Đại dịch Covid-19, Mỹ lúng túng

Khánh Duy 12/03/2020 23:00

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày 12/3 đã tuyên bố cấm toàn bộ di chuyển từ các nước châu Âu tới Mỹ trong vòng 30 ngày, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố Covid-19 - căn bệnh gây nên do virus Corona chủng mới - là đại dịch.

Đại dịch Covid-19, Mỹ lúng túng

Covid-19 đang đe dọa nước Mỹ.

Biện pháp mạnh

“Để ngăn chặn các ca nhiễm mới đi vào lãnh thổ, chúng ta sẽ tạm ngừng nhận tất cả người từ châu Âu đến Mỹ trong vòng 30 ngày tới” – Tổng thống Donald Trump tuyên bố.

Lệnh cấm nhập cảnh quyết liệt này có hiệu lực từ đêm ngày 13/3 (theo giờ Mỹ) và kéo dài trong 30 ngày. Ông Trump tạm thời để Anh, một nước đồng minh, là nước ngoại lệ với lệnh cấm này, và người vào Mỹ từ Anh vẫn sẽ được nhập cảnh bình thường.

Chỉ thị hạn chế di chuyển mà ông Trump đang thực thi trên thực tế rất giống với các biện pháp mà Trung Quốc từng thực thi.

Lệnh cấm không áp dụng với tất cả các nước châu Âu mà thực tế là các nước thuộc Hiệp ước tự do đi lại Schengen, bao gồm Áo, Bỉ, CH Séc, Đan Mạch Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italy, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxmbourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Điều này có nghĩa rằng: Công dân Mỹ và những người định cư ở Mỹ đang ở châu Âu vẫn được phép bay tới châu Âu và bay trở về nước Mỹ trong giai đoạn 30 ngày áp dụng. Họ sẽ được kiểm tra sức khỏe khi tới Mỹ và có thể bị cách ly hoặc hạn chế di chuyển trong vòng 14 ngày.

Ông Trump cũng khuyến khích những người dân Mỹ lớn tuổi không nên đi du lịch nếu không cần thiết.

“Đối với phần lớn người Mỹ, rủi ro là rất, rất thấp”- ông Trump cho biết và nói rằng những người lớn tuổi nên hạn chế đi du lịch, đứng cách xa người khác ở nơi công cộng và tránh tụ tập đông người, tuân thủ những yêu cầu của chính quyền địa phương. “Chúng ta đã thực hiện động thái giúp cứu sống những mạng người khi có biện pháp sớm với Trung Quốc. Giờ đây chúng ta phải làm điều tương tự với châu Âu”-Tổng thống Trump cho hay. Ông Trump cũng giảm nhẹ những cảnh báo về một cuộc suy thoái kinh tế có khả năng sẽ xảy ra. “Đây không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính, đây chỉ là một giai đoạn khó khăn tạm thời mà chúng ta sẽ vượt qua”- Tổng thống Trump nói.

Lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện Mỹ Chuck Schumer và nhiều nghị sĩ khác đã kêu gọi Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với dịch bệnh Covid-19.

Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ cho phép Cơ quan Quản lý khẩn cấp Liên bang sử dụng hơn 40 tỷ USD từ quỹ cứu trợ thiên tai để hỗ trợ các chính quyền địa phương trong việc đối phó với virus corona chủng mới.

Đại dịch toàn cầu

Trước đó, trong cuộc họp báo diễn ra tối ngày 11/3, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chính thức tuyên bố Covid-19 là “đại dịch toàn cầu”.

“Trong 2 tuần vừa qua, số lượng ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số quốc gia bị ảnh hưởng đã tăng gấp 3 lần”-Tổng Giám đốc Tedros nói trong cuộc họp báo tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ - “Trong những ngày và tuần tới, chúng tôi dự đoán số lượng ca nhiễm, ca tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng sẽ còn tăng thêm”.

Ông Tedros nói rằng số ca nhiễm tăng ở Trung Quốc và Hàn Quốc đã giảm đáng kể, thêm rằng có 81 quốc gia trên thế giới không có một ca nhiễm nào được xác nhận, trong khi có 57 quốc gia chỉ có dưới 10 ca nhiễm Co-19.

“Tất cả các nước vẫn có thể thay đổi diễn biến của đại dịch này”- ông nói- “Một số quốc gia đang chật vật vì thiếu khả năng. Một số khác chật vật vì thiếu nguồn lực. Một số lại đang chật vật vì thiếu sự quyết tâm”.

Theo giới chuyên gia, việc công bố đại dịch toàn cầu sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn cả về chính trị và kinh tế. Điều này có thể ảnh hưởng sâu rộng tới các thị trường vốn đã dễ đổ vỡ trên toàn thế giới, cùng các lệnh giới hạn di chuyển, hạn chế thương mại sâu hơn. Giới chức WHO trước đây từng do dự không tuyên bố dịch do virus corona là đại dịch toàn cầu.

Khánh Duy