Xây chui nhà máy may trên đất nông nghiệp
Một nhà máy may 2 tầng, tọa lạc trên khu đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi thuộc xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đang hoạt động rầm rộ với cả trăm công nhân. Tuy nhiên, nhà máy may này chưa hề có bất cứ một thủ tục cấp phép nào của cấp ngành chức năng.
Nhà máy may hoạt động rầm rộ dù không được cấp phép.
Ngang nhiên hô biến đất nông nghiệp!
Từ trục trung tâm xã (trục tỉnh lộ, nơi trưng đặt biển tuyển dụng công nhân) rẽ dọc theo kênh Than chừng 500m thuộc địa phận thôn Thanh Bình, xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia. Trước mắt chúng tôi là một nhà máy may lắp ghép 2 tầng, trên nền diện tích khoảng 600m2. Qua quan sát từ bên ngoài, nhà máy với đầy đủ hệ thống gồm nhà xưởng chính, nhà để xe cho công nhân, nhà bảo vệ. Hệ thống nhà máy được bao bọc bởi hệ thống tường rào kiên cố có đường điện cao áp dẫn thẳng vào khu vực sản xuất.
Quá trình quan sát, tìm hiểu, một người trong nhà máy ra dò hỏi mời chúng tôi vào làm việc. Vị này tự xưng là giám đốc nhà máy tên là Hồ Bá Lam. Ông Lam thừa nhận, nhà máy may này đã từng bị UBND xã Thanh Sơn xử phạt. Hiện tại, nhà máy được đặt trên phần đất nông nghiệp của gia đình. Tổng diện tích hơn 1.000 m2, trong đó diện tích nhà xưởng là 600m2. Về thủ tục cấp phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hệ thống phòng cháy, chữa cháy… đều chưa có. Ông Lam bao biện rằng: “Đây là phần đất nông nghiệp của gia đình, ngày trước đã từng là bãi chứa sắt vụn, phế thải. Sau này, do kinh doanh sắt vụn khó khăn nên chuyển sang đầu tư nhà máy may và đưa vào hoạt động. Do thiếu hiểu biết về pháp luật nên dẫn tới việc chưa hoàn tất hồ sơ cấp phép theo quy định”.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu nhà xưởng, ông Lam khá tự tin giới thiệu: Nhà máy hiện có khoảng 100 công nhân may cùng hệ thống máy móc tương ứng. Hiện, Công ty đang tiếp tục tuyển dụng thêm công nhân. Trong không gian chật hẹp, không một công nhân nào để ý tới những vị khách lạ như chúng tôi, họ tất bật với công việc của mình… Chúng tôi chợt lo lắng, khi hàng hóa, vải vóc, con người, máy móc bố trí trong một không gian chật chội nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, …
Một hộ dân sinh sống cạnh nhà máy khá bức xúc cho rằng: Phải có sự ưu ái của chính quyền thì ông Lam mới có thể bành trướng đến vậy. Không rõ đơn vị đã chuyển đổi mục đích sử dụng chưa, nhưng rõ ràng đây là đất thuộc hành lang đê kênh Than.
Chính quyền địa phương làm ngơ
Rõ ràng không thể có chuyện một nhà máy may “tầm cỡ” hoạt động rầm rộ mà chính quyền, cấp ngành chức năng huyện này không hay biết. Dư luận địa phương cho rằng, từ khi đơn vị tiến hành san lấp, chính quyền cũng có về kiểm tra nhưng xử phạt mức “ưu ái”. Tới khi đi vào hoạt động, nhân dân phản ánh thì tiếp tục có đoàn của xã, huyện về kiểm tra, xử phạt cho có lệ, đâu lại vào đó, nhà máy này vẫn hoạt động một cách vô tư suốt một thời gian dài. Quá trình tiếp cận hồ sơ được biết, ngày 1/3/2019, UBND xã Thanh Sơn đã phát hiện hộ gia đình ông Hồ Bá Lam lấn chiếm diện tích đất mặt nước do UBND xã quản lý. UBND xã này đã lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4.000.000 đồng.
Ngày 26/3/2019, theo biên bản kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của hộ gia đình ông Hồ Bá Lam cho thấy: Hộ ông Lam đã tự ý xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và đất vườn khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Cụ thể, ông Lam đã xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp (đất vườn, đất ở) với diện tích 550,9 m2 và đất nông nghiệp liền kề 235,8 m2. Quy mô xây dựng nhà khung bằng thép 2 tầng, với tổng diện tích công trình 1.600 m2 (mỗi tầng 800 m2). Ngày 27/3/2019, UBND xã Thanh Sơn ra quyết định số 29 xử phạt hành chính hộ ông Hồ Bá Lam, mức phạt 1,5 triệu đồng và yêu cầu dừng xây dựng, khôi phục hiện trạng trong thời gian 10 ngày. Quyết định là vậy, thế nhưng công trình nhà máy may vẫn vô tư hoàn thiện và đi vào hoạt động cho đến nay.
Theo lời của bà Lê Thị Hà- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn và bà Hoàng Thị Hợp- cán bộ địa chính thì khu đất xây dựng nhà máy may nói trên của Công ty Sông Lam là đất ở và đất vườn chưa được chuyển đổi thành đất kinh doanh thương mại. UBND xã cũng đã yêu cầu Công ty Sông Lam phải tháo dỡ, khôi phục tình trạng ban đầu. Bên cạnh đó, cũng theo bà Hà thì UBND huyện Tĩnh Gia có tổ chức đoàn xuống kiểm tra sự việc nhưng có ra quyết định cưỡng chế hay không thì bà Hà không nhớ. Về việc, nhà máy may của Công ty Sông Lam đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động hay chưa, bà Hà phân trần: “Cán bộ xã gặp công ty để hỏi về các thủ tục hoạt động của nhà may thì Giám đốc Công ty Sông Lam nói: Họ đã nộp hết hồ sơ cho huyện rồi. Chúng tôi cũng đã liên tục nhắc nhở công ty phải nhanh chóng hoàn thành các thủ tục nhưng doanh nghiệp này làm quá chậm”(?).
Đem vấn đề này đến Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Thi-Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ban không nhận được bất cứ hồ sơ, thủ tục nào từ phía nhà máy của Công ty Sông Lam. “Chưa có hồ sơ thủ tục mà hoạt động trái phép, các cấp chính quyền địa phương xã, huyện phải có trách nhiệm xử lý”- ông Thi nhấn mạnh.