới đây là thời của cách mạng công nghiệp 4.0, bởi vậy, các DN bán lẻ cần tiếp cận mạnh mẽ với công nghệ và rất sáng tạo. Đây là hai yếu tố quan trọng để ngành bán lẻ nước nhà bứt phá trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, khi vượt qua được “bão dịch Covid -19”, các DN bán lẻ cần nắm bắt xu hướng người tiêu dùng,hướng tới những nhu cầu của người tiêu dùng trong xu thế mới như thực phẩm sạch, các đồ gia dụng thân thiện môi trường... để đáp ứng tốt những nhu cầu đó.