Chống mặn ở vùng ngọt hoá

Đoàn Xá 15/03/2020 08:00

Có diện tích khoảng 54.000 héc-ta thuộc địa phận của thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), vùng ngọt hoá Gò Công có diện tích xấp xỉ 1/5 tỉnh này.

Với hệ thống cống ngăn, đê bao, kênh thuỷ lợi… dự án ngọt hoá vùng đất rộng lớn ven biển hoàn thành năm 1999 đã mang đến sự thay đổi lớn trong canh tác nông, thuỷ sản và đời sống hàng chục ngàn người. Tuy nhiên, trong sự biến đổi khó lường của thiên nhiên, khí hậu, vùng ngọt hoá ấy cũng đang phải căng mình vì hạn hán và xâm nhập mặn.

Chống mặn ở vùng ngọt hoá

Chắt chiu từng chút nước ngọt tưới cho vườn dưa đang khô khát.

Căng mình chống hạn

Từ vùng đất khô cằn nhiễm mặn, nhờ hệ thống thuỷ lợi nên vùng ngọt hoá đã tăng năng suất lúa, có thể trồng nhiều loại cây khác nhau. Theo đó, mùa mưa thì hệ thống đê, cống ngăn chặn nước và điều tiết nước. Mùa khô thì các cống kết hợp máy bơm, kênh để dẫn nước ngọt phục vụ việc canh tác nông nghiệp. Đây là điều mà trước khi dự án ngọt hoá hoàn thành, rất ít nông dân ở đây dám nghĩ tới bởi khu vực này giáp biển, có hệ thống kênh rạch chằng chịt ăn thông ra phía biển, liên tục nhận nước phèn mặn từ biển dồn vào. Tuy nhiên, những ngày này, không nằm ngoài quy luật chung của dải đất đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, vùng ngọt hoá này cũng đang thiếu nước ngọt trầm trọng.

Ông Đặng Văn Biên, 61 tuổi, một nông dân ở Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) cho biết, do vùng này nằm trong vùng ngọt hoá nên vào mùa khô, nhà nước sẽ tiến hành bơm nước ngọt từ sông Tiền vào đồng ruộng qua kênh 14, kênh Vàm Rồng vào các cánh đồng phục vụ nhu cầu tưới nước của người dân. Do khu vực này sông Tiền giáp biển nên chỉ có vài ngày, nước ở thượng nguồn chảy xuôi thì mới có thể bơm. Khi thuỷ triều đẩy nước ngược từ phía biển vào, đồng thời nồng độ mặn trong nước tăng lên, các cống ở kênh sẽ đóng lại, ngăn nước mặn tràn vào các kênh có nước ngọt này.

Tuy nhiên hiện nay, các con kênh trong vùng hầu hết đều không có nước ngọt bởi nước sông Tiền bị nhiễm mặn nhiều ngày liên tục. Ngay cả các khu vực như cù lao Tân Phong, Ngũ Hiệp (địa phận thị xã Cai Lậy), cách cửa biển chừng 80km cũng xuất hiện phèn mặn thì khu vực cửa sông Tiền như ở Gò Công Tây không thể sử dụng nước được. Đó là lý do các máy bơm, kênh rạch không có tác dụng điều tiết nước ngọt. Trong khi đó, nước ngọt dự trữ ở kênh rạch, ao hồ cũng không còn vì khoảng 4 tháng liên tục vùng này không có mưa.

Cũng theo ông Biên, người dân ở đây ngoài cấy lúa thì vụ Đông Xuân thường được canh tác hoa màu. Trong đó các loại hành, rau thơm, rau cải và dưa hấu, dưa lê là đặc sản lâu đời vùng Gò Công. Thế nhưng, hầu hết các loại nông sản này phải có nước ngọt tưới hang ngày khiến nhiều hộ dân vất vả lo nguồn nước. Thậm chí, cả tháng nay những hộ dân này phải bỏ tiền mua hoặc thuê xe ba-gác gắn thùng đưa nước ngọt ở nơi khác tới.

Dù cách nào thì chi phí để có nước ngọt phục vụ nông nghiệp cũng rất đắt đỏ và khó khăn. Nhiều hộ dân vì không duy trì được chi phí đã buộc phải bỏ hoang những ruộng dưa, rau màu canh tác sau tết.

