Nam Định: Tự ý xây nhà ở chân đê
Những ngày qua, dư luận tại tỉnh Nam Định xôn xao việc một số hộ dân ở thôn Trại Nội, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản (Nam Định) công khai xây dựng công trình nhà ở kiên cố ngay dưới chân và mái đê sông Đào, vi phạm nghiêm trọng pháp luật bảo vệ đê điều. Trong số các hộ vi phạm, gia đình Bí thư Đảng ủy xã vi phạm đầu tiên, nghiêm trọng nhất...
Công trình của gia đình ông Bùi Huy Lễ - Bí thư Đảng ủy xã Thành Lợi được xây dựng ngay trên mái đê.
Tại thời điểm PV có mặt có 4 hộ có nhà ở ngay sát chân đê đã và đang thực hiện việc sửa chữa, xây mới công trình nhà ở, tường bao. Trong đó, hộ ông Bùi Huy Lễ xây dựng công trình kiên cố trên phần móng rộng khoảng 18 m2, ở vị trí ngay trên mái đê nhưng phần tường mới xây đã bị phá dỡ; hộ ông Bùi Huy Thịnh thực hiện phá dỡ tường bao cũ, xây tường bao mới; hộ ông Đặng Văn Sơn đã thực hiện xong việc phá dỡ nhà ở cũ, đang thực hiện công đoạn làm móng nhà mới ngay dưới chân đê; hộ ông Nguyễn Lang Thanh đang thực hiện làm móng nhà mới ngay dưới chân đê. Theo người dân địa phương, ông Bùi Huy Lễ hiện là đương kim Bí thư Đảng ủy xã Thành Lợi...
Liên quan đến sự việc, thông tin với PV, ông Đặng Ngọc Thắng-Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nam Định khẳng định: đối chiếu với Luật Đê điều; tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định tại các Chỉ thị số 14 năm 2014, Chỉ thị số 10 năm 2017 (cùng về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều), hành vi của gia đình ông Bùi Huy Lễ, Bí thư Đảng ủy xã Thành Lợi và một số hộ dân khác ở xóm Trại Nội đã vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể, theo ông Đặng Ngọc Thắng, khu vực thôn Trại Nội thuộc khu vực bãi sông sạt lở. Các công trình liên quan đến đê ở đây, nếu nằm trên mặt đê, mái đê và trong phạm vi 5 mét từ chân đê trở ra thì thuộc diện phải giải tỏa; nếu công trình nằm ngoài phạm vi 5 m từ chân đê trở ra thì chỉ được phép sửa chữa, cải tạo trong trường hợp bị sập sệ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn nhưng không được cơi nới hoặc xây mới. Trong khi đó, gia đình Bí thư Đảng ủy xã Thành Lợi lại ngang nhiên xây dựng công trình ngay trên mái đê, vị trí thuộc diện phải giải tỏa, di dời; các hộ dân khác thì xây mới công trình nhà ở vị trí không được phép cơi nới, xây mới.
Cũng theo ông Đặng Ngọc Thắng, điều đáng tiếc nhất trong vụ việc này là trong số các hộ vi phạm, hộ vi phạm đầu tiên, nghiêm trọng nhất lại là hộ gia đình Bí thư Đảng ủy xã, trước đây chưa lâu là Chủ tịch UBND xã. “Vào ngày 30/12/2019, hạt quản lý đê phát hiện gia đình ông Bùi Huy Lễ có phá nhà bếp cũ để xây dựng một cái nhà mới, sát với mái đê đã lập biên bản vi phạm. Chi cục Thủy lợi tỉnh, UBND huyện Vụ Bản sau đó đã chỉ đạo, yêu cầu gia đình ông Lễ ngừng việc thi công, phá dỡ công trình đã xây dựng. Mức độ vi phạm cứ tưởng chỉ dừng ở đó nhưng không ngờ hành vi vi phạm của Bí thư Đảng ủy xã đã tạo ra tiền lệ xấu, vì một số hộ dân khác sau đó đã bắt chước, vi phạm theo...”, ông Đặng Ngọc Thắng phản ánh.
Ở một diễn biến khác, liên quan đến sự việc, trong báo cáo gửi Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định, Chi Cục Thủy lợi tỉnh Nam Định, UBND huyện Vụ Bản, Chủ tịch UBND xã Thành Lợi Lê Văn Tuyền thừa nhận thời gian gần đây tình hình vi phạm hành lang đê điều ở địa phương diễn biến phức tạp. Trong khi đó công tác quản lý của chính quyền địa phương gặp khó khăn vì có sự chồng chéo giữa Luật đê điều và Luật đất đai. Cụ thể, theo ông Tuyền, một số hộ dân ở thôn Trại Nội tiến hành sửa chữa, xây mới các công trình nhà ở, hệ thống tường bao trong phạm vi hành lang bảo vệ đê là do các công trình này đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Đáng nói là, theo Chủ tịch UBND xã Thành Lợi, hoạt động xây dựng của các hộ dân đều thực hiện trên diện tích đất đã được chính quyền địa phương cấp quyền sử dụng đất ở. “Khi bị chính quyền nhắc nhở, lập biên bản, các hộ dân đều có ý kiến họ xây dựng trên phần đất của gia đình, do cha ông để lại và nằm trong sổ đỏ thì không lấn chiếm, không vi phạm hành lang quản lý đê”, báo cáo viết. Từ đó, UBND xã Thành Lợi đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý sự việc phù hợp với luật định và tình hình thực tế...