Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam: Từ 'cùng tắc biến' đến 'bước qua mũi chân mình'

Trần Chiến (thực hiện) 16/03/2020 14:08

Tinh Hoa Việt xin giới thiệu cuộc trò chuyện thú vị giữa nhà văn Trần Chiến và họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam.

Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam: Từ 'cùng tắc biến' đến 'bước qua mũi chân mình'

Trần Chiến: Tôi muốn mở đầu bằng cái gì vui vui, như là dịp đầu tiên họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam được người ta biết đến nhiều.

Phạm Viết Hồng Lam: Năm 1986 tôi đăng ký làm triển lãm tranh bột mầu ở phòng trưng bầy của Hội Mỹ thuật. Hội đồng Nghệ thuật - gồm các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Phan Kế An, Mai Văn Hiến, Trần Đình Thọ… - thông qua thì mới được bầy. Tôi rất run, giải xuống sàn 20 bức thành hai lớp, các ông đi qua đi lại xem xét, sau lại thêm 10 bức. “Thôi không phải bầy nữa”, ông Cẩn chủ tịch hội đồng bảo, rồi hỏi giám đốc nhà triển lãm còn bao nhiêu khung đem bầy hết cho Lam. Tôi sững sờ. Cuối cùng trình được 90 bức. Thành công! Thành một hiện tượng cho bột mầu trong hội họa bấy giờ.

Và bán được tranh, nhiều thứ được thay đổi?

- Ít eo hẹp hẳn. Vợ chồng nhắm miếng đất ở làng Mọc Giáp Nhất làm chỗ vẽ và tiếp tục dậy học, sau dời hẳn nhà Thiền Quang, xuống đây trồng cây, có không gian riêng cho sinh hoạt.

Tôi không hiểu lắm giá trị mấy chữ “hiện tượng với tranh bột mầu”.

- Vì theo quan niệm thông thường trong giới, được coi là tác phẩm thường phải trên sơn dầu, sơn mài hoặc lụa vì nó tồn tại bền. Còn bột mầu chỉ là chất liệu trên mức ghi chép vì nó khó giữ lâu chứ không phải kém sang trọng. Tôi cũng theo lối ấy. Rồi bà Thảo nhận xét “bố vẽ bột mầu đẹp đấy”…

Tức là vợ anh, chị Phương Thảo, con cụ Tạ Thúc Bình lứa Mỹ thuật Đông Dương?

- Đúng rồi. Đáng nói là nghe thấy thế tôi tự ái. Ngâm ngẩm buồn. Nhưng vẽ sơn dầu sơn mài thì lấy đâu ra tiền. Đến cụ Phái “phố” xin được tuýp mầu nào còn bóp hết luôn tuýp ấy. Giấy tốt cũng đắt, mà bột mầu có thể quệt cả trên giấy báo. Thôi đành lặng lẽ chơi cái khiêm nhường này, mầy mò, lọ mọ, tìm tòi mọi cách. Ra được cái riêng cho mình, cũng có thể gọi là cái khó ló cái khôn.

Cái nết khiêm nhường này do đâu? Hỏi thế vì thân sinh anh là cụ Phạm Viết Song, cũng Mỹ thuật Đông Dương, lại là thầy nhiều họa sĩ thành danh, thì anh xuất thân con nhà nòi còn gì.

- Không hẳn thế. Không mấy người biết xuất phát ban đầu của tôi lại nhiều mặc cảm, khá tự ty với nhiều bạn học đâu. Dài dòng lắm…

Tôi thích Phạm Viết Hồng Lam với những đường nét “ngây thơ”, đặc biệt là mầu. Làm sao mà mầu lên trong, sâu, tạo cảm giác hồn nhiên, tự nhiên như thế, nếu không có gì bí mật?

- Tôi thích cái tự nhiên như chính tự nhiên. Ai bảo ngây thơ cũng được, mà nó có hẳn một trường phái đấy, tất nhiên không thể ngây ngô tả chân. Nhìn những gì “hàn lâm” kiểm soát, sắp xếp kỹ, áp đặt quá lại thấy nó khô. Với tôi, hình trong tranh chỉ là gợi tả tới cái thực có, còn mầu mới là cảm nhận tự do khi mình vẽ, không phụ thuộc vào vật thể. Những đống rơm, con trâu con gà, tàu chuối của tôi đa phần mẫu từ ngoại ô Hà Nội xưa, nhưng nó đại diện cho vùng Bắc Bộ, văn hóa sông Hồng, mình chắt lọc lấy cái nền nã, sang trọng. Chứ vào Nam Bộ thì mình lại không có cái hồn ấy.

