Ngành bán lẻ nỗ lực vượt khó
Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến nguyên liệu đầu vào trong sản xuất, dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua hiện nay. Nhằm giải quyết bài toán tiêu dùng, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ phải tăng bán hàng online, giao hàng tận nhà; tăng khuyến mãi, giảm giá sản phẩm,...
Ngành bán lẻ lo lắng doanh thu sụt giảm khi nhu cầu tiêu dùng không cao.
Thay đổi trong hành vi người tiêu dùng
Dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu là hoàn toàn có thật. Vì vậy, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường sẽ giảm đáng kể- bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết. Về vấn đề này, bà Louise Hawley-Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam khẳng định, đại dịch đã tạo ra những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng. 60% thay đổi cách họ sử dụng thời gian rảnh rỗi, 70% đã thay đổi kế hoạch du lịch và 47% thay đổi thói quen ăn uống cùng với 25% người tiêu dùng giảm lượng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống bên ngoài.
Điển hình với ngành dệt may, không chỉ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất, giảm đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn. Hoạt động kinh doanh của thị trường nội địa của nhiều doanh nghiệp (DN) cũng bị thiệt hại nặng nề với doanh số bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ giảm từ 80-85%. Đại diện Cty Nhựa Duy Tân cho hay, DN không nhập nguyên liệu từ Trung Quốc nên không ảnh hưởng. Tuy nhiên, DN lo ngại Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác đang dịch bệnh. Đây là những thị trường mà DN nhập khẩu nguyên liệu. Ngoài băn khoăn khi nút thắt về nguồn cung nguyên liệu, vấn đề đầu ra cho sản phẩm cũng được doanh nghiệp đề cập. Theo lãnh đạo DN Duy Tân, nhựa không phải là mặt hàng thiết yếu nên có nguy cơ bị người tiêu dùng cắt giảm khi kinh tế khó khăn, vì vậy dự báo thời gian tới doanh thu của DN sẽ sụt giảm. Sở Du lịch TP HCM thông tin, lượng khách quốc tế đến TP HCM trong 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.186.750 lượt, giảm 21,71% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu ước đạt 21.127 tỷ đồng giảm 10.7% (cùng kỳ 23.660 tỷ đồng), đạt 15% kế hoạch năm 2020. Một số DN khác cũng cho hay, khách hàng tìm đến cửa hàng, show rom giảm 30 – 50%. Thậm chí, không ít các cửa hàng than phiền và lo lắng khả năng thu hẹp số cửa hàng do phải gánh phí mặt bằng cao trong khi doanh thu sụt giảm mạnh.
Chuẩn bị cho tương lai
Quan ngại về nhu cầu trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, song bà Louise Hawley cho rằng, tình huống hiện tại cũng không hẳn là xấu nếu DN có thể điều chỉnh dịch vụ của họ theo nhu cầu của người tiêu dùng cho ngày hôm nay và chuẩn bị cho tương lai khi mọi thứ trở lại bình thường.
Để chặn đà sụt giảm doanh số, nhiều DN đã tích cực đẩy mạnh các kênh bán hàng online cùng với các hoạt động khuyến mãi, ưu đãi để kích cầu. Ông Phan Văn Việt- Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean), chủ các cửa hàng quần áo thời trang V-Sixty Four nói, doanh số bán hàng online của DN này tại thị trường nội địa đã tăng từ gấp 4 - 5 lần so với thời điểm bình thường. Tuy nhiên để có được kết quả trên, phải giảm giá sản phẩm và miễn phí vận chuyển để thu hút khách hàng. Theo ông Việt, hầu hết doanh số bán online tại thị trường nội địa của các DN kinh doanh sản phẩm thời trang đều tăng. Nhưng tăng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng của từng DN.
Ngăn chặn tình trạng sức mua trực tiếp của các mặt hàng sụt giảm, nhiều thương hiệu bán lẻ đã triển khai bán hàng qua điện thoại, bán hàng online và giao hàng tận nơi, phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm của khách hàng. Saigon Co.op vừa công bố sẽ tăng cường dịch vụ bán hàng tận nhà. Theo đó, hơn 800 điểm bán của Saigon Co.op tăng cường đặt hàng và giao hàng qua điện thoại kể từ ngày 16/3. Tương tự, từ tháng 2, hệ thống Siêu thị BigC đã triển khai dịch vụ gọi điện đặt hàng qua số điện thoại và giao tới tận nơi cho khách hàng. Theo số liệu thống kê của đơn vị, doanh số của chương trình bán hàng này trong nửa đầu tháng 3 đạt trên 1.000 đơn hàng. Dự kiến, khu vực TP HCM sẽ đạt doanh số khoảng 3.000 đơn hàng trong tháng 3; mức tăng trưởng khoảng trên 200% so với tháng 2.