Khám bệnh gặp 'cò'
Câu chuyện “cò” khám bệnh ở các BV tuyến trung ương (từng được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông), sau một thời gian bị lên án mạnh mẽ và bị các cơ quan chức năng xử lý rốt ráo, tưởng như đã chấm dứt. Thế nhưng thời gian qua tình trạng này vẫn tồn tại, với những thủ đoạn tinh vi hơn.
Đơn cử như tại Bệnh viện Mắt trung ương nằm ngay trên phố Bà Triệu- Hà Nội, có những người trông giữ xe kiêm luôn cò mồi. Khi thấy người đi khám tìm chỗ gửi xe, lập tức việc tư vấn, ngã giá diễn ra nhanh chóng: 20.000 tiền gửi xe, 30.000 phí dẫn đi khám nhanh. Tiền khám theo quy định người khám tự trả, còn nếu muốn khám Giáo sư, sẽ phải kẹp vào cuốn sổ khám (đã được cò mồi chuẩn bị sẵn) số tiền là 350.000 đồng. Tâm lý những người khám bệnh ngoại tỉnh về Hà Nội là muốn xong việc trong ngày. Nhưng khi vào khám rồi họ mới biết rằng không cần phải chi tiền khám nhanh, họ cũng vẫn được thăm khám theo đúng số thứ tự. Những bệnh nhân khác mà chúng tôi gặp còn phản ánh, thậm chí sau khi nhận tiền, những cò mồi lại dẫn họ qua một phòng khám gần đó chứ không đưa vào Bệnh viện Mắt Trung ương. Khi thắc mắc thì được giải thích là khám ngoài nhanh hơn, các bác sĩ khám ở bên ngoài cũng đều là người trong bệnh viện cả…
Tìm hiểu được biết, trước đây lực lượng “cò” này thường tự nhận là người nhà hay quen biết với các bác sĩ trong bệnh viện. Nhưng bây giờ nhiều “cò mồi” còn đóng vai là bệnh nhân đi khám bệnh hoặc đang điều trị tại viện, đã có kinh nghiệm và mách cho các bệnh nhân mới tới viện lần đầu.
Dẹp cò mồi bệnh viện tất nhiên không thể đổ hết lỗi cho các bệnh viện, bởi theo phân tích có cầu ắt có cung. Nhưng rõ ràng nạn “cò mồi” tồn tại dai dẳng lâu nay ít nhiều đang làm xấu đi hình ảnh của ngành y, của chiếc áo blouse trắng. Theo quan điểm của lãnh đạo Bộ Y tế, các bệnh viện cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giải quyết tình trạng này. Đồng thời phải phối hợp với cơ quan công an để điều tra, làm rõ sự móc nối, cấu kết giữa cán bộ nhân viên y tế với các đối tượng bên ngoài.
Bao giờ dẹp dứt điểm nạn cò mồi ở các bệnh viện nói chung- có lẽ là một câu hỏi rất khó trả lời. Song có một điều cần lưu ý là trong khi chờ đợi chế tài xử lý đủ mạnh, người dân nên tự bảo vệ mình bằng việc tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đến khám bệnh, đọc kỹ những thông báo, hướng dẫn từ các bệnh viện thay vì tin theo các đối tượng lạ mặt đeo bám, chèo kéo…