Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn
Trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020, nông dân tỉnh Tiền Giang đã xuống giống được trên 58.000 ha, đạt 98,8% chỉ tiêu. Qua khảo sát của ngành chức năng, trong vụ này, có 17 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác và 21 doanh nghiệp, cơ sở, thương nhân địa phương tham gia ký kết hợp đồng liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn với 3.574 hộ tham gia trên diện tích 3.500 ha.
Vùng lúa xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) được xây dựng cánh đồng lớn kiểu mẫu.
Đến đầu tháng 3/2020, bà con đã thu hoạch đầu vụ được gần 7.800 ha với năng suất đạt khá, nông dân có lãi. Ước tính, bình quân năng suất đạt 70,47 tạ/ha và sản lượng trên 54.000 tấn lúa hàng hóa. Diện tích còn lại đang được khẩn trương thu hoạch dứt điểm nhằm chuẩn bị chu đáo cho sản xuất vụ Xuân Hè sắp tới.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, xuống giống đúng lịch thời vụ tập trung, né rầy và né hạn mặn… nên năng suất lúa đạt cao.
Tại huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp Cai Lậy nằm trong vùng ngập lũ phía Tây, bà con thu hoạch đạt năng suất bình quân đến 78 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước. Cai Lậy cũng là địa phương đi đầu trong xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất áp dụng khoa học công nghệ cao như sản xuất lúa hữu cơ, lúa VietGAP, GlobalGAP,…; trong đó, diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, được doanh nghiệp bao tiêu 520 ha ở các xã trọng điểm: Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc, Thạnh Lộc, Phú Nhuận.
Đáng chú ý, tại Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy), trong vụ Đông Xuân 2019 – 2020 đã gieo cấy 100 ha lúa theo tiêu chí GlobalGAP đạt năng suất bình quân 78 tạ/ha, sản lượng thu hoạch 780 tấn. Bà con được doanh nghiệp bao tiêu giá 5.000 đồng/kg, cao hơn giống lúa cùng loại không đạt chuẩn GlobalGAP 400 đồng/kg. Trong vụ Xuân Hè, Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam tiếp tục triển khai trồng 100 ha lúa GlobalGAP.
Trên địa bàn huyện Gò Công Tây mô hình cánh đồng lớn có quy mô 100 ha được thực hiện từ vụ Hè thu 2018 tại ấp Thạnh Lạc, xã Đồng Thạnh. 80% các giống lúa trong mô hình là giống lúa thơm VD20, áp dụng kỹ thuật gieo sạ lan với mật độ từ 100 - 120kg/ha.
Tham gia mô hình, nông dân được nhận hỗ trợ 100 kg lúa giống, 54 kg phân hữu cơ/ha. Qua 4 mùa vụ, hầu hết (90%) nông dân suốt vụ không phun thuốc trừ sâu. Ghi nhận tại các ruộng lúa tham gia mô hình cho thấy: Tỷ lệ sâu, bệnh thấp; các loài thiên địch cư trú đa dạng; năng suất lúa đạt bình quân 5 tấn/ha, tương đương với năng suất lúa ngoài mô hình; giá bán cao hơn từ 500 - 700 đồng/kg. Nhìn chung, mô hình đã giúp nâng cao chất lượng hạt lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân; đồng thời giảm chi phí sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện nay, các tiến bộ kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” chiếm đến gần 90% diện tích sản xuất, cơ giới hóa các khâu sản xuất đạt 100% diện tích, 100% sản lượng lúa được tập trung sấy tại các cơ sở sấy lúa tập trung. Qua đó, giúp nâng cao phẩm chất lúa gạo, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Đầu vụ thu hoạch, giá lúa tươi tại ruộng dao động trong khoảng 4.400 đ đến 4.500 đ/kg, lúa chất lượng cao dao động từ 4.900-5.000 đồng/kg tùy theo địa bàn. Với giá này, mỗi ha, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi khoảng 21 triệu đồng.