Thượng tọa Thích Đồng Huệ- Ngọn gió đi dưới trời
Mưu sinh là sợi dây dắt con người ta tới những chốn khôn cùng, đôi lúc tới thần tiên nhưng mọi va đập trong bể khổ cõi người mới là chính yếu.
Thượng tọa Thích Đồng Huệ (bên trái) và tác giả bài viết.
Trăng chìm trong gió
Gió trầm trong mưa
Hồ lên núi biếc
Hỏa phong đỉnh mùa.
Đó là những câu thơ trong bài “Gió đi dưới trời” mà nhà thơ Thế Dũng đọc cho tôi và anh Đặng Huy Giang nghe ở Berlin trong mùa đông lạnh năm 2009. Thế Dũng khi ấy đã bôn ba trời Âu ngót ba mươi năm dường như quá nhớ quê hương chỉ biết trải lòng mình vào thơ. Anh bảo muốn về thăm chùa Nôm, thăm mấy người bạn văn đất Hải Hưng cũ mặc dù biết họ đã người còn kẻ mất. Hẳn ngôi chùa Nôm kia chắc không thể nào mất được đâu? Tôi ngồi im lặng, bâng khuâng nhìn trời tuyết thêm dày đặc. Chẳng biết nói với người con xa xứ thế nào. Anh rời đất Việt vì những chuyện buồn. Với tâm thế nhà thơ nhạy cảm, thiết tưởng chẳng cần nói thêm về nỗi đau kia. Nhưng chùa Nôm? Tại sao anh lại nhớ? Thời gian đã trôi đi và đọng lại những gì để “Trăng chìm trong gió/ Gió trầm trong mưa?” Những người đàn ông đôi khi thật vụng về khi phải giáp mặt với những câu hỏi giàu tính triết học và ám ảnh như thế.
Mưu sinh là sợi dây dắt con người ta tới những chốn khôn cùng, đôi lúc tới thần tiên nhưng mọi va đập trong bể khổ cõi người mới là chính yếu. Cũng đừng rành mạch là đang mê hay tỉnh bởi mỗi một người đều phải mang tai ách đồng thời phải giải quyết phận sự của chính mình. Kinh Phật có câu “Thế giới vô cùng vạn vật giai không” là mong muốn ở mỗi người mỗi vật tự hiểu tự cảm chính mình trong cuộc đời dằng dặc. Bể khổ đau rộng dài tua tủa sân si mà đời người ngắn lắm thay. Vậy tại sao không lập tức bắt tay làm những điều có ích trong cuộc sống. Kể mà chi địa vị, xuất thân, giới tính, kể cả là năng lực, hiện thực nào cũng chỉ là phương tiện mà thôi. Để thấy được điều này, có người đến khi nhắm mắt còn không nhận ra, có người già nửa đời người mới lờ mờ biết đến. Thế mà có người ở tuổi thiếu niên đã bừng ngộ và cứ thế thực hành một mạch tới tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, và chắc chắn vững tâm đi đến tận cùng cuộc đời mình.
Đi bình an như gió.
Bình an và kiên nhẫn theo cùng mọi thịnh suy ở dưới trời.
