Nỗi niềm trường tư
Với ngành giáo dục, kỳ nghỉ phòng chống Covid -19 thời gian này sẽ là “một kỳ nghỉ Tết” kéo dài nhất từ trước tới nay. Ở các trường công lập, học sinh (HS) nghỉ nhưng giáo viên vẫn phải tới trường bởi vẫn còn bao nhiêu công việc triển khai như tổ chức ôn luyện trực tuyến, lựa chọn SGK cho chương trình GDPT mới…
Song với các trường tư thục, HS không đến trường cũng đồng nghĩa với việc trường không có nguồn thu. Việc HS nghỉ học vì dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của giáo viên (GV) ở các trường ngoài công lập.
Tìm hiểu được biết, GV có được trả lương trong thời gian này hay không phụ thuộc vào khả năng mỗi trường. Đơn cử, các GV Trường phổ thông liên cấp Marie Curie (Hà Nội) chia sẻ, trong tháng 2 toàn bộ cán bộ, GV, nhân viên của trường vẫn được hưởng nguyên lương và được nhận sớm hơn mọi tháng trước. Hay ở Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), HS nghỉ học cả tháng 2 thì nhà trường vẫn trả đủ lương 12 tháng cho cán bộ, GV. Tương tự, lãnh đạo Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cũng vẫn trả nguyên lương cho GV với quan điểm: HS không đến trường là do thiên tai, do yếu tố khách quan mang lại. Không thể đi rút lương của GV khiến cuộc sống của họ thêm khó khăn…
Nhưng không phải trường tư nào cũng trả lương cho GV khi HS nghỉ học. Ở khối học mầm non, HS tiếp tục nghỉ trong tháng 3 đã khiến nhiều trường tư thục không thể tiếp tục cầm cự khi không có nguồn thu đành phải đóng cửa, ngưng hoạt động. Có một nghịch cảnh trớ trêu là trẻ em nghỉ nhưng người lớn vẫn phải đi làm. Một bộ phận phụ huynh không có ai trông con, nên buộc họ phải gởi con ở những nơi không đảm bảo chuyên môn, vệ sinh, an toàn, phòng dịch, trong khi những GV mầm non tư thục “thất nghiệp” tạm thời, lo lắng và bị động không khi nào học sinh đi học trở lại. GV mầm non nghỉ không lương, còn chủ trường tư phải đối mặt với nhiều áp lực. Không có thu nhưng vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, thậm chí nhiều khoản phát sinh cho việc khử trùng, vệ sinh trường lớp...
Nhiều chuyện cũng đã phát sinh từ việc HS phải nghỉ học dài ngày. Vừa rồi, trong thời gian HS nghỉ học phòng dịch Covid-19, một số trường ngoài công lập đã tổ chức dạy học online khá bài bản so với đa số trường công lập. Tuy nhiên, cách tổ chức dạy học online thu tiền của một trường phổ thông liên cấp tại Hà Nội đã khiến phụ huynh chuyển từ vui mừng sang bức xúc khi nhận được thông báo từ nhà trường đề nghị “hỗ trợ” tiền học online từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/HS/tháng. Phụ huynh bất ngờ và khó chấp nhận vì tiền học phí đã đóng trước đó, nay HS phải nghỉ học mà việc dạy online còn bị tính tiền thêm…
Như thế, câu chuyện tiền lương, thu nhập của GV vốn được quan tâm bấy lâu, nay do HS phải nghỉ học vì phòng dịch Covid-19 lại thêm ồn ào. Các GV trường tư cho biết họ phải lăn lộn để kiếm việc làm mới có thu nhập trang trải cuộc sống. Nhiều thày cô giáo đã chuyển sang bán hàng online trên facebook, zalo cá nhân. Có cô giáo ngậm ngùi chia sẻ: Từ khi học sinh nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, tôi từ một cô giáo đã trở thành “con buôn”, buôn đủ mọi thứ, từ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, quần áo, hoa quả, dầu ăn, tinh dầu sả… đến các loại hoa quả, bánh trái…
Theo chia sẻ chung của các chủ trường tư, khi ký hợp đồng lao động, gần như cả người lao động và chủ sử dụng lao động đều không tính đến tình huống HS nghỉ học dài ngày do dịch bệnh, nên đã rất lúng túng khi phải xử lý việc phát sinh trong thực tế. Do không có nguồn thu từ học phí, các trường đang vô cùng khó khăn, chưa biết bấu víu vào đâu để có tiền trả lương cho các cô. Chính vì lẽ đó, các trường tư thục chỉ có thể cố gắng hết mức để cân đối để hỗ trợ cho GV, nhân viên một số khoản như lương cơ bản, BHYT, BHXH…tùy vào nội lực của mỗi trường. Mong muốn lớn nhất lúc này là nhận được sự cảm thông, chia sẻ của các GV.
Từ những thực tế cuộc sống của GV trường tư thời điểm này, có thể thấy rõ hơn những nỗi niềm của người làm nghề, cũng như những nỗ lực gồng mình vượt qua dịch Covid-19. Rõ ràng trong gần ba tháng qua, những nhà đầu tư giáo dục tư nhân đã phải “gồng mình” gánh chịu tất cả những hậu quả của dịch Covid-19. Chính vì vậy, trong thời điểm khó khăn này, mong muốn lớn nhất của các cơ sở giáo dục ngoài công lập là nhận được sự chung tay hỗ trợ của Nhà nước, của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội… để duy trì hoạt động, đồng thời để sẵn sàng mở cửa trở lại khi đại dịch qua đi.