Nhà đầu tư cẩn trọng với vàng
Sau khi đạt mức kỷ lục 50 triệu đồng/lượng vào khoảng cuối tháng 2/2020, sang tuần đầu của tháng 3, giá vàng có xu hướng lao dốc liên tục. Tính đến thời điểm này, giá vàng trong nước đã bỏ khá xa mốc 47 triệu đồng/lượng. Giá vàng sụt giảm khá sâu và chưa có dấu hiệu tạm ngưng khiến cho giới đầu tư bắt đầu e ngại. Giới chuyên gia nhận định, người dân cần cẩn trọng khi lựa chọn vàng là kênh đầu tư.
Giá vàng trong mùa dịch “nhảy múa” khó lường.
Giá vàng tiếp tục giảm sâu
Phiên giao dịch sáng 16/3, giá vàng thế giới giao dịch ở ngưỡng 1.534 USD/ounce, tương đương 43,04 triệu đồng/lượng.Trong nước, giá vàng SJC được giao dịch tại các công ty vàng bạc đá quý quanh mức 44,48 – 45,48triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Cụ thể, lúc 9h sáng 16/3, giá vàng SJC tại Hà Nội được Công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức: 45,60triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,72 triệu đồng/lượng (bán ra), giữ nguyên giá chiều mua vào và giảm100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên chiều 15/3.
Sáng 16/3, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 45,60 - 46,60 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào - bán ra so với phiên giao dịch liền trước.
Cùng thời điểm, thương hiệu Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giao dịch quanh mức 44,48 - 45,48 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), tăng 80.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên chiều 15/3. Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức: 45,75 - 46,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên chiều 15/3.
Cũng vẫn bỏ khá xa mốc 47 triệu đồng/ lượng, giá vàng SJC tại TP. Hồ Chí Minh được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức: 45,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,70 triệu đồng/lượng (bán ra), Thời điểm 9h sáng nay tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức: 45,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và46,70triệu đồng/lượng (bán ra), giữ nguyên giá chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượngchiều bán ra so với chốt phiên chiều qua.
Trong khi đó, sáng 16/3, giá vàng thế giới được ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.556,5 USD/Ounce, tăng 38,3 USD trong phiên. Giới chuyên gia kinh tế nước ngoài nhận định, giá vàng liên tục biến động sau thông báo của FED hôm 15/3 về việc cơ quan này đang giảm mức lãi suất xuống biên độ từ 0% tới 0,25%. Lần gần nhất FED giảm lãi suất xuống mức này là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Kênh đầu tư ẩn chứa nhiều rủi ro
Có thể thấy, sau khi đạt đỉnh 50 triệu đồng/ lượng vào cuối tháng 2/2020, giá vàng đã lao dốc mạnh và vẫn chưa có dấu hiệu tạm ngừng. Đến thời điểm này, giá vàng đã bỏ xa mốc 47 triệu đồng/ lượng. Giá vàng lên xuống thất thường và tiếp tục còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng này khiến nhiều người dân sau khi tìm đến kênh vàng để đổ tiền vào đã bị lỗ khá nặng. Chị Nguyễn Thị Thu (chung cư Gold Silk Complex, Hà Đông, Hà Nội) cho hay, hồi cuối tháng 2, thấy giá vàng có xu hướng tăng, chị Thu dành tiền mua 3 lượng vàng, nhưng ngay sau đó, chị Thu đã bị lỗ nặng, và chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua, chị Thu đã bị mất hơn chục triệu đồng do đã chót đầu tư vào kim loại quý này.
Nêu nguyên nhân của việc giá vàng “nhảy múa” thời gian qua, giới chuyên gia cho rằng, đó là do tác động mạnh mẽ của dịch bệnh Covid -19, người dân lo ngại nên dịch chuyển tài sản. Ai cũng cho vàng là kênh đầu tư an toàn hơn cả và cũng sinh lời cao nên tập trung đổ vốn vào vàng. Chính bởi vậy, nhiều người đổ tiền đầu tư vào vàng khiến cho giá vàng bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, khi giá vàng thế giới giảm xuống, giá vàng trong nước cũng “bắt nhịp” và liên tục giảm. So với mức giảm của giá vàng thế giới (đã xuống đến 43 triệu đồng/ lượng quy đổi ra tiền VNĐ) giá vàng trong nước vẫn chênh lệch khá xa, trên 1,8 triệu đồng/ lượng. Lý giải nguyên nhân giá vàng trong nước dù giảm vẫn có độ chênh cao so với giá vàng thế giới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng một phần do yếu tố nguồn cung vì từ lâu chúng ta không nhập khẩu vàng. Trong khi nhà đầu tư, người dân lại không muốn bán ra lúc này. Còn người mua muốn tranh thủ mức giá thấp để “bắt đáy”. Điều này đã khiến cho giá vàng trong nước không thể sụt giảm nhanh và sâu như giá vàng thế giới. Song, dù vậy, vị chuyên gia vẫn thừa nhận, giá vàng vẫn đang trên đà lao dốc và còn chưa thể dự đoán được những biến động thị trường này.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá vàng đã có nhiều phen chao đảo, lên xuống thất thường. Từ mức 43 triệu đồng/lượng hồi tháng 1/2020 vọt lên mức 49 -50 triệu đồng/ lượng rồi lại “rơi tự do” gần về mốc 43 triệu đồng/lượng. Điều này một lần nữa minh chứng tính bất ổn, nhiều rủi ro của kênh đầu tư này. Chính bởi vậy, theo lời khuyên của giới chuyên gia, người dân khi có tiền không nên dồn hết vào một kênh đầu tư, đặc biệt là đối với vàng, trong bối cảnh còn ẩn chứa nhiều rủi ro, nhà đầu tư chỉ nên bỏ tiền nhàn rỗi vào kênh này, đầu tư lướt sóng là nguy hiểm. “Thời điểm này, đổ tiền vào vàng là khá rủi ro, chỉ nên dồn một phần trong số vốn mình có, còn lại có thể chọn chứng khoán và đầu tư an toàn hơn cả vẫn là gửi tiết kiệm. Vì những ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ hết khi Covid -19 được khống chế, lúc đó, kinh tế thế giới sẽ nhanh chóng phục hồi, giá vàng sẽ tiếp đà giảm”- chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.