Đó là thượng tọa Thích Đồng Huệ, vị sư trụ trì ở chùa Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Hôm nay đây, khi mà chúng ta đang có không ít nhận định và đánh giá khác nhau về sự phát triển, chỉ tính riêng độ hoành tráng thôi của hệ thống chùa chiền đã gây xáo trộn, thậm chí làm chấn động nhãn quan cùng tâm thức ngay của các bậc thức giả nói gì tới tới thứ dân, thì cá nhân tôi, gạt ra những riêng tư, vượt lên những tầm phào, tôi vẫn vô cùng quý trọng và kinh ngạc về vị trụ trì chùa Nôm - thượng tọa Thích Đồng Huệ, một người cùng tuổi Quý Sửu (1973). Biết từ rất lâu, từ những năm học phổ thông trung học ở huyện, rồi người bạn đồng niên bén duyên cửa Phật, tôi cặm cụi mưu sinh tới tuổi này, khi thúc bách, lúc quanh co, lại có lúc an nhàn viển vông sương khói càng thấy rõ một điều, ở vị thượng tọa chỉ có một con đường đi duy nhất, từ rất sớm, kiên định, quả quyết, hẳn không ít thịnh suy, thậm chí thị phi bèo bọt mà vẫn đang bước vững vàng, chắc chắn tới hôm nay, tới mai sau và vĩnh hằng vẫn thế. Trong bước đường không ít hố gai miệng vực ấy, điều gì đã tôi rèn và tỏa sáng ở chàng thiếu niên, nay đã là một thượng tọa vững vàng an nhiên như núi thế kia? Trong lúc mọi dòng xoáy vừa cám dỗ vừa xô đẩy chúng tôi vào vòng danh lợi sân si, tiếng lá sân chùa mảnh nhẹ đêm đông đã đánh thức và hun đúc ý chí của cậu thiếu niên vùng quê lúa hôm sớm tảo tần mà vẫn bữa no bữa đói những gì? Cơ man là câu hỏi. Cơ man là cách lý giải của thế gian. Rồi những chuyện chẳng mấy hay ho cũng chực chờ như lẽ đời vốn vậy. Rồi những thành tựu thấm đẫm trí tuệ và mồ hôi, nước mắt và không ít muối mặn khế chua chanh xót để có được ngọn gió bình an thổi dưới trời. Lứa chúng tôi quần quật mưu sinh chẳng mấy khi nhớ đến người bạn thiếu niên cương nghị đã sớm gửi mình nơi cửa Phật từ năm 18 tuổi.
Thời gian nào có khác gì những ngọn gió luôn rong ruổi và sẵn sàng xóa bỏ bất kỳ ai ở dưới trời.
Nhưng thời gian cũng công bằng và công tâm như ngọn gió mát lành hiển hiện, để từ mồ hôi và trí tuệ, nước mắt và chanh chua khế xót ấy, dần dần tượng hình không chỉ những công trình trên mặt đất, mà cái cao lớn hơn, dài rộng hơn, bền vững hơn, chính là niềm tin trong cõi người, trong những con người đang sống hôm nay.
Không chỉ các tòa ngang dãy dọc ở chùa Nôm được mở rộng, mà trước tiên là lòng người mở rộng. Không chỉ những tường gạch, cầu đá, tòa sen, hồ nước, cây cỏ được khởi dựng, ấm vững, ngát xanh, mà lòng người hướng về đức Phật luôn miên man bốn mùa xanh ngát. Không chỉ những trẻ em cơ nhỡ, mồ côi, thất học ở trong làng Nôm, ở trong nước Việt được chăm sóc học hành, mà những cụ già, em nhỏ tận trời Phi loạn lạc tai ương cũng được con người ấy, bàn tay ấy, trí óc ấy lặn lội nâng niu. Thượng tọa Thích Đồng Huệ hiện là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế, Chủ tịch Hội Phật giáo Việt Nam tại Mozambique. Thực ra mọi chức danh cũng chỉ thêm để tấm lòng thượng tọa Thích Đồng Huệ hằng tâm hơn trong mọi công việc đã từ lâu là lẽ sống của ngài. Nơi đất Hà Giang bão lụt mưa đá lũ quét bao năm nay luôn thấy thầy tinh sương có mặt năm này tháng khác. Nơi vùng đất xa xôi Mozambique thiên tai địch họa hoành hành từ các cơn bão tàn khốc Idai và Kenneth lại vẫn con người ấy, ánh mắt hiền từ ấy, đôi bàn tay ấm nóng ấy cầm từng túi gạo, viên thuốc, tấm áo Việt Nam trao đến những bàn tay khác màu da, sắc tộc nhưng đều mang trong mình một trái tim hồn hậu yêu thương khát vọng vượt qua mọi tai kiếp cõi dương gian. Những cuộc đi lặng thầm. Những thổn thức và ngẫm ngợi đến tận cùng như những ngọn gió kiên gan, kiêu hãnh đi tới mọi ngóc ngách khó khăn nhất để đồng hành, xoa dịu và san sẻ. Dường những lúc như thế, trái tim vị thượng tọa mới đập những nhịp hòa đồng nhất, an nhiên nhất, mạnh mẽ nhất.