Ngoài ra, ông Biên cũng chia sẻ: “Nếu ở những khu vực khác, kênh rạch dù bị nhiễm phèn nhưng vẫn có nước thì ở vùng ngọt hoá này, nước phèn bị cống đập ngăn lại. Nhiều người dân muốn lấy nước phèn rồi dùng hoá chất khử phèn để tưới cây cũng không có nước, phải đào giếng sâu hàng chục mét, rất tốn kém. Như gia đình tôi, gần một tháng nay ngay cả nước sinh hoạt cũng phải mua chứ đừng nói tới nước tưới ruộng vườn. Mấy hộ dân quanh đây thuê xe tải qua bên vùng Chợ Gạo hút nước rồi đưa về sử dụng. Chưa biết khi nào tình trạng này mới chấm dứt”.

Đi dọc các tuyến đường tỉnh lộ 862 xuống phía biển thuộc địa phận huyện Gò Công Đông, tình trạng hạn hán thiếu nước ngọt còn nghiêm trọng hơn dù nơi này có nhiều sông rạch, giáp biển. Rất nhiều ruộng dưa, vốn được trồng nhiều nhất ở vùng Gò Công này đang héo rũ vì nắng nóng và thiếu nước tưới. Ông Nguyễn Văn Bảy, 55 tuổi, ở xã Bình Nghị (huyện Gò Công Đông) đang chắt chiu từng can nước ngọt trên ruộng dưa hấu rộng 3 công than thở: “Tôi trồng dưa ở đây mấy chục năm, chưa thấy năm nào hạn hán như năm nay. Mấy năm trước, chỉ trữ 12 tới 15 bồn nước ngọt mùa mưa là sử dụng đủ cho mùa khô thì nay mới tháng 3 đã hết nước ngọt dự trữ mà mùa mưa thì còn 2-3 tháng nữa mới tới. Nguồn nước ngọt tự nhiên ở sông Long Uông chảy qua vùng này đã cạn kiệt từ tháng trước nên hiện nay, muốn có nước ngọt người dân buộc phải mua từ nơi khác. Mà trồng dưa cho trái non rồi, nước mắc cỡ nào cũng phải mua chứ chả lẽ bỏ. Dưa hấu mà 3 ngày không có nước là héo ngay. Mà nước không đủ trái cũng teo tóp đi liền, năng suất chả còn bao nhiêu”.

Nhưng không chỉ có vùng Gò Công Đông, Gò Công Tây hay thị xã Gò Công mà ở huyện cù lao Tân Phú Đông, tình trạng hạn hán cũng đang xảy ra rất nghiêm trọng. Điều đáng nói, cù lao rộng lớn này nằm lọt giữa 2 con sông thuộc loại lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long là sông Cửa Đại và sông Cửa Tiểu.

Mặc dù nằm trong vùng ngọt hoá nhưng do sát ven biển, nguồn nước tự nhiên của cù lao vẫn bị nhiễm mặn đáng kể, nhất là nước ngầm. Theo thói quen, sau thời gian tết người dân cù lao bắt đầu trữ nước ngọt. Từ nhưng dụng cụ đơn giản như thùng, bể hay ao, hồ đều có thể sử dụng để dự trữ lượng nước ngọt cho các mục đích sử dụng khác nhau. Ông Trần Văn Miên, một người dân ở xã Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông) cho biết, tới nay các hồ nước đều cạn kiệt, kênh rạch trong vùng cũng không có nước. Rất nhiều ruộng sả của người dân bị ảnh hưởng. Nhẹ thì giảm năng suất. Nặng thì chết héo. Nhưng không chỉ có các loại cây trồng, ngay cả những người nuôi thuỷ sản, gồm tôm và nghêu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thiếu nước, nhiều ao nuôi không thể thay, làm sạch ao nuôi theo kế hoạch.

