Bảo đảm nguồn cung thịt lợn
Để chủ động ứng phó, cũng như bảo đảm nguồn cung thịt lợn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19 lan rộng trên toàn cầu, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc tái, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Ngày 17/3, giá thịt lợn hơi tại miền Bắc có dấu hiệu giảm nhưng giá tại các chợ lẻ thì vẫn giữ nguyên. Ảnh: Quang Vinh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: Tính đến ngày 15/3, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu đạt gần 25.300 tấn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn tăng từ Canada 29%, Đức trên 19%, Ba Lan 12%, Brazil 12%, Hoa Kỳ 5,5%. Bên cạnh đó, thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò nhập khẩu cũng tăng khá.
Tuy nhiên, với nguồn thịt lợn nhập khẩu, Cục Thú y vừa đề nghị Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 lây lan diện rộng, các nước ngừng nhập cảnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại. Đồng thời, Cục Thú y cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn. Ngân hàng Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.
Để chủ động ứng phó, cũng như bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong nước, Cục Thú y cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn, đôn đốc tái, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Nhưng do thời gian tái đàn cần từ 5-7 tháng, nên từ tháng 3/2020 trở đi sản lượng thịt lợn sẽ tăng. Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia thành lập các tổ công tác kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương để phối hợp, hướng dẫn việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.
Với nhiều địa phương, cần bỏ cách chăn nuôi thủ công, áp dụng thành công các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học trong thời gian qua đã cho kết quả cao. Như tỉnh Phú Thọ đã thành công tái đàn nhờ “cách ly” virus dịch tả lợn châu Phi. Đây là một trong những tỉnh có tổng số đàn lợn lớn ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Có được kết quả này là do tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo người dân chăn nuôi an toàn sinh học, chỉ tái đàn ở các cơ sở tập trung, chăn nuôi khép kín từ lợn nái đến lợn thịt.
Như vậy, sau 3 tháng khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của Phú Thọ đã tăng hơn 20.000 con. Hiện nay, mỗi tháng tỉnh Phú Thọ cung cấp ra thị trường khoảng hơn 90.000 con, tương đương khoảng 9.000 tấn thịt lợn hơi.
Hay huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng cũng đang từng bước tái đàn lợn an toàn. Cuối tháng 12/2019, huyện Phục Hòa đã công bố hết dịch. Hiện nay, công tác tái đàn lợn trên địa bàn huyện đang được chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về công tác phòng, chống dịch. Các hộ chăn nuôi tái đàn, tăng đàn dưới sự hướng dẫn, giám sát và kiểm tra của cơ quan chuyên môn. Toàn huyện có hơn 300 hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn lợn trên tổng số gần 1.000 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện, với tổng đàn lợn hiện nay của toàn huyện là hơn 11.000 con, tăng trên 4.000 con so với lúc vừa công bố hết dịch.
Cũng với việc đảm bảo nguồn cung thịt lợn, đề cập đến vai trò của DN, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, DN phải có trách nhiệm tham gia và đưa ra thị trường với giá hợp lý tích cực nhất. Có như vậy mới bảo vệ được thị trường cùng với người dân về lâu dài, chứ nếu giá cao quá thì nay mai thị trường quay lưng lại.