Chúng tôi nhiều lần trò chuyện rất lâu về đạo, về đời. Tôi đã không còn ngạc nhiên khi thấy thầy Huệ từ lâu lặng lẽ đưa những đứa trẻ mồ côi, từng bị bỏ rơi ở đâu đó, góc bệnh viện, xó vườn hoa, ở cổng chùa về nuôi dưỡng. Thầy Huệ đặc biệt chú tâm để các em được học hành tới nơi tới chốn. Các em chập chững vào lớp 1, rồi chuyển dần lên cấp 2, hết cấp 3, vào Trung học, Cao đẳng, Đại học. Cứ thế người nọ nối người kia, lớp này kế cận lớp khác trưởng thành, đi làm và lập nghiệp, lập gia đình. Và chính các em, hôm nay đây đã trở thành bố mẹ lại dẫn con tới cổng chùa cười đùa trong những ngọn gió lành đang thổi. Tôi nhìn thật kỹ vị sư trụ trì với ánh mắt lấp lánh sáng như ánh sáng mặt trời ngoài kia đang vui đùa cùng ngọn gió xuân. Ừ nhỉ đời người có khác gì ngọn gió. Rong ruổi. Phiêu du. Nhưng thật khác thường vị trụ trì ngồi đây vừa là ngọn gió vừa là ngọn lửa cháy đượm, bền bỉ, kiên gan dẫn dắt, khơi gợi những mầm xanh hòa thành hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu ngọn lửa khác đang bùng cháy.
Ôi ngọn gió cũng mát lành như đất. Cỏ cây nơi cổ tự mang mang hồn vía như người. Tôi bây giờ mới thấy hết tấm lòng của người con xa xứ - nhà thơ Thế Dũng day dứt nhớ ngôi chùa cổ quê hương. Và hẳn nhiên anh đã có lý do riêng đến ở tận trời Âu mà luôn thấp thỏm tìm về nguồn cội như ngọn gió kia mãi thổi dưới trời.
Ở chùa Nôm, không chỉ có vị sư trụ trì đặc biệt đã hơn hai mươi năm ân cần như gió nước, miệt mài dưới trăng khuya ngẫm nghĩ câu kinh kệ mà còn luôn biết chuyển động, đồng hành, tự đánh thức chính mình cùng những tăng ni phật tử. Đại đức Thích Đồng Huệ đảm đương cương vị trụ trì chùa Nôm từ năm 1998 sau khi học xong Trung cấp Phật giáo ở Vũng Tàu và Cao đẳng Phật giáo ở TP Hồ Chí Minh nay đã là vị Thượng tọa đáng kính không chỉ riêng ở Hưng Yên. Các tăng ni phật tử nhìn vào thầy, từng việc nhỏ, từng lời nói, từng nụ cười hiền hậu, ánh mắt lấp lánh sáng để kết thành một khối miên man như gió nước mãi sinh sôi, ấm đạo ấm đời. Chắc hẳn nhiều đêm trăng, cả những đêm không trăng sao gió lạnh mưa dầm, nơi tịch mịch nhất, những trái tim chất chứa kia vẫn luôn tỏa sáng.
Tôi nhiều lần ngắm không biết chán trên một trăm pho tượng đất cổ ở chùa Nôm. Đã mấy trăm năm hay nghìn năm các vị lặng thầm tĩnh tại với muôn vẻ đời thường mà phù trợ quốc thái dân an. Những là gió lốc mưa sa nước ngập trắng trời vệt bùn còn lấm trên vai tượng sao ruột đất kia vẫn vững vàng như núi. Đến như xã tắc còn bao phen chồn ngựa đá để non sông vạn thuở vững âu vàng như lời một vị vua Phật lừng danh từng thốt lên thì ở nơi đây sao quá đỗi thiết thân, gần gũi. Như có tiếng chim chuyền lích rích trên vành tai tượng đất lại nghe như có tiếng đàn bầu, tiếng sáo trúc của tiền nhân dìu dặt, dặn dò hậu thế, chia sẻ buổi mưu sinh.
Từ bùn đất ngát lên như sen kia mấy nghìn năm vững bền nguồn cội. Từ nhân nghĩa thảo thơm hun đúc trái tim người. Như mờ ảo khói sương, rồi từ từ, chậm rãi hiện lên rõ dần, bên những đôi vai tượng đất lấm bùn ấy, tôi thấy rõ một đôi vai, đôi bàn tay, cả ánh mắt lấp lánh và nụ cười hiền như đất của vị sư trụ trì chùa Nôm nghìn tuổi buổi đầu xuân.