Thiên nhiên khắc nghiệt hơn tính toán của con người

Hạn hán kéo dài, những đợt mưa gần nhất đã cách đây hơn 4 tháng khiến nguồn nước tự nhiên ở vùng Gò Công cạn kiệt. Trong khi đó, các cống đập, máy bơm nước cũng không phát huy hết hiệu quả vì nước xung quanh bị nhiễm phèn mặn, không thể bơm vào được. Đó là cũng nhược điểm của dự án ngọt hoá vùng đất này, khi mà thiên nhiên khắc nghiệt quá so với tính toán của con người. Tuy nhiên, với mục đích kiên trì và chủ động, ngay từ sau tết chính quyền tỉnh Tiền Giang đã có nhiều giải pháp để phòng chống hạn mặn cho khu cư dân vùng ngọt hoá rộng lớn này. Cụ thể, các máy bơm ở khu vực cống Sơn Quy, kênh Trần Văn Dõng, kênh Cầu Cháy… đã bơm nước liên tục vào kênh để dẫn tới các cánh đồng, giúp nông dân đủ nước sản xuất. Với quy luật là vùng ngọt bị bao vây bởi đê, cống ngăn chặn mặn và nước ngọt sẽ được lấy từ thượng nguồn, như các kênh sông ở phía Chợ Gạo, Mỹ Tho dẫn về. Tuy nhiên, đó chỉ là thời điểm sau tết bởi hiện nay, khi mặn xâm nhập sâu, các sông, kênh rạch phía thượng nguồn đều đã nhiễm mặn thì lấy được nguồn nước ngọt và đưa về cho người dân trong vùng ngọt hoá là điều hết sức khó khăn. Nước ở sông Tiền đoạn qua TP Mỹ Tho hay ngược phía trên Cai Lây, Cái Bè cũng có nồng độ mặn cao khiến cho nguồn nước ngọt càng khan hiếm.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp- Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Tiền Giang thì mặc dù đã chủ động, chuẩn bị từ sớm nhưng do diễn biến phức tạp của khí hậu, nguồn nước tưới cho người dân vùng ngọt hoá Gò Công đã không đáp ứng được theo yêu cầu ở thời điểm này. Tuy nhiên, ông Pháp cho biết đơn vị này sẽ tiếp tục các biện pháp gồm duy trì hết công suất của các máy bơm hiện có tại các cống ngăn mặn, dẫn ngọt. Khoảng hơn 500 máy bơm tại 185 điểm bơm và truyền nước phục vụ cho người dân vùng ngọt hoá luôn sẵn sàng 24/24 để phục vụ người dân. Theo đó, các đơn vị sẽ bố trí cán bộ đo nồng độ mặn, chế độ thuỷ văn ở sông Tiền, sông Chợ Gạo, sông Trà để nắm những thời điểm nước sông ít nhiễm mặn (khi triều xuống, nước ngọt từ thượng nguồn chảy về) để lập tức bơm, hút. Ngược lại, khi có dấu hiệu xâm nhập mặn (nước ngược từ biển vào) thì các máy bơm và cống đập sẽ được đồng loạt ngăn lại, đảm bảo không có tình trạng xâm nhập mặn vào ruộng đồng.

Có thể nói, với diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, tất cả các giải pháp chỉ là tình thế để đối phó chứ không đáp ứng đầy đủ nhu cầu người dân. Bởi thực tế lưu lượng mưa quá ít và nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông bị khan hiếm khiến cho chính bản thân dòng sông này cũng bị nhiễm mặn, không điều tiết được nguồn nước ngọt như bình thường.

Ông Đặng Văn Biên (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) cho biết, do vùng này nằm trong vùng ngọt hoá nên vào mùa khô, nhà nước sẽ tiến hành bơm nước ngọt từ sông Tiền vào đồng ruộng qua kênh 14, kênh Vàm Rồng vào các cánh đồng phục vụ nhu cầu tưới nước của người dân. Nhưng hiện nay, các con kênh trong vùng đều không có nước ngọt bởi nước sông Tiền bị nhiễm mặn nhiều ngày liên tục. Ngay cả các khu vực như cù lao Tân Phong, Ngũ Hiệp (địa phận thị xã Cai Lậy), cách cửa biển chừng 80km cũng xuất hiện phèn mặn thì khu vực cửa sông Tiền như ở Gò Công Tây không thể sử dụng nước được. Đó là lý do các máy bơm, kênh rạch không có tác dụng điều tiết nước ngọt. Trong khi đó, nước ngọt dự trữ ở kênh rạch, ao hồ cũng không còn vì khoảng 4 tháng liên tục vùng này không có mưa.

Đoàn Xá