Khi cuộc chiến vẫn nóng bỏng
Ngày 12/3, ông Mike Ryan- Giám đốc điều hành Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh khi tuyên bố Covid-19 là đại dịch: “Mọi quốc gia cần phải công khai chiến lược của họ ngay bây giờ”.
Trước đó ít giờ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc cả về mức độ lây lan nghiêm trọng và đáng báo động của nó, cũng như mức độ đáng báo động của việc không hành động. Chúng tôi gióng lên hồi chuông cảnh báo và rõ ràng”. Đến thời điểm này, WHO đã dùng tới chữ “đại dịch” để mô tả tình hình Covid-19 - cho dù trước đó đã có rất nhiều cân nhắc.
Cách ly những ca nghi hoặc nhiễm Covid-19, một biện pháp hữu hiệu đã và đang được áp dụng. Ảnh: Quang Vinh.
Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đã lây nhiễm hơn 100.000 người khắp thế giới. Chưa hết, Tổng Giám đốc WHO còn cho rằng, trong những ngày và tuần sắp tới, số lượng ca nhiễm, ca tử vong và các quốc gia chịu ảnh hưởng sẽ thậm chí tăng cao hơn.
Cũng cần nhắc lại, lần gần nhất WHO tuyên bố một đại dịch là trong giai đoạn bùng phát cúm H1N1 năm 2009.
Với Việt Nam, kể từ đầu năm tới nay, Chính phủ cùng nhân dân cả nước đã căng mình chống dịch. Đã có lúc chúng ta tưởng rằng đã dập được dịch Covid-19 khi hơn 20 ngày không có ca bệnh mới, và 16/16 người nhiễm SARS-CoV-2 đã được chữa khỏi. Xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã được gỡ phong tỏa. Ai cũng vui mừng. Kể cả thế giới cũng đánh giá rất cao việc phong tỏa, dập dịch của Việt Nam.
Nhưng thật bất ngờ, đêm 6/3, ca Covid-19 thứ 17 xuất hiện. Đó là một cô gái từ Anh về. Và sau đó, việc gì đến phải đến, số người nhiễm Covid-19 ở nước ta tăng dần. Tới chiều tối ngày 12/3, đã là ca thứ 44.
Nhưng đáng nói là Việt Nam không bị động. Ngay từ sau Tết Nguyên đán, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt phòng, chống Covid-19. Tất cả các biện pháp cần thiết đã được áp dụng. Trong suốt hơn 2 tháng qua, cả hệ thống chính trị vào cuộc “chống dịch như chống giặc”. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ lại một lần nữa có Chỉ thị (số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020) về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.Chỉ thị nêu rõ, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 114.000 người nhiễm bệnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Việt Nam có nguy cơ bị lây lan dịch bệnh rất cao. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tập trung chỉ đạo: Chủ động, quyết liệt ngăn chặn, phát hiện nhanh và kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh (cả ở trong nước và xâm nhập từ nước ngoài); tổ chức cách ly hoặc giám sát người đã tiếp xúc với người bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; rà soát người nhập cảnh trong 14 ngày qua nhưng không thuộc diện cách ly tập trung, phát hiện kịp thời nguồn lây bệnh. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh. Cụ thể, tăng cường kiểm soát người nhập cảnh qua các cửa khẩu hàng không, trên bộ, hàng hải; lưu ý kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua biên giới Tây Nam; tạm dừng việc miễn thị thực đơn phương và hiệu lực giấy miễn thị thực đã cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam tại các nước có dịch. Đồng thời, thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả các hành khách nhập cảnh Việt Nam theo quy định, quản lý thông tin khai báo chặt chẽ, hiệu quả và phát hiện sớm để thực hiện cách ly đối với những trường hợp đến từ hoặc đi qua vùng dịch; hạn chế tối đa các chuyến bay giữa Việt Nam đến các vùng có dịch và ngược lại (kể cả của các hãng hàng không nước ngoài)…
Cùng đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng; thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh đến từ, đi qua vùng có dịch tại các cơ sở cách ly; thực hiện sàng lọc và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp đối với từng loại trường hợp tại các khu cách ly tập trung, không để lây chéo.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 (ngày 11/3) do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức, ông Trần Thanh Mẫn- Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cần tham mưu với cấp ủy đảng, phối hợp với chính quyền triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong toàn hệ thống. “Chúng ta vừa chống dịch bệnh Covid-19 nhưng phải đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn và phối hợp với chính quyền để hỗ trợ, tạo thuận lợi trong nhân dân phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu với quyết tâm cao hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2020”- Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý.
Như vậy, trong cuộc chiến chống Covid-19, cả nước không bị động. Trước mắt, khó khăn, thách thức còn đó nhưng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, với sự chung sức đồng lòng của người dân cả nước, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc chiến cam go này.
Việt Nam đã và đang tiếp tục phương án cách ly trên diện rộng; thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh đến từ, đi qua vùng có dịch tại các cơ sở cách ly; thực hiện sàng lọc và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp đối với từng loại trường hợp tại các khu cách ly tập trung, không để lây chéo.