Liều vaccine cho doanh nghiệp
Chiều tối 16/3, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định hạ một loạt lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.
Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất. Ảnh: Quang Vinh.
Như vậy, từ ngày 17/3, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39 năm 2016 giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,0%/năm xuống 6,5%/năm…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Những động thái kể trên được cho là “liều vaccine” cần thiết cho các doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ đang phải chịu trận mùa dịch bệnh; kể cả khi dịch bệnh hết thì dòng vốn hỗ trợ cũng như các chính sách tiền tệ thích hợp cũng vẫn vô cùng cần thiết.
Theo giới chuyên gia, hiện các DN vừa và nhỏ đang cần gấp những “liều thuốc giảm đau” giúp tăng thanh khoản. Mà liều thuốc giảm đau đó chính là tiền vay lãi suất thấp từ ngân hàng. Nhưng với bước đi lâu dài để phòng “dịch”, thì không chỉ là “liều thuốc giảm đau” mà phải là những “liều vaccine” để trị bệnh, từ đó mới thực sự khỏe lại.
Tới thời điểm này, nhiều DN lâm vào tình thế khó khăn khi mà cả sản xuất lẫn kinh doanh đều đang bị ảnh hưởng nặng nề suốt hơn 2 tháng qua từ dịch Covid-19. Giảm sản xuất, đóng cửa hàng, giảm nhân viên là phương án mà nhiều DN trong nước buộc phải lựa chọn tại thời điểm này, để “bảo tồn sức lực” từ đó gắng gượng phục hồi khi giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh đi qua.
Theo khảo sát của Ban Phát triển kinh tế tư nhân (trên 1.200 DN, trong đó 75% là DN có quy mô lao động dưới 100 người), các biện pháp phản ứng hiện nay là cắt giảm lao động (39%), giảm chi phí (21%), cho nhân viên nghỉ không lương (4%) và tạm dừng kinh doanh (4%). Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, các DN vừa và nhỏ gặp khó trong việc tiếp cận dòng vốn ngân hàng. Đây là nhóm có khả năng bị tổn thương cao nhất trong cộng đồng DN, bởi nguồn vốn của họ có hạn, dòng tiền của bản thân DN cũng không đủ dồi dào để dự trù cho một quãng thời gian dài ngắt quãng kinh doanh.
Dù rất khó khăn do phải căng mình chống dịch, nhất là khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên diện rộng, nhưng để hoàn thành “mục tiêu kép” thì việc ngân hàng hạ lãi suất, cũng như với gói hỗ trợ 250.000 tỉ đồng từ chủ trương của Chính phủ- một lần nữa cho thấy quyết tâm rất lớn để duy trì và phục hồi sản xuất. Không để sản xuất kinh doanh đình trệ, giải pháp lãi suất ngân hàng và bơm vốn được coi là những liều vaccine cần thiết cho căn bệnh suy thoái và đình trệ. Tất nhiên, để liều vaccine trị bệnh suy thoái, đình trệ đó phát huy hiệu lực thì nó cần thời gian để ngấm. Nhưng quan trọng là chúng ta đã “bắt được bệnh, kê được đơn” một cách chính xác.
Việc hạ lãi suất ngân hàng có thể có tác dụng ngay, nhưng suy cho cùng cũng chỉ là một trong những giải pháp mang tính tình thế. Còn gói hỗ trợ toàn diện cho DN không phải một sớm một chiều mà đến được các địa chỉ cần thiết. Thực tế cho thấy, bước vào mỗi cuộc khủng hoảng, các DN lớn lại được “ưu tiên” giải cứu. Khi mà nguồn lực có hạn thì việc chọn cách giải cứu DN lớn thì đương nhiên khả năng cứu các DN nhỏ sẽ giảm đi. Và cũng một thực tế khác, đã có những gói hỗ trợ mà dòng vốn cứu trợ chảy sai địa chỉ, vào những lĩnh vực không hiệu quả. Vì thế, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng chịu thiệt hại để họ hồi phục phải được xem là vấn đề then chốt.
Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính và lãnh đạo DN vẫn cho rằng, việc ngân hàng giảm lãi suất cũng như các giải pháp “bơm vốn” từ Chính phủ quả thực là liều vaccine quý giá trong bối cảnh hiện nay. Rất có thể liều vaccine ấy không chỉ là liều thuốc giảm đau, mà là trị bệnh để DN hồi phục. Đây là liều vaccine hết sức cần thiết cho mùa dịch bệnh và cũng là phương thức “nâng cao thể trạng” cho DN để có sức bật khi thời cơ đến.
Vấn đề còn lại là tiếp cận được nguồn vốn có dễ không. Đặc biệt, bản thân DN có thực sự đưa dòng vốn vay được (hoặc nguồn vốn được hỗ trợ) để đưa vào sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn rất khó khăn này; hay là có tiền trong tay rồi lại san ra nhiều gói để xử lý những việc khác, mà không đưa vào sản xuất?