Sức sống Mo Mường
Hòa Bình là nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc Mường. Trải qua thời gian, người Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng, trong đó, Mo Mường là một loại hình nổi bật, độc đáo có giá trị nhân văn sâu sắc.
Các thầy Mo ngày càng tuổi cao, sức yếu.
1. Giới nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, Mo Mường là một di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng. Cụ thể, người Mường thường sử dụng Mo để thực hành nghi lễ. Thống kê cho thấy có tới 23 nghi lễ được thực hiện sử dụng Mo. Vai trò của ông Mo gắn liền với vòng đời của con người: Từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời, ông Mo cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Khi đau yếu, lạc vía, Mo làm vía mụ sao cho trẻ được khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thông minh. Tuổi trưởng thành, khi đau yếu, Mo làm vía giải hạn, trừ tà ma. Vai trò của ông Mo còn thể hiện qua đám cưới, trong lễ cúng gia tiên hai họ đến đón dâu hay lễ mừng nhà mới, lễ mát nhà, cầu sức khỏe, bình an... Đến tuổi già sức cạn, ông Mo làm lễ kéo si mong cho sức khỏe, minh mẫn, sống lâu. Khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường Trời, ông Mo đóng vai trò là cầu nối tiễn hồn người chết sang thế giới bên kia.
Hiện có nhiều bản Mo được sưu tầm, song có 3 bản Mo chính đã được sưu tầm, xuất bản có dung lượng và quy mô lớn. Theo nhà sưu tầm văn hóa dân gian Bùi Thiện thì tiến hành đầy đủ Mo phải mất 23 ngày liên tục với 115 roóng Mo (tương đương như các chương, hồi trong tiểu thuyết) và hơn 44.000 câu thơ Mo.
Trong số các nghi lễ do ông Mo làm chủ lễ có Mo tang lễ thể hiện đầy đủ giá trị cốt lõi nhất của Mo Mường với hàng chục nghìn câu thơ, văn vần được diễn xướng trong suốt 12 ngày đêm tiến hành tang lễ cổ truyền. Các câu thơ, văn vần trong Mo tang lễ được chia thành các cát Mo, có nơi gọi là roóng Mo. Mỗi chương Mo có chủ đề, có mục đích sử dụng riêng cho từng đề mục nghi lễ được tiến hành trong tang lễ. Nội dung các cát Mo chứa đựng các giá trị sử thi dân gian, phong tục tập quán, tri thức dân gian với ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Bản Mường trong ngày hội.
2. Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra, ở các vùng Mường hiện nay có 5 làn điệu Mo được dân gian đặt tên: “Ò hoi”, “Dà dê”, “Hâm mo”, “Dà đôông” và “Hệu kệu”. Những làn điệu Mo này, về mặt âm nhạc có giai điệu khác nhau. Cách gọi tên như vậy vì đó là đặc điểm dễ phân biệt giữa các điệu Mo, là câu hô xướng đầu tiên của các điệu Mo.
Ngày nay, Mo Mường vẫn có sức sống bền bỉ với dân tộc Mường. Giới nghiên cứu cũng khẳng định, Mo Mường đã góp phần hình thành dưỡng nuôi cốt cách, tâm hồn của bao thế hệ nhân dân giàu truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc Mường và vùng đất Hòa Bình. Mo Mường là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện thiết tha tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu quê hương xứ sở, thể hiện khí phách, cốt cách của con người và vùng đất miền núi bản mường ở Hòa Bình. Mo Mường chính là tính cách, là tâm hồn và đạo nghĩa của dân tộc Mường. Từ quá khứ đến hiện tại, các thế hệ người Mường đã lưu giữ, truyền miệng và phát huy một cách bền vững những giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống, sức lan tỏa sâu rộng của di sản phi vật thể vô cùng quý giá này.
Theo các nhà nghiên cứu, Mo có một số thể loại:
- Thể loại Mo nghi lễ: Loại Mo này bao gồm những bài mo gắn với các lễ nghi trong đời sống tín ngưỡng của người Mường.
