Phía sau bến đò không phép
Mặc dù từ tháng 2/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu 2 huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa ban hành quyết định đình chỉ bến đò Cồn Đình tại xã Hải Lộc nối với Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) do chưa có giấy phép hoạt động bến khách ngang sông, lái đò chưa có chứng chỉ điều khiển phương tiện thủy nội địa. Nhưng do nhu cầu của người dân địa phương, đến nay, bến đò này vẫn tiếp tục hoạt động.
Bến đò tại xã Hải Lộc vẫn hoạt động nhộn nhịp dù bị đình chỉ từ 2 năm trước.
Không phép vẫn hoạt động
Theo phản ánh của nhiều người dân tại hai địa phương là Hoằng Trường và Hậu Lộc về tình trạng hoạt động không phép của bến đò qua sông Lạch Trường, nối hai xã Hải Lộc và Hoằng Trường, phóng viên báo Đại Đoàn kết đã về xã Hải Lộc để tìm hiểu và ghi nhận.
Trên con đường bê tông dài khoảng hơn 200 m, nối tả ngạn đê sông Lạch Trường, xuyên qua bãi sú vẹt xuống bến đò, nhiều chiếc xe gắn máy của các tiểu thương vận chuyển các sản phẩm hải sản, cùng nhu cầu đi lại của người dân 2 địa phương vẫn ùn ùn xuống bến chờ đò. Trên sông, hai chiếc thuyền công suất lớn được thiết kế dạng phà nhỏ liên tục di chuyển như con thoi đến hai bờ để đón và trả khách. Tất cả người điều khiển và khách đi đò đều không mặc áo phao hoặc sử dụng cụ nổi cầm tay.
Tìm hiểu được biết: Đò hoạt động trên sông Lạch Trường và nối 2 huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa nên không chỉ người dân trên địa bàn 2 huyện thường xuyên qua lại, mà còn rất đông người và phương tiện ở các huyện: Nga Sơn, thành phố Thanh Hóa đi thu mua hải sản lưu thông qua lại. Ngồi trên chiếc xe gắn máy chở đầy các thùng xốp chứa hải sản, trong lúc chờ đò cập bến, chị Lê Thị Hải – trú tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa xởi lởi cho biết: Công việc buôn bán hải sản đã gắn đời sống của vợ chồng chị với bến đò này trong suốt nhiều năm nay. Mỗi lần qua đò, chị phải trả cho chủ đò 10 nghìn đồng. Nhẩm tính sơ sơ, mỗi ngày cả hai vợ chồng chị phải trả cho chủ đò khoảng 100 nghìn đồng cho các lượt đi về.
“Cách đây khoảng 1 km, tại xã Hòa Lộc có một bến phà lớn, giá vé cũng như nhau, nhưng hầu hết những người chạy chợ như chúng tôi và người dân qua lại giữa hai địa phương đều chọn bến đò này để lưu thông. Đò ở đây rất tiện lợi, chỉ cần có vài người chủ đò vẫn cho tàu chạy mà không phải chờ đợi đầy khách. Trong khi đó, nếu đi phà trên mạn Hòa Lộc, hành khách phải đi làm ba chặng mới đến được bờ, vì phà còn phải vòng bắt khách từ Hòa Lộc, xuống Hải lộc sau đó mới cập bến Hoằng Trường. Rất mất thời gian!” – chị Hải nói.
Nhiều người dân cho biết thêm: Bến đò không phép này có tên là Cồn Đình, vốn đã tồn tại ngót cả trăm năm. Tuy nhiên, do không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về điều kiện mở bến và hoạt động vận chuyển khách ngang sông, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông đường thủy nên ngày 13/2/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn 1802 yêu cầu đình chỉ hoạt động bến đò Cồn Đình. Theo đó, UBND huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của bến đò và giao trách nhiệm cho Phòng kinh tế hạ tầng, UBND xã và công an huyện phối hợp giám sát, yêu cầu chủ đò chấp hành; trường hợp tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nếu chủ đò vẫn cố tình hoạt động.
Lỗi của Sở Giao thông vận tải?
Trao đổi với phóng viên về tình trạng bến đò Cồn Đình bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động bình thường suốt hai năm qua, ông Nguyễn Quốc Tý, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc cho biết: Tháng 3/2018, UBND huyện Hậu Lộc đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của bến đò, giao cho địa phương và chủ đò thực hiện và giám sát. Cũng trong năm 2018, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cũng đã về làm việc với xã về các vấn đề liên quan đến bến đò. Trong cuộc làm việc này, địa phương đã nêu rõ: Vì đây là bến đò truyền thống và có nhiều đóng góp trong kháng chiến nên giữ lại và phát triển theo quy mô hợp lý thay vì cấp phép mới cho bến phà tại xã Hòa Lộc. Thực tế cho thấy, ngay cả khi bến phà tại Hòa Lộc hoạt động, đa số người dân vẫn chọn lưu thông qua bến đò này vì thuận tiện hơn, mặc dù mức giá là như nhau. Đồng thời, gia đình chủ đò cũng đã làm mọi thủ tục xin được tỉnh quy hoạch về cấp phép. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hồi âm.
“Trong khi tỉnh, huyện có văn bản yêu cầu bến đò dừng hoạt động từ năm 2018, thì phía Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa vẫn xuống kiểm tra và cấp đăng kiểm cho đò hoạt động đến tháng 6/2020. Ở đây rõ ràng thẩm quyền của Sở Giao thông là lớn hơn địa phương và chủ đò phải đủ các yếu tố hoạt động như thế nào thì họ (Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa) mới cấp đăng kiểm chứ!” – ông Nguyễn Quốc Tý thắc mắc.
Trao đổi với chúng tôi về các vấn đề nêu trên, ông Trịnh Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cũng cho biết: Đây vốn là bến đò lâu đời gắn với người dân địa phương nên rất khó xóa bỏ. “Thêm vào đó, ở đây có thể còn có yếu tố cạnh tranh không lành mạnh của bến phà chưa được cấp phép hoạt động tại xã Hòa Lộc. Họ muốn độc quyền vận chuyển khách và độc chiếm việc kinh doanh trên sông Lạch Trường!” – ông Trịnh Ngọc Châu nói.