Nghệ An: Khai thác tràn lan đất phụ gia xi măng
Trong thời gian qua, trên địa bàn các huyện như Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ..., tỉnh Nghệ An xảy ra tình trạng nhiều đầu nậu khai thác đất khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Đây không chỉ là loại đất thông thường, mà chính là đất phụ gia được đưa vào các nhà máy làm nguyên liệu để sản xuất xi măng.
Điểm khai thác đất chui tại xóm 5, xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn.
Đất phụ gia bị khai thác tràn lan
Theo ghi nhận, kể từ năm 2016, thời điểm Nhà máy xi măng Sông Lam (NMXM) đi vào hoạt động, tình trạng khai thác đất phụ gia trở nên rầm rộ tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tình trạng này khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên bị đào bới vô tội vạ, ồ ạt, nhưng công tác quản lý, kiểm soát rất lỏng lẻo, thậm chí là hời hợt.
Và để có nguyên liệu làm phụ gia sản xuất xi măng, các nhà máy đã không biết phải xoay xở thế nào, đành lấy nguồn từ các đầu nậu khai thác đất chui. Lợi dụng điều này, nhiều đầu nậu đã tranh thủ khai thác đất sét, đá sắt… trái phép xảy ra tràn lan trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua, để vận chuyển tập kết vào các NMXM. Cụ thể, vào những ngày cuối tháng 12/2019, cả vùng đồi thuộc xóm Liên Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, nhiều phương tiện, máy móc cơ giới được huy động đào bới, khai thác đất trái phép để vận chuyển vào tập kết tại NMXM Sông Lam. Qua tìm hiểu, được biết, nguồn đất sét này đều chứa hàm lượng quặng sắt đủ tiêu chuẩn để làm phụ gia sản xuất xi măng. Tại thời điểm đó, khi liên hệ với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, họ đều không kiểm soát được vụ việc khai thác đất trái phép tại xóm Liên Sơn, nên nhóm người nói trên đã vô tư đưa máy móc, phương tiện vào đào bới tài nguyên.
Hay như tại xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tình trạng đào bới đất trái phép nham nhở tại các quả đồi, cạnh các khu dân cư, chưa được hoàn thổ đã khiến người dân ở đây bất bình. “Họ tự mở đường, chạy qua những vườn đồi của chúng tôi để khai thác đất, nghe họ kháo nhau là chở đất cho NMXM. Khi chúng tôi bức xúc phản ánh, họ không khai thác nữa”, một người dân xóm Gia Đề cho biết. Đặc biệt, tại xóm 5, xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn ngay sát cạnh QL7 một quả đồi đã bị đào bới rầm rộ, khoét sâu 2-3m, đồng nghĩa với việc hàng ngàn m3 đất bị thất thoát.
Chính quyền chưa quyết liệt
Các điểm khai thác đất chui tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương và xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng sau khi khai thác “no nê”, người dân phản ánh, chính quyền địa phương mới có biện pháp chấn chỉnh, đình chỉ việc khai thác. Tại xóm Gia Đề, thời điểm chúng tôi tiếp cận thì các ngọn đồi đều bị khai thác nham nhở, nhưng do người dân phản ánh kịch liệt nên hiện đã dừng khai thác, con đường dẫn vào chân đồi đã được bịt lại. Tại xã Bài Sơn, tình trạng khai thác đã tạm dừng, nhưng là xã nằm sát cạnh NMXM Sông Lam, nếu chính quyền nhắm mắt cho qua thì tình trạng khai thác chui có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Bởi đây là khu vực có loại đất chứa hàm lượng quặng sắt, mangan… đủ tiêu chuẩn làm phụ gia sản xuất xi măng.
Riêng tại xóm 5, xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, tình trạng khai thác đất diễn ra từ lâu, nhưng chính quyền ở đây dường như không hề hay biết. Theo quan sát, tại điểm khai thác đất này, lượng đất được chuyển đi khá lớn, thời điểm chúng tôi tiếp cận điểm khai thác này đang có nhiều phương tiện máy móc hoạt động. Cách điểm khai thác khoảng 30 m là đường điện cao thế. Điều đáng nói, điểm khai thác đất chui này cách trụ sở UBND xã Khai Sơn khoảng 800m, nhưng không bị xử lý.
Ngay khi tình trạng khai thác đang diễn ra, chúng tôi đã liên hệ với ông Hoàng Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn để thông báo, cũng như nắm bắt sự việc, ông Cường cho biết: Huyện sẽ lập tức chỉ đạo Phòng TNMT kiểm tra xử lý. Tuy nhiên, sáng ngày 10/3, chúng tôi liên hệ lại để ghi nhận việc kiểm tra xử phạt của chính quyền huyện đối với điểm khai thác “chui” này thì không thể liên hệ được với vị Phó chủ tịch huyện Anh Sơn. Sau đó, chúng tôi liên hệ với ông Đặng Duy Đô-Trưởng Phòng TNMT huyện Anh Sơn, ông Đô cho biết: Đây là mỏ khai thác chui, chưa được cấp phép. Sau đó, ông Đô cáo bận và đề nghị liên lạc với bà Ánh – Chủ tịch UBND xã Khai Sơn, nhưng chúng tôi không được bà Ánh hồi âm. Được biết, hiện nay tỉnh Nghệ An đã có quy hoạch một số điểm mỏ phụ gia cho ngành sản xuất xi măng trên địa bàn. Tuy nhiên, chưa có mỏ nào được cấp phép khai thác theo quy định của pháp luật.