Thế anh có thích nhạc Trịnh?

- Vừa vừa thôi. Cũng là bình dân. Tôi nghe nhiều dòng nhạc, lâu nhất là cổ điển.

Còn thủ thuật tạo mầu thì chả có gì bí mật. Như vẽ xong lần đầu thì “tắm” tranh. Đem vào toa lét dội nước. Để se se rồi tô lại, nó trong hẳn. Mà cái này cũng do phải tiết kiệm. Sau này lại ra cách rửa tỉa, tắm từng chỗ trước để se se rồi tắm lại toàn thể, những mảng ấy sẽ lên hiệu quả khác nhau.

Tưởng tượng ông họa sĩ nghịch nước trong toa lét, vui nhỉ.

- Trong “chốn” ấy, mình thấy mầu phát sáng, tươi như tự có từ trong tranh ra, thì mãn nguyện. Cách khác, là tôi pha điệp với mầu phết lên giấy dó mộc, mầu lên trong, không bị bì bì, đục. Trong khi dòng Đông Hồ là phết điệp lên tranh trước rồi in theo khuôn sau. Nhiều variants lắm, mà công vợ quét mầu cơ bản trước không ít, vì tôi bệnh, phải hạn chế tiếp xúc với hóa chất trong mầu.

Văn Giáo là họa sĩ sành sỏi về bột mầu, ngạc nhiên hỏi bố tôi “Nó vẽ kiểu gì thế?”. Thế nhưng ông không làm theo đâu. Tranh ông ấy đắp nhiều bột, nặng nề, hay bị rơi mầu. Cũng phải nói đấy là “nguyên tắc” thôi, vào cụ thể phải tỉ mỉ, đắn đo, đối chiếu lắm, mỗi anh lại mỗi khác.

Giờ xin chuyển sang những đận đời của anh, để mà có thể hiểu thêm về con người nghệ thuật.

- Thế phải nói luôn điều này. Tôi đẻ ở Vinh, nơi có sông Lam núi Hồng, chắc có duyên may với mầu sắc ngay từ cái tên.

Vâng, rất thú vị, anh hẳn hay nhìn vào những mặt tích cực của đời sống. Dù sao thời anh lớn lên thì cá nhân, cá tính chưa được nhìn nhận như giờ, do quan niệm xã hội và chiến tranh. Nhưng gia đình nghệ thuật thì chắc có phóng túng hơn chứ…

- Cũng không hẳn. Bố tôi họa sĩ nhưng còn là thầy giáo, ít nhiều mô phạm. Tôi đàn đúm đánh nhau là ăn đòn. Mẹ gốc Thanh Hóa, đã đỗ tú tài một nhưng ở với ông ngoại trong Huế thì có “tân thời” cũng chừng mực. 15 tuổi tôi chả có thiên hướng gì. Nhưng dù sao cũng gọi là có “nhúng” vào hội họa, bố cho vào lớp vẽ “sáng tạo”, chơi với các anh. Rồi theo các thầy Mạnh Quỳnh, Đinh Minh, Phạm Viết Song ở Trường Mỹ thuật dân lập Hà Nội, tương đương hệ trung cấp. Bằng tốt nghiệp phổ thông của tôi là hệ bổ túc văn hóa.

Anh vào bộ đội có tiếc nghề không?

- Giờ nói ít người tin: háo hức lắm. Năm 1965 nhập ngũ, qua ba tháng học nghề thành lính thợ bậc hai, muốn vào Huế để biết những gì mẹ kể, ăn cơm hến, thấy sông Hương. Trên xe vào chiến trường cả bọn hát hét tưng bừng, háo hức lắm. Mà không phải vì có lí tưởng gì, chỉ thấy vui thôi.

Nghĩa là “đường ra trận mùa này đẹp lắm”?

- Không. Đấy là chiến tranh. Bị thương lần đầu ở phà Ghép, mảnh bom sượt bụng. Rồi vào đoàn vận tải 559, ông bạn Đức Dụ họa sĩ bên tuyên huấn đề nghị tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên lấy về làm tờ tin, nhưng tôi xin ở đơn vị. Thích thế thôi, lính tráng phóng khoáng hơn, không phải vì lãng mạn nữa. Lần sau bị thương tháng 1/1969, tôi ngồi xe thiết giáp phóng từ để phá mìn ở bản Đông, đến đỉnh dốc ăn bom, xe lăn xuống vực sâu 40 mét, tai chẩy máu, điếc từ đấy. Đến tháng 3 đang dưỡng thương, đêm có xe hỏng, đơn vị chả còn ai nên mình ra sửa. Đang cảm thấy trên đường cực kì yên bình thì B52 giải. Hơn 30 ông móc trong đống đất sập ra, nằm giải trên tấm ni lông đều trần truồng, đỏ dừ máu, tôi ở trong số 18 thằng đặt miếng bông lên mũi còn động đậy. Quân y “giã” toàn pênixilin mà thoát được. Rồi kết nạp Đảng, ra Bắc hàm trung sĩ, “đóng” luôn thương binh loại 3/8 nay là 3/4 với 45% thương tật.

Tâm trạng lúc đó chắc ngán ngẩm?

- Không phải là ngán ngẩm. Trại an dưỡng có cái giếng làng to, sâu 30 mét, đêm tôi mò ra mấy lần định nhẩy xuống. Rồi không muốn chết nữa, nhưng sống cũng chưa biết để làm gì. Lại không báo tin về nhà. Nói chung không nghĩ đến tương lai.

Ngay cả làm ông “thợ vẽ” theo nghề nhà?

- Chả biết có sống, sống ra thằng người gì, thì làm gì ra ông thợ vẽ. Rồi ở nhà cũng biết qua thằng bạn đảo ngũ “Lam đâu ở Thanh Hóa”, nhờ người tìm thấy. Thư bố viết “Về với bố mẹ đi” (nghẹn ngào). Ở trại an dưỡng tôi được thủ trưởng quý vì thành tích làm bích báo, hỏi có đi học nước ngoài không. Điếc đặc thì học gì nữa chứ!

Nghe bi quan...

- Không phải bi quan. Mà là cùng đường rồi. Nhưng cùng tắc biến, đấy là câu của bố “Về đi, về học vẽ” rơi xuống. Nhưng cũng chỉ nghĩ sẽ có cái nghề kiếm sống thôi, có sứ mạng sáng tạo, tìm tòi cái đẹp gì đâu. Nhưng cũng thuận lợi, được chuyển ngành, đi học có lương.

Lính tráng thường có “mảnh tình vắt vai”, anh thì sao?

- Có một em ở Thọ Xuân, xinh, thích nhau, mình đi là hết. Không ngờ cô ấy ra nhà nhận là “người yêu”. Nhiều thứ bỏ lại như thế, như nhật ký, giấy, bút, tập kí họa lúc đi.

Anh tiếc chứ?

- Nói thì không tin đâu, không tiếc. Còn muốn quên đi. Về vùi đầu vào lòng mẹ là “thôi”. Gần tết 1970, mẹ lên trại Tây Tựu vui vẻ cho máy điếc “cục gạch”, mua nhờ bán hết tem phiếu tết và thêm tiền nữa. Nghe chỉ thấy ù ù rẹt rẹt, vào khoa Tai mũi họng Viện 108 sửa thì hử hả được. Cải thiện thêm bằng cách tập nhìn mồm người nói chuyện, và bút đàm.

Và rồi con đường nghệ thuật mở ra…

- Không. Đó là con đường sinh tồn. Để mình sống, dặt dẹo gì đấy. Tôi theo bố lên Nhà Văn hóa Hàng Buồm tập vẽ mẫu, ôn văn sử. Hôm thi nhìn xung quanh rất choáng, các bạn Ca Lê Thắng, Đào Minh Tri, Đặng Thu Hương, Tạ Phương Thảo… đều hành nghề lừng lẫy hoặc đi dậy rồi. Mình cứ tinh thần “điếc không sợ súng” xông tới thôi. Tôi đỗ vớt đấy, nhờ thương binh, là người thứ 10 trong khóa đại học ấy. Tức là có người thừa điểm phải thế mạng cho mình.

Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam: Từ 'cùng tắc biến' đến 'bước qua mũi chân mình' - 1

Một tác phẩm của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam.

Tưởng tượng là anh đào tạo không chuẩn, chưa qua sơ cấp rồi trung cấp thì…

- Mặc cảm, thiếu tự tin là tất nhiên. Điều này nói ra có vẻ sách vở, tinh thần người lính cho tôi rất nhiều. Chăm lắm, có hôm ở lớp đến 12 giờ đêm. Được cái mình hiền, trong hoàn cảnh ấy rất cố gắng, lại có cô em xinh xắn nên được thương. Xuất phát kém, tôi yếu về hình họa, các bạn chỉ cho cách lấy khối, đánh bóng với tĩnh vật, tượng, người mẫu. Câu “học thầy không tầy học bạn” chỗ này rất đúng.

Năm 1971 đi chống lụt ở Gia Lộc Hải Dương, khi về lớp kỉ niệm địa phương tranh cổ động lớn. Anh em dựng khối, mình chỉ pha mầu. Đến cái lốp ô tô thì tắc, thầy Huy Oánh bảo mình từng lính thợ nên đi. Nhát cọ “trình đời” là ở đấy.

Rồi đến “một ngày đẹp trời” thấy tự tin?

- Không có “một ngày” nào cả. Nó đến từ từ, từng tý một, lại trong “hoàn cảnh thiếu thốn” mới buồn cười. Sơ tán thiếu tượng, người mẫu, càng không studio ánh sáng chuẩn…, cứ trâu bò đống rơm dàn mướp quanh mình vẽ, không ngờ lại hợp tạng. Hàn lâm thì không bằng người rồi, nhưng vẽ trang trí thì tôi được khen đẹp, hình ngô nghê rất ăn. Tôi bổ sung dần bài bản, và tốt nghiệp điểm trung bình thấp.

Dù sao tốt nghiệp là đã có cái nghề.

- Đúng. Nhưng thời gian dậy sư phạm nhạc họa lại là quá trình thấm lại, thấm thêm các lý thuyết, kĩ năng cơ bản, rồi đến vai trò năng khiếu, sự hình thành con người chuyên nghiệp.

Tức là anh “hợp” với nghề dậy học?

- Trước năm 1975 hầu như không có họa sĩ chuyên nghiệp. Ngay ông Phái “phố”, tôi ngờ làm nhiều tranh nhỏ là để có thêm tiền, uống cà phê, chứ tranh to khó bán. Ai cũng phải có một nghề gì đó, sướng nhất là làm công chức vẽ. Dạy học là nghề bố truyền lại, với mình là nghiệp, chỉ biết theo thôi, dù nó nghèo, phải quy củ giờ giấc, mô phạm…, tức là không “nghệ sĩ” lắm.

Năm 1986 anh làm triển lãm, có thương hiệu. Hình như có một nhóm “họa sĩ Hà Nội” cũng bán được tranh lúc ấy?

- Đó là thời khắc quan trọng, hình thành thị trường, họa sĩ sống được bằng nghề, có người phong lưu. Tôi được mời làm triển lãm ở Singapore, 45 tuổi xin về hưu làm anh tự do, về nhà vườn.

Thành công năm ấy tạo ra động lực mới, chắc thế?

- Không phải. Sau ngây ngất là khủng hoảng. Làm thế nào vượt được mũi chân mình, áp lực kinh lắm. Trạng thái mất tự tin khiến tôi xa lánh đám đông, những trà dư tửu hậu. Không đến nỗi cáu gắt nhưng như là trầm cảm. Vẫn vẽ, ghi chép nữa, như một thói quen, những gì bất giác. Tôi dùng những mẩu lụa nhỏ làm vài trăm bức nông thôn, vẫn bột mầu, bầy cũng được ưa thích, nhưng thực ra là để lấp chỗ trống, đỡ nhàm chán.

Nhà văn Tô Hoài có câu “Cứ ngồi vào bàn thì chữ tự bò ra…”

- Cái này không giải thích được. Đề tài đầy nhưng vẽ thế nào. Phải liên tục làm, không vẽ thì ghi nhật ký, tự sự với mình.

Triển lãm tranh xé giấy năm 1992 cũng là một thành công đấy chứ.

