'Con bài giá dầu' của Arab Saudi

Ngọc Mai 15/03/2020 08:00

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 lan nhanh trên phạm vi toàn cầu, giá nhiều mặt hàng chiến lược tiếp tục “nhảy múa”, trong đó có dầu lửa. Tuy nhiên, theo giới quan sát, cũng không thể “đổ tội hoàn toàn cho con virus corona” mà rất có thể phía sau sự “nhảy múa” đó còn là những toan tính.

'Con bài giá dầu' của Arab Saudi

Quyết định của Arab Saudi áp dụng một số biện pháp với tác động làm cho giá dầu trên thị trường tiếp tục giảm được cho là “lời tuyên chiến” với Nga sau khi không đạt thỏa thuận với Moscow về giảm mức khai thác dầu hằng ngày. Quan điểm này được lý giải bởi nghịch lý trong mưu tính của Arab Saudi.

Cụ thể, Riyadh muốn Moscow đồng ý quyết sách giảm cung ứng dầu trên thị trường để giá dầu không giảm mà tăng trở lại, nhưng rồi sau đó lại quyết định áp dụng chính những biện pháp với hiệu ứng ngược lại. Có thể thấy Riyadh chủ ý dùng quyết sách này để gây áp lực nhất thời đối với Moscow nhằm buộc đối thủ phải thỏa hiệp chứ không phải là định hướng chiến lược lâu dài. Nếu đó đúng là “lời tuyên chiến” thì cũng chỉ là tuyên chiến để rồi không phải tiến hành cuộc chiến nhận xét Bloomberg.

Tới thời điểm này, cũng với sự “chênh vênh đến mức khó lường” của vàng, thì dầu hỏa đang nổi lên như một thứ vũ khí trong cuộc chạy đua tìm kiếm lợi nhuận mùa đại dịch. Trong việc Arab Saudi muốn hạ giá dầu được cho là một toan tính sai lầm, vì rằng giá dầu càng càng thấp thì mức độ tổn hại đối nước này càng cao hơn so với Nga và Mỹ. Vì rằng, Arab Saudi lệ thuộc vào xuất khẩu dầu lửa nhiều hơn so với Nga và Mỹ. “Cứ chơi con bài giá dầu như thế, Riyadh dễ bị tự hại mình. Và rồi cái ngày họ phải thỏa hiệp với Nga sẽ đến sớm”- bình luận của Blooomberg.

Thực ra, câu chuyện cuộc chiến giá dầu đã diễn ra nhiều lần, nhất là khi thế giới có biến động. Còn nhớ, giá dầu thô có mức giảm lịch sử kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 do bất đồng về cắt giảm sản lượng giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới.

Đến nay, sự tụt giá của nó lại tiếp tục. Hãng Bloomberg ngày 13/3 đưa tin, giá dầu thô đang rơi tự do, giảm hơn 31% xuống 31,02 USD/thùng “chỉ trong vài giây”- mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ Chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991. Giới quan sát cho rằng Arab Saudi- quốc gia xuất khẩu dầu số 1 thế giới, đang khởi động “cuộc chiến toàn diện” về dầu mỏ sau khi OPEC+ (gồm OPEC và các nước khác trong đó có Nga) không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Trong động thái đáp trả Nga, Arab Saudi bất ngờ cắt giảm giá dầu giao tháng 4, với mức giảm từ 4 - 6 USD/thùng cho khu vực châu Á, 7 USD/thùng cho Mỹ. Bên cạnh đó, Tập đoàn xăng dầu quốc gia Aramco của Arab Saudi còn bán dầu thô Arab Light cho châu Âu với giá thấp hơn 10,25 USD/thùng so với dầu thô Brent - mức chênh lệch chưa từng có. Chưa hết, quốc gia này còn đang chuẩn bị tăng sản lượng trên mức 10 triệu thùng/ngày- theo Reuters. Cụ thể, Arab Saudi hiện đang bơm 9,7 triệu thùng/ngày nhưng có khả năng tăng sản lượng lên đến 12,5 triệu thùng/ngày. “Các tín hiệu này cho thấy Arab Saudi đang muốn tăng mạnh sản lượng và giành giật thị phần. Quốc gia này đang xắn tay áo chuẩn bị cho cuộc chiến về giá dầu”- chuyên gia Matt Smith tại Công ty nghiên cứu thị trường ClipperData (Mỹ) nhận định. Theo Bloomberg, Arab Saudi có lợi thế lớn về giá dầu nhờ chi phí khai thác rẻ nhất thế giới ở mức 2,8 USD/thùng, so với mức 16 USD/thùng của Tập đoàn ExxonMobil (Mỹ) và 20 USD/thùng của Tập đoàn Rosneft (Nga).

Chuyên gia Edward Bell tại Ngân hàng Emirates NBD (UAE) dự báo động thái của Nga và Arab Saudi sẽ kéo theo làn sóng gia tăng sản lượng nhằm giành giật thị phần. “Nếu các nước OPEC+ chọn nâng sản lượng từ quý 2, một sản lượng lớn dầu thô sẽ ồ ạt đổ vào thị trường. Chúng tôi dự báo Arab Saudi, UAE và các nước OPEC khác sẽ tăng sản lượng trong năm nay vì họ quay lại chiến lược thị phần hơn là giữ giá”- vị chuyên gia nhận định.

Còn theo AFP, cuộc chiến giá dầu đã gây tác động kép đến thị trường toàn cầu vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Thị trường chứng khoán nhiều nước giảm mạnh, trong khi thị trường tiền tệ bắt đầu có nhiều xáo trộn lớn. Theo Bloomberg, giá dầu giảm trong thời gian dài sẽ còn gây xáo trộn về chính trị, ngân sách của các nước và gia tăng áp lực lên hệ thống tài chính, ngân hàng vốn đang cố gắng đối phó với nguy cơ suy thoái.

Ngọc Mai