Gà nướng bản Đôn

Triệu Mai 21/03/2020 08:00

Du khách đến bản Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) thường mách nhau thưởng thức những món ẩm thực độc đáo, trong đó có món gà nướng hấp dẫn…

Gà nướng bản Đôn

Gà nướng bản Đôn.

Gà thì ở đâu cũng có, nhưng gà bản Đôn được bà con nuôi thả tự nhiên nên vẫn có vị riêng. Đặc biệt, cách chế biến món gà nướng của bà con ở đây đã tạo nên một món ăn đáng thưởng thức. Cùng với món heo rẫy nướng, gà nướng bản Đôn là hai món ăn du khách thường lựa chọn vì sự đậm đà của món ăn và là những thực phẩm được bà con nuôi trong vườn.

Món thịt gà nướng bản Đôn thường được ướp với nước sả, muối ớt và mật ong rừng. Gà cũng phải được giữ nguyên con và nướng xa lửa để mùi vị thấm dần đều, ám khói thơm ngây ngất. Món gà này ngon nhất khi chấm với muối sả hoặc muối ớt rừng xanh được làm theo đúng chuẩn Tây Nguyên.

Còn món heo rẫy nướng cao nguyên và heo nướng muối ớt đều có mùi đặc trưng bởi các loại gia vị tẩm ướp cơ bản: củ nén, ngò gai, gốc mùi, sả, ớt. Món nướng cao nguyên thì chặt nhỏ xiên tre, món nướng muối ớt thì nướng nguyên con dùng dao xẻo tại bàn. Bí quyết heo nướng để lâu vẫn óng ả giòn thơm là dùng sô-đa đánh tan mạch nha và nước cốt chanh, phết nhiều lớp lên da, quay đều trên bếp than hồng.

Một món ăn khác mà nhiều du khách cho rằng, nếu đã đặt chân tới TP Buôn Ma Thuột mà chưa nếm thử thì coi như chưa đi hết thành phố này. Đó là món bún đỏ Đăk Lăk. Bún đỏ là tên gọi theo màu của sợi bún, sợi bún ở trên này giống sợi bánh canh của người miền Trung nhưng to hơn, ăn dai giòn. Ban đầu chúng có màu trắng tinh nhưng cho vào nồi nước dùng được nấu từ gạch cua, xương heo và nhất là cho thêm hạt điều để “nhuộm” thì chuyển sang màu đỏ bắt mắt. Độc đáo nhất của món bún này chính là màu đỏ pha vàng của nước lèo và sợi bún. Bí quyết của màu nước lèo ấn tượng này chính là sự hòa trộn của hạt điều đỏ và gạch cua. Nước từ cua khiến nồi nước lèo bún đỏ có vị ngọt thanh và mùi đặc trưng.

Gà nướng bản Đôn - 1

Bò một nắng.

Bên cạnh đó, là món bò một nắng cũng rất được ưa thích. Món ăn này có thành phần là thịt bò thái mỏng ướp qua các loại gia vị, sau đó được đem phơi ngoài nắng trong một ngày nên mới có cái tên là bò một nắng. Thịt sau khi phơi khô được người dân đóng gói kỹ, khi muốn ăn chỉ cần lấy ra nướng trên than hồng là có món thịt nướng thơm ngất ngây. Bò một nắng nướng thường được dùng với muối kiến vàng, một loại muối chấm của người dân tộc miền núi. Người làm rang chín kiến càng, sau đó giã nhuyễn với lá then len để làm loại muối đặc biệt này. Khi ăn, thực khách sẽ xé từng miếng thịt bò rồi chấm vào chén muối, dùng kèm với các loại rau rừng.

Ẩm thực Tây Nguyên không thể thiếu các loại rau rừng (rau lủi) Gia Lai. Rau lủi mọc tự nhiên, và gần đây được bà con trồng nhiều ở miền núi cao tỉnh Gia Lai và các tỉnh ở Tây Nguyên. Đây là một loại rau dân dã nhưng có vị ngọt, mát, thơm, hấp dẫn vị giác. Rau lủi hay còn gọi rau bầu đất, kim thất thuộc loại bò trườn có chiều dài trên 1m, thân nhẵn với nhiều cành. Lá mọc so le, cuống ngắn, đầu lá nhọn, mép cứa răng cưa không đều, lá dày, nhẵn mọng nước. Rau lủi có mùi đặc trưng như mùi thuốc bắc khiến người ăn có cảm giác lạ miệng từ vị rau cho tới hương thơm ngào ngạt. Rau lủi rừng có một vị đặc trưng, nó mang vị ngọt thanh mát của núi rừng, kích thích vị giác...

Triệu Mai