- Cũng là “cùng tắc biến”. Tôi bị ung thư vòm họng. Choáng người, sợ chết, rồi thoát sau hai đợt nhịn đói tổng cộng hơn ba mươi ngày. Đỡ rồi thấy cuộc sống quý giá làm sao. Không được vẽ bột mầu vì có hóa chất, tôi nghịch chơi như trẻ nhỏ với giấy màu, cũng là “bắt chước” Matisse và Bùi Xuân Phái. Nhờ vợ quét mầu nền, mình lựa giấy dầy mỏng, tạo viền, xơ, vò nhăn…, làm nhiều thì có “tếch ních” riêng. Loại này giờ nhiều người làm rồi.

Anh cho được thóc mách thêm, có loạt tranh nào không vừa ý không?

- Loạt sơn mài. Mà trong những loạt khác vẫn có cái không vừa ý.

Thế còn loạt mới nhất thế nào ạ?

- Mươi năm trước con gái mời sang châu Phi, rất ngại, phải thay đổi, đau ốm. “Trùng hợp” là vợ bảo mình đang lặp lại đấy, các mô típ, hình, mầu. Bèn đi để thoát cuộc khủng hoảng nhỏ. Kenya, Tanzania…, ở lều thổ dân, tôi ngỡ ngàng trước kho mặt nạ của họ. Về thì ra loạt chân dung đồng nghiệp, bạn bè, nhưng có cảm nhận của mình về từng người. Như Tô Ngọc Vân đằng sau có “bóng” ông già cầm đuốc đi học, là sự nhận đường của ông đầu kháng chiến. Lê Trí Dũng phải ra “lão chăn ngựa”, rồi người khác mất khả năng nghệ thuật vì tham vọng quyền lực không thành.

Lại có vai trò chị Phương Thảo…

- Đấy là một may mắn lớn trong đời tôi. Vợ là tri kỷ, duyên phận, cái “ác xăng” cho mình hình thành phong cách, không thỏa mãn để chinh phục cái mới. Cái cách thúc giục cũng nhỏ nhẹ, chả nhiều lời mà thấm sâu. Không có bà ấy tôi chỉ là anh thợ vẽ. Bà ấy bảo con gái “ban đầu lấy bố vì thương” đấy.

Có bao giờ anh vẽ chiến tranh? Hay xứ Huế, nơi anh mơ đến khi vào lính?

- Trong nghệ thuật, “tạng” là thứ quan trọng. Chiến tranh, dù nhiều kỉ niệm, không hợp tạng tôi. Xứ Huế thì tò mò qua lời mẹ kể, thỏa mãn rồi là hết cơn.

Vở “Tự bạch” của anh câu đầu là “Ngày Kim Thổ theo lịch Khổng Minh”, thì anh tin siêu nhiên, tâm linh nhiều không?

- Tôi có nghiên cứu tử vi, dịch để bổ sung một cách nhìn chứ không phải để tin hay không tin. Có những cái tiền định rồi, như mình sinh ra trong gia đình họ Phạm. Còn sau đó cuộc đời nặn tiếp mình, như sống thời ấy phải qua chiến tranh để có nghị lực, biết quý cuộc sống. Không lấy được người vợ tào khang thì tôi chỉ là anh công chức vẽ…

Nói thế này khí ngô nghê, anh là người thích vẽ…

- Hội họa cần năng khiếu, nhưng tự anh phải đẩy nó lên, tu tâm dưỡng tính, lắng nghe bản thân, hút lấy hồn cốt tự nhiên… mới vẽ tự nhiên nhi nhiên được. Những cái này nói mãi không hết đâu.

Thế hỏi câu cuối cùng. Nếu không có thương tật, bị điếc, ung thư…, liệu có một họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam tài hoa, quảng giao, phong lưu, “ở bẩn nuôi râu uống rượu chém gió”, thỉnh thoảng làm triển lãm không bị coi là nhạt?

- Tôi không nghĩ nhiều đến chữ “nếu” đâu. Với 5 cái stent đặt sau cơn nhồi máu cơ tim năm 2015, tôi đang cảm nhận nhiều cái đã qua. Như là mỗi giai đoạn chuyển đổi đều có vai trò bà Thảo. Vợ tôi còn là người bạn, vừa là người thầy, luôn giúp mình ra khỏi bế tắc bằng cách khuyến khích quyết liệt nhưng mềm mại. Và mình, cứ tìm kiếm cái mới “như là trầm cảm” thì khó ra cái ông như anh nói lắm.

Xin dừng ở đây và cảm ơn anh.

Trần Chiến (thực hiện)