- Thể loại Mo kể chuyện: Thể loại Mo này bao gồm những bài mo có chức năng kể chuyện. Thể loại mo này không cố định về mặt nội dung mà phụ thuộc vào không gian, thời gian, hoàn cảnh hành lễ, sự sáng tạo và tâm lý của Ông Mo. Tuy nhiên nó bắt buộc phải có ở một số nghi lễ và có thể giản lược hay tạm vắng ở một số nghi lễ.
-Thể loại Mo nhòm: Về nội dung và tính chất, Mo nhòm là loại mo tả cảnh. “Nhòm” trong tiếng Mường có nghĩa là ngắm nhìn ra phía xa. Nội dung những bài Mo nhòm hầu hết là miêu tả về phong cảnh, đất nước, con người.
3. Mặc dù đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tuy nhiên Mo Mường cũng đứng trước nguy cơ mai một. Cụ thể, tại Hòa Bình, số lượng những ông Mo, thầy Mo trong các bản, làng ngày càng ít dần. Một con số thống kê của Sở VHTTDL Hòa Bình cho thấy, toàn tỉnh hiện có 284 nghệ nhân Mo Mường, độ tuổi trẻ nhất cũng đã ở quãng 50-60. Nhiều thầy Mo tuổi cao, sức yếu, lần lượt theo nhau “về trời”, mang theo cả một kho tàng tri thức dân gian về bên kia thế giới. Trong khi đó, việc truyền dạy nghề làm Mo không phải dễ dàng. Chưa kể từ nhiều năm nay, đồng bào Mường thực hiện việc tang lễ theo nếp sống văn hóa mới- chỉ giới hạn nghi lễ đám tang không quá 2 ngày, từ đó phải giản lược các bài Mo trong quá trình diễn xướng Mo tang lễ.
Để bảo tồn di sản văn hóa Mo Mường, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều giải pháp cụ thể như hỗ trợ xuất bản công trình “Mo Mường Hòa Bình” dày 3 tập với hơn 22.000 câu Mo, do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Nợi sưu tầm, biên soạn. Năm 2012, Sở VHTTDL Hòa Bình tổ chức thực hiện kiểm kê Di sản văn hoá phi vật thể Mo Mường tại 11/11 huyện, thành phố. Nội dung điều tra, kiểm kê và tổ chức sưu tầm để nắm được số lượng ông Mo hiện đang hành nghề trong tỉnh; số lượng bài Mo của từng vùng; tổ chức quay phim, chụp ảnh, ghi âm các bài Mo thực tế thông qua phần diễn xướng của các ông Mo. Sau đó tổ chức hội thảo từng vùng Mường; tổ chức thẩm định, nghiệm thu và lập hồ sơ khoa học trình các cấp quyết định đưa vào kho dữ liệu bảo tồn…
Từ việc lưu truyền Mo Mường thông qua truyền khẩu (vì người Mường chưa có chữ viết) đã có nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật Mo Mường theo phương pháp phiên âm từ tiếng La-tinh nhưng do nhiều cách ghi khác nhau nên chưa truyền tải được hết nội dung và giá trị của Mo Mường. Vì vậy, lập hồ sơ khoa học về Mo Mường và xây dựng bộ chữ viết dân tộc Mường có thể coi là “khâu đột phá” bởi chỉ có chữ viết mới có thể ghi lại Mo Mường một cách chính xác để từ bản ghi chính thức này dịch Sử thi Mo Mường sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác phục vụ cho việc lập hồ sơ khoa học về Mo Mường.
Tỉnh Hòa Bình cũng đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình, giai đoạn 2019- 2025 và những năm tiếp theo” nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa Mo Mường. Qua đó giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc Mường. Bên cạnh đó cũng khắc phục sự mai một và làm cho Di sản văn hóa Mo Mường không ngừng được lưu truyền, tái tạo…
Có thể nói, Hòa Bình đã tiến hành đồng thời nhiều biện pháp để gìn giữ, bảo tồn và phát triển Mo Mường. Song song với đó, Hòa Bình cũng mong muốn đưa di sản Mo Mường trở thành sản phẩm du lịch, tạo cơ sở vững chắc để đưa vào danh mục trình Chính phủ, trình UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại...