Phao cứu sinh cho doanh nghiệp
Dịch Covid-19 đã và đang tác động nặng nề đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Nhiều doanh nghiệp bị xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguy cơ phá sản. Trong bối cảnh này, Chỉ thị 11 của Chính phủ về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội được coi là “phao cứu sinh” giúp cộng đồng doanh nghiệp trụ vững.
Nhiều ngành gặp khó vì Covid-19.
Gặp khó vì covid -19
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, đại diện một số doanh nghiệp cho biết dịch Covid -19 đã khiến cho nhiều hợp đồng của DN bị hủy bỏ. Thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Ông Trần Văn Trung, chủ DN sản xuất đồ nhựa tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, từ khi có dịch đến nay, DN đã phải tạm ngưng 50% công suất hoạt động. “Tất cả các hợp đồng trong 2 quý đầu năm nay đã bị khách hàng hủy hết. DN không có đơn hàng nhưng vẫn phải trả lương cho công nhân để đảm bảo đời sống cho anh em. Nếu dịch này còn kéo dài, thực sự DN khó trụ vững”, ông Trung chia sẻ.
Thép cũng là một trong những ngành công nghiệp hứng chịu những khó khăn bởi dịch bệnh. Trong bối cảnh các nước đều đang siết chặt kiểm soát thì việc nhập khẩu đối với các DN thép thực sự không dễ dàng. Ngoài ra, nhiều công trình xây dựng trong và ngoài nước cũng đình lại, khiến cho nhu cầu sử dụng thép giảm so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 đang tác động đến ngành thép trong nước ở cả chiều sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể, ở chiều hướng tiêu thụ sản phẩm, các DN trong ngành thép 2 tháng đầu năm đã chứng kiến sự sụt giảm sản lượng đáng kể. ở chiều nhập khẩu, do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng, khi các thị trường trên thế giới đều nằm trong tình trạng kiểm soát bệnh dịch, khiến nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất ngành thép bị gián đoạn, đặc biệt là các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
“Bão dịch” covid -19 gây ra còn khiến cho các DN da giày, dệt may rơi vào tình thế thiếu nguyên liệu nặng nề. Số liệu từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho thấy, hiện nay, phần lớn các DN ngành dệt may và da, giày chỉ còn có nguồn nguyên liệu dự trữ được tới đầu tháng 4/2020. Sau đó, nếu tình hình dịch vẫn căng thẳng, sẽ là một bài toán khó về nguồn nguyên liệu cho các DN ngành da giày, dệt may thời gian tới. Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty CP Kết nối châu Âu - Eurolink (Khu công nghiệp Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đang khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong Quý I/2020 gặp khó khăn. Trong tình hình này, ông Thành cho biết, DN sẽ điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch để phù hợp hơn với tình hình thực tế cũng đang tìm hiểu về vật tư, nguyên phụ liệu từ các thị trường mới để duy trì sản xuất.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Trước những khó khăn của cộng đồng DN do dịch covid -19 gây ra, mới đây, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19, trong đó có hai gói hỗ trợ quan trọng: Gói tín dụng 250.000 tỉ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ các DN, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Giới chuyên gia đánh giá, Chỉ thị 11 thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt và đồng hành nhanh chóng, kịp thời của Chính phủ với người dân và DN. Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngành tài chính – ngân hàng, trong bối cảnh hiện nay, những động thái của Chính phủ đưa ra, cụ thể là Chỉ thị 11 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN là rất kịp thời. Các giải pháp liên quan đến vốn tín dụng, tài khóa… đều rất quan trọng vì nhiều DN và hộ sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đang mong đợi.
Là một Bộ nắm giữ nhiều ngành sản xuất quan trọng, nhiều ngành công nghiệp nặng như thép, dệt may, da giày, Bộ Công Thương cũng có nhiều động thái tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Theo đó, mới đây Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ban hành Chỉ thị số 06 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diến biến mới của dịch bệnh Covid-19.
Bộ cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, nhất các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong phạm vi và lĩnh vực quản lý. Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan tiếp tục bảo đảm thông quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; phối hợp, hỗ trợ các tỉnh biên giới để hoạt động thông quan hàng hóa được thuận lợi
Giới chuyên gia nhận định, các động thái nói trên là cần thiết và vô cùng kịp thời trong tình thế hiện nay.