Chiến lược chặn Covid-19 của Anh gây tranh cãi
Chiến lược dùng miễn dịch cộng đồng (herd immunity) để ngăn chặn đại dịch Covid-19 của Anh, được Thủ tướng Boris Johnson công bố mới đây, hiện đang gây nhiều tranh cãi và đi ngược với toàn bộ châu Âu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Nguồn: Reuters).
“Miễn dịch cộng đồng”
Được ủng hộ bởi một số nhà khoa học và cố vấn y tế hàng đầu của nước Anh, Thủ tướng Johnson mới đây công bố chính phủ của ông sẽ bắt đầu giai đoạn “trì hoãn” trong kế hoạch ngăn chặn dịch Covid-19, và cảnh báo người dân Anh rằng họ sắp đối mặt với “cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong một thế hệ” và có nên chuẩn bị tinh thần trong trường hợp “mất đi người thân”?.
Và khi phải đối mặt với viễn cảnh tồi tệ như vậy, Anh có áp dụng các biện pháp phòng dịch như các nước bị ảnh hưởng khác? Câu trả lời là không, ít nhất trong thời điểm hiện tại.
Chính phủ Anh liên tục nói rằng họ không tin là việc cấm tụ họp ở nơi công cộng hay đóng cửa trường học - như Italy, Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã làm - là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Đó là một thực tế bất chấp các đảo quốc thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh, gồm Cộng hòa Ireland và Scotland áp dụng các biện pháp tương tự như châu Âu.
Dưới sức ép phải áp dụng các biện pháp giống như với các nước EU, Chính phủ Anh cuối cùng phải tuyên bố rằng họ sẽ công bố lệnh cấm tổ chức các sự kiện lớn.
“Các Bộ trưởng đang làm việc cùng trưởng cố vấn khoa học và quan chức y tế cấp cao để đưa ra kế hoạch cấm nhiều loại sự kiện cộng đồng, trong đó có tụ họp đông người nơi công cộng, bắt đầu từ tuần tới” - Chính phủ Anh nói trong một tuyên bố.
Lý do mà Anh không áp dụng biện pháp hạn chế giao tiếp xã hội (social distancing) dường như xuất phát từ dự báo của Chính phủ rằng đại dịch có thể chưa đạt đỉnh trong vòng 14 tuần tính từ thời điểm hiện tại - và rằng người dân không sẵn lòng thay đổi nhịp sống thường nhật mà tuân thủ các biện pháp mới trong vòng 3 tháng liền, bởi vậy khó có thể áp dụng các biện pháp mạnh tay để chống dịch virus corona.
Khuyến cáo mà Chính phủ Anh đưa ra với người dân là tự cách ly trong vòng 7 ngày nếu xuất hiện triệu chứng ho hoặc thân nhiệt cao, và tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay và vệ sinh các bề mặt mà họ hay chạm vào.
Các Bộ trưởng trong Nội các Anh tuyên bố rằng quyết định của họ là hoàn toàn dựa trên khoa học thuần túy. Theo họ, sẽ là điều tốt cho cả đất nước khi người dân phát triển “miễn dịch cộng đồng” đối với virus corona chủng mới. Nói ngắn gọn, Chính phủ Anh muốn một bộ phận người dân Anh nhiễm Covid-19, tự phát triển miễn dịch.
Hướng tiếp cận này lập tức làm dấy lên các luồng ý kiến trái chiều trong cộng đồng y khoa. Một số chuyên gia nói ông Johnson chưa hiểu rõ về tình trạng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, trong khi số khác lại ngợi khen Chính phủ Anh vì các biện pháp này, bất chấp sức ép phải làm giống như phần còn lại của châu Âu.
Thỉnh cầu thư yêu cầu Chính phủ mạnh tay
Nhiều người sử dụng Internet ở Anh đã khởi xướng phong trào lấy chữ ký trực tuyến, yêu cầu Chính phủ tích cực ứng phó với bệnh Covid-19 và làm theo biện pháp phong tỏa cả nước của Italy. Tính đến sáng ngày 15/3 giờ Hà Nội, số lượng chữ ký đã tới hơn 170.000.
Nhiều người chỉ trích mạnh mẽ Thủ tướng Johnson vì không thực hiện các biện pháp như đóng cửa trường học hoặc phong tỏa biên giới. Một số cư dân mạng Anh đã quyết định tiến hành phong trào lấy chữ ký trực tuyến trên trang web của Quốc hội Anh, yêu cầu Chính phủ tích cực ứng phó với dịch bệnh, bao gồm việc bắt chước Italy, tiến hành phong tỏa toàn quốc để hạn chế dân chúng ra vào các thành phố.
Theo quy định, nếu số lượng chữ ký chung vượt quá 100.000, Quốc hội sẽ phải thảo luận về các vấn đề liên quan và Chính phủ phải trả lời.
Cùng ngày, 229 nhà khoa học đã ký tên vào thỉnh cầu thư gửi Chính phủ yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhất để ngăn chặn dịch bệnh và nghiêm khắc phê phán, phản đối luận điểm “để cho 60% dân số mắc bệnh Covid-19 thì mới khiến cả xã hội tăng cường được khả năng miễn dịch của Cố vấn khoa học Patrick Vallance của ông Johnson.