Trách nhiệm với cộng đồng

Hạnh Nhân 14/03/2020 09:00

Trong khi phần lớn nguồn cung và giá cả của các mặt hàng nhu yếu phẩm tương đối ổn định, đặc biệt là việc các hệ thống siêu thị cam kết chung tay thực hiện bình ổn giá đã tạo cảm giác yên tâm và tin tưởng cho người dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; thì mặt hàng thịt lợn vẫn bất ổn về giá. Vì vậy, tại Hội nghị trực tuyến của Bộ NNPTNT mới đây, Thứ trưởng Bộ này, ông Phùng Đức Tiến, đã cảnh báo: Bộ tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn gương mẫu trong việc giảm giá xuống quanh mức 70.000 đồng/kg lợn hơi. Không thể đẩy giá lên trong tình hình cả nước gồng mình chống dịch bệnh.

Trách nhiệm với cộng đồng

Giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao. Ảnh: Quang Vinh.

“Nếu không kìm được giá thịt lợn, đảm bảo lợi ích của người sản xuất, người phân phối và người tiêu dùng, chắc chắn chúng ta phải tăng cường nhập khẩu thịt lợn”-Thứ trưởng Tiến một lần nữa nhấn mạnh đồng thời yêu cầu các địa phương tập trung kìm giá thịt lợn.

Có thể thấy, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo giảm giá thịt lợn hơi, nhưng đến nay giá vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, trong khi đó có doanh nghiệp công khai một giá, nhưng khi bán lại một giá khác.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, giá lợn hơi hiện nay ở mức cao thứ nhất là do chịu ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, nơi có giá thịt lợn rất cao, tác động đến thị trường Việt Nam. Thứ hai là hậu quả của dịch tả lợn châu Phi năm 2019 làm giảm tổng đàn, hiện giờ mới hồi phục. Thứ ba là giá thành chăn nuôi cũng tăng cao khi phải chi phí nhiều hơn cho phòng chống dịch bệnh. Nhưng dù chi phí chăn nuôi có tăng, nhưng chỉ cần bán với giá 75.000 đồng/kg thì người chăn nuôi và doanh nghiệp đã có lãi rất cao.

Về vấn đề bất ổn giá thịt lợn, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, giá thịt lợn bán trên thị trường đang rất bất thường bởi thịt không thiếu nhưng giá vẫn cao. Trong khi các doanh nghiệp lớn chăn nuôi và cung cấp thịt lợn đến siêu thị đã cam kết giá thịt lợn hơi về mức 75.000 đồng

Còn nhớ, thời kỳ giá lợn hơi xuống thấp 20.000 - 22.000đ/kg, ngành chăn nuôi kêu gọi người tiêu dùng trong nước giải cứu. Nhưng thử hỏi, suốt hai tháng qua, giá thịt lợn quá cao thì ngành chăn nuôi “giải cứu” cho người tiêu dùng ra sao? Trong điều kiện giá cả tăng lên một cách vô lý, gây khó khăn rất lớn cho người tiêu dùng thì theo Luật Giá, các cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường cần phải vào cuộc để yêu cầu doanh nghiệp chăn nuôi kê khai giá để giá thành thịt lợn được kiểm soát, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng- nhiều chuyên gia tài chính khuyến nghị.

Do đó, để hài hoà lợi ích của người tiêu dùng trong cộng đồng xã hội, bảo vệ thị trường trong nước thì doanh nghiệp chăn nuôi lớn phải giảm giá lợn hơi về mốc xung quanh 75.000đ/kg. Người đứng đầu Bộ NNPTNT cũng rất cương quyết khi cho rằng, nếu doanh nghiệp không chịu giảm giá thì chúng ta có luật, Bộ sẽ rà soát những ưu đãi trước đó mà doanh nghiệp được hưởng để tiến hành thay đổi. Còn doanh nghiệp nào thực hiện tốt việc giảm giá sẽ được biểu dương ngay. Mặt khác Bộ trưởng cũng cho rằng, giảm giá lợn hơi hiện nay không phải là phi kinh tế thị trường mà doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ, chăm lo thị trường để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Đặc biệt ở đây, trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng là vấn đề được đặt ra, nhất là trước những khó khăn khi đất nước đang phải đương đầu do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Trong tình thế đó, trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng càng phải được đề cao. Bởi trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp là một biểu hiện của đạo đức kinh doanh, là việc hiện thực hóa các quy tắc, chuẩn mực của đạo đức kinh doanh thành những hành động thực tế, đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

Hiện tổng đàn lợn cả nước khoảng 25 triệu con. ông Nguyên Xuân Dương- quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin: Trong trường hợp thiếu nguồn cung, Việt Nam có thể nhập thêm thịt lợn để đảm bảo bình ổn thị trường. Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến hết tháng 2/2020, Việt Nam đã nhập khẩu 65.865 tấn thịt các loại, trong đó thịt lợn và sản phẩm thịt lợn các loại đạt 13.816 tấn, chiếm 21% tổng lượng thịt nhập khẩu, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019.

Hạnh Nhân