Băn khoăn kỳ thi THPT quốc gia
Thời điểm này, đã gần hết tháng 3, nhưng học sinh lớp 12 trên cả nước mới chỉ hoàn thành chương trình học kỳ I. Thực tế này đặt ra vấn đề ôn và thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ như thế nào do thời gian nghỉ (phòng tránh dịch Covid-19) kéo dài bất thường.
Hiện tại hầu hết các địa phương trên cả nước đã đều thông báo cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, phòng tránh dịch. Nhiều trường, địa phương áp dụng phương pháp học trên truyền hình, học online, song theo ghi nhận vẫn không thể đảm bảo 100% học sinh đều có thể tiếp cận phương pháp học này. Không ít giáo viên đã có chung đề xuất, nên giảm tải kiến thức ôn tập cho các em.
Theo phân tích, trong thời gian nghỉ học phòng Covid-19, có những phụ huynh chủ trương cho con về quê tránh dịch, có những gia đình lại không tin tưởng cho con dùng máy tính, có những em cũng không có điều kiện học trong thời gian nghỉ…Như vậy rõ ràng việc học online chưa có sự đồng bộ từ nhà trường, giáo viên đến sự tham gia của học sinh và phụ huynh. Đây là một là vấn đề lớn cần quan tâm, bởi vẫn còn vùng lõm ngay giữa Thủ đô, cũng như độ “vênh” giữa các vùng miền… Những giải pháp đưa ra hiện nay vẫn chỉ tập trung vào khu vực thành thị, còn các em ở khu vực miền núi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Bộ mới có điều chỉnh về thời gian thi THPT quốc gia, còn nội dung cụ thể vẫn cần có sự điều chỉnh.
Cụ thể, thầy Nguyễn Xuân Khang- Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) đề xuất, đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Bộ GDĐT có thể xem xét và quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Bởi năm nay, khi chưa xảy ra dịch bệnh, Bộ GDĐT cũng đã chủ trương không công bố đề minh hoạ kỳ thi quốc gia.
Còn TS Nguyễn Tùng Lâm- thành viên Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, việc điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia sang tháng 8 của Bộ GDĐT phù hợp nếu học sinh nghỉ hết tháng 3. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, thì việc lùi thời gian thi không còn khả thi. Theo thầy Lâm, nếu kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào tháng 8 như đã điều chỉnh, việc chấm thi mất khoảng 1 tháng để hoàn thành. Như vậy, việc công bố kết quả thi và xét tuyển CĐ, ĐH sẽ phải kéo dài đến giữa tháng 9, trong đó mùng 5/9 đã khai giảng năm học mới. Theo đó, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng đề xuất Bộ GDĐT nên xem xét việc xét tuyển thay vì thi THPT quốc gia. Việc xét tuyển ĐH sẽ giao về cho các trường xét học bạ hoặc có những cách đánh giá khác cho phù hợp.
Ông Đỗ Hoàng Sơn- chuyên gia của Liên minh Giáo dục STEM, thì đề xuất xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 theo kết quả 5 học kỳ đã qua. Khi xét phải căn cứ vào điểm trung bình, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trong nhiều năm, điểm số từ trên xuống dưới. Với trường hợp cá biệt mà trường không tự quyết định được thì có thể cho học sinh tham gia kỳ thi chung do Sở GDĐT tổ chức.
Có những ý kiến khác cho rằng, hiện nay, Bộ đã công nhận dạy trực tuyến, các trường cũng có thể dạy trực tuyến thông qua nhiều phương thức. Như vậy có thể có hai phương án đặt ra là tổ chức thi tập trung hoặc thi trực tuyến được không?
Trước những đề xuất này, nhiều băn khoăn cũng đang được đặt ra: Luật quy định có thi mà không tổ chức thi thì có đúng không? Trong tình trạng khẩn cấp có thể có những thủ tục pháp lý dừng thực hiện một điều khoản nào đó của một Luật hiện hành được không?