Nuốt hàm răng giả, người đàn ông bị móc sắt cắm vào họng

Hồng Diễm 13/03/2020 14:09

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa can thiệp thành công lấy một hàm răng giả dài khoảng 4 cm có 2 móc nhọn bị cắm vào họng thanh quản do bệnh nhân tự nuốt.

Nuốt hàm răng giả, người đàn ông bị móc sắt cắm vào họng

Bệnh nhân Tú Anh hiện sức khoẻ đã bình phục.

Theo đó bệnh nhân Huỳnh Bé Tú Anh (47 tuổi) ngụ tại ấp Tân Long, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ nhập viện lúc 5h40 sáng ngày 12/3/2020. Theo người nhà bệnh nhân: Ông Anh đã sử dụng hàm răng giả trong 20 năm qua ít đi tái khám răng nên hàm giả đã lỏng lẻo. Trong lúcvệ sinh răng miệng không may hàm răng giả bị tuột vào vùng họng khiến bệnh nhân đau họng và ngực nhiều nên được người nhà đưa đến cấp cứu tại bệnh viện.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành nội soi thám sát và thực hiện can thiệp lấy dị vật. Theo các bác sĩ, việc lấy dị vật khá khó khăn khi kết quả nội soi cho thấy cách cung răng khoảng 38cm có hàm răng giả 2 móc sắt cắm vào ngách xoang lê (chỗ nối giữa hầu họng và thực quản). Vì vậy các bác sĩ đã dùng snare (dây thòng lọng) lấy dị vật. Phải mất 30 phút, các bác sĩ mới thành công.

Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, giảm đau họng. Bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tiếp tại Khoa Nội Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng.

Theo BSCK2 Trần Linh Nam, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, tình trạng nuốt, hóc hàm răng giả đa phần rơi vào các bệnh nhân có hàm tháo lắp bán phần. Ngoài việc rơi vào đường thực quản khi ngủ, ăn uống, răng giả cũng có thể đi lạc vào đường thở khi bệnh nhân hắt hơi.

Bác sĩ Trần Linh Nam khuyến cáo: Những trường hợp sử dụng răng giả tháo lắp cần được kiểm tra định kì 2 năm một lần để bác sĩ chỉnh lại hoặc thay mới theo sự tiến triển của xương hàm. Thầy thuốc này cũng khuyên, không nên đeo hàm răng giả cả ngày, cần tháo hàm ra để vệ sinh sau khi ăn hoặc trước khi ngủ bằng kem đánh răng và bàn chải chuyên dụng.

Hồng Diễm