Chặn thông tin xấu độc
Trong khi cả nước đang nỗ lực chống dịch Covid-19, thì trên mạng xã hội một số người lại tung ra và chia sẻ những thông tin xấu, sai sự thật về dịch bệnh. Những thông tin đó không những ảnh hưởng đến điều hành, quản lý nhà nước mà còn khiến nhiều người, gia đình, doanh nghiệp trở thành nạn nhân.
Về vấn đề này, trao đổi với PV báo ĐĐK, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng.
PV: Thưa ông, dù chúng ta đã ban hành Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng nhưng tình trạng những thông tin xấu độc vẫn diễn ra trên mạng xã hội, nhất là gần đây trong lúc cả nước đang chung tay chống dịch Covid-19 thì những thông tin thất thiệt lại xuất hiện khiến người dân hoang mang lo lắng. Là người từng thẩm tra 2 luật trên, theo ông nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do đâu, có phải do chế tài của luật chưa đủ sức răn đe?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Nói chế tài của luật chưa nghiêm là không đúng. Vì vừa rồi chúng ta có xử lý một số trường hợp vi phạm với mức phạt rất cao. Vấn đề đặt ra là làm sao phát hiện kịp thời và xử lý cho nghiêm. Thực tế cũng phải nhìn nhận rằng, luật cũng mới ra đời, công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt còn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, lực lượng thực thi nhiệm vụ còn mỏng nên hiệu quả đem lại chưa được như mong muốn. Nhưng quan trọng chính là ý thức chấp hành của người dân. Từ khi có luật và các nghị định, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc rất tích cực, quyết liệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân thiếu tôn trọng pháp luật, họ đều biết việc tung tin sai sự thật là không đúng, làm ảnh hưởng đến xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác chứ không phải không biết nhưng vẫn có trường hợp cố tình vi phạm. Tôi cho rằng, nếu chúng ta vào cuộc quyết liệt như Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì chắc chắn tình hình sẽ giảm.
Vậy phải chăng đạo đức xã hội đang “có vấn đề”, khi mà vẫn còn những người cố tình tung tin sai sự thật khiến người dân hoang mang, thưa ông?
- Thực tế vừa qua cho thấy, không chỉ người dân bình thường mà những người có ảnh hưởng trong xã hội như: người nổi tiếng, diễn viên, ca sĩ cũng có những hành vi đó. Có lẽ tính nghiêm minh của pháp luật là vấn đề rất đáng quan ngại hiện nay. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật phải từ nhiều góc độ khác nhau. Trong đó có một phần nhận thức của người dân nhưng cũng có một phần do thực thi pháp luật chưa nghiêm. Trong nhiều lĩnh vực chúng ta hay cho rằng do chế tài chưa đủ mạnh nhưng đó cũng chỉ là một phần. Cái chính là thực hiện chưa nghiêm, chưa triệt để, chưa quyết liệt, trong thực tiễn đã có những việc xử lý không đến nơi đến chốn. Đó chính là cái làm cho kỷ cương trật tự không được nghiêm. Đơn cử như trong quản lý trật tự xây dựng chẳng hạn, có những công trình to vật vã giữa Thủ đô nhưng vẫn lúng túng không xử lý được. Hay vấn đề vỉa hè xong đợt ra quân lại bị tái chiếm. Trong chừng mực nào đó chính những vấn đề trên làm cho người dân thiếu niềm tin. Cho nên mới dẫn đến sự méo mó về mặt đạo đức. Trong bối cảnh cả nước đang chống dịch Covid-19 lại có những người dân, doanh nghiệp làm ăn gian dối, lợi dụng để kinh doanh thu lợi.
Hiện Việt Nam là 1 trong 10 nước sử dụng internet lớn nhất thế giới. Dân trí đã được tăng lên nhưng phần lớn các trường hợp tung tin sai là do cố tình chứ không phải không hiểu vấn đề. Ý kiến của ông?
- Hiện nay nhận thức của một bộ phận người dân về văn hóa, trình độ dân trí ngày càng nâng lên. Nếu nói không biết mà vi phạm là chưa đúng. Ngay trong việc ban hành chính sách, xử lý vi phạm chúng ta đâu có phân biệt các vùng miền, dân tộc khác nhau. Ai vi phạm cũng bị xử lý nghiêm. Cái chính vẫn là thực thi pháp luật thực sự chưa nghiêm. Chúng ta đã dành nhiều nguồn lực, tập trung cho xây dựng đất nước nhưng vấn đề đạo đức, truyền thống dân tộc nhiều cái đã bị ảnh hưởng. Quan hệ ứng xử xã hội giữa người với người, việc các lễ hội bị biến tướng đó là cái rất đáng phải suy nghĩ. Cho nên tại đại hội tới, trong vấn đề văn hóa, Đảng cần nhìn nhận và đưa ra những đánh giá, đường lối trong giai đoạn mới để có quyết sách mang tính chuyển biến, thay đổi tình hình.
Như vậy chúng ta phải nâng cao việc thực thi pháp luật để giữ vững kỷ cương phép nước đồng thời cũng phải làm sao để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”, thưa ông?
- Giữa phát triển với văn hóa có cái chưa tương đồng, nghĩa là kinh tế phát triển còn đạo đức thì lại có xu hướng ngược lại. Chúng ta chưa thấy được sự đồng bộ, tỷ lệ thuận giữa phát triển kinh tế với đạo đức xã hội, văn hóa, các mặt khác của đời sống văn hóa xã hội. Ngay như khi làm Luật Giáo dục chẳng hạn, triết lý giáo dục như thế nào chúng ta cứ bàn đi bàn lại mãi, nói rằng triết lý nằm trong đường lối, chính sách. Thực ra điều đó đúng nhưng chưa đầy đủ. Cho nên mới có việc các cháu giỏi về văn hóa còn kỹ năng sống và quan hệ xã hội truyền thống của dân tộc bị phai mờ đi. Tôi nói ví dụ người đi từ vùng dịch về nếu khai báo đầy đủ thì làm sao chúng ta rơi vào tình trạng dịch bùng phát như hiện nay?
Trân trọng cảm ơn ông!