Làm tốt, sẽ không cần giải cứu

Hải Nhi 19/03/2020 08:00

Khi đợt “giải cứu” nông sản gần đây nhất còn chưa hết nóng, thì chỉ sau gần một tháng tình cảnh được mùa rớt giá tiếp tục tái diễn với vụ thu hoạch dưa hấu Đông Xuân bán không ai mua tại huyện Tịnh Sơn, Quảng Ngãi. Còn tại tỉnh Khánh Hoà, tôm hùm tồn cả trăm tấn, giá thấp kỷ lục khiến người nuôi tôm lỗ nặng. Như vậy, việc giải cứu nông sản dù có diễn ra thì vẫn không giải quyết triệt để. Vậy, vấn đề là gì?

Làm tốt, sẽ không cần giải cứu

Dưa hấu chín phải bỏ ngoài ruộng tại huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.

Vụ dưa hấu Đông Xuân năm 2020 ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đang vào thời điểm thu hoạch rộ, dưa hấu được mùa nhưng do dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu khó khăn, thị trường nội địa cũng không bán được, giá mỗi kg dưa chỉ vài trăm đồng vẫn không hấp dẫn nổi thương lái. Do đó ở nhiều xã bà con đành ngậm ngùi bỏ dưa ngoài đồng cho trâu bò ăn. Toàn huyện Sơn Tịnh trồng trên 130 ha dưa hấu, đành lại phải kêu gọi giải cứu.

Còn tại Khánh Hòa, hiện tồn khoảng 360 tấn tôm hùm thịt chưa xuất bán được, dù đây là mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Về giá tôm hùm xanh thương phẩm, theo người nuôi ở xã Cam Bình, TP Cam Ranh, loại 3 - 4 con/kg khoảng 520 - 530 ngàn đ/kg, nhưng nếu giá tôm xanh thương phẩm khoảng 650 ngàn đ/kg, thì bà con xuất bán cũng lỗ rồi.

Một điều lo ngại với mặt hàng tôm hùm, việc kêu gọi giải cứu trong nước lần này có thể sẽ khó khăn hơn do thông tin việc đẩy giá tôm hùm chỉ có lời cho nhà buôn, hay chất lượng tôm kêu gọi giải cứu không như mong đợi khiến người tiêu dùng bất bình trong đợt giải cứu tôm hùm gần đây. Nói như một vị lãnh đạo huyện Cam Ranh thì Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thu gom xuất tôm hùm chính ngạch, để có sự ràng buộc về hợp đồng kinh tế. Chứ lâu này tôm hùm chủ yếu đi tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, nên các tư thương tự buôn bán với nhau, thiếu bền vững.

Nhiều người cho rằng, giải cứu nông sản là tốt nhưng không phải là giải pháp căn cốt. Vấn đề không chỉ dừng lại ở những rủi ro khách quan trong ngắn hạn mà phải nhìn nhận nó một cách bền vững, dài hơi.

Không đồng tình với việc diễn ra cảnh mãi giải cứu nông sản, GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng lạm dụng việc giải cứu sẽ gây tiền lệ xấu cho ngành nông nghiệp. Nhất là khi nhiều đối tượng lợi dụng giải cứu để trục lợi lại càng khiến môi trường kinh doanh sa sút, chất lượng sản phẩm giảm. Nếu tiếp diễn tình trạng này, người nuôi trồng vẫn cứ làm hàng kém chất lượng trong khi đó người tiêu dùng phải sử dụng sản phẩm nhiều hóa chất, dư thuốc bảo vệ thực vật. Bởi thực trạng của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là các hộ cá thể nuôi trồng tràn lan không có kế hoạch, còn thương lái chộp giật khiến hoạt động buôn bán liên tục gặp tình trạng “được mùa mất giá”. Theo đó, cần khuyến khích người dân làm ra sản phẩm chất lượng, liên kết được với doanh nghiệp để xuất khẩu chính ngạch. Còn các công ty xuất khẩu nên khảo sát kỹ thị trường, tới tận doanh nghiệp cần nhập ký hợp đồng và cung ứng để nguồn hàng sản xuất có đầu ra tốt.

Theo ông Võ Tòng Xuân, không nên giải cứu mà hãy để người nuôi trồng có bài học kinh nghiệm và làm mọi thứ có kế hoạch hơn. Đồng thời, hỗ trợ và khuyến khích nông dân nuôi trồng theo chuỗi, sạch. Như vậy, hàng không chỉ tiêu thụ được trong nước mà còn xuất khẩu được sang nhiều thị trường thay vì chỉ phụ thuộc Trung Quốc.

Còn nói như Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trần Bá Dương, dùng từ “giải cứu” là “rất phi thị trường”, làm cho nền sản xuất kinh doanh nông nghiệp mang hình ảnh là một ngành gần như có rất nhiều rủi ro, bất khả kháng, không biết làm cái gì mới làm… nông nghiệp. Trong khi phải xem nông nghiệp là một ngành kinh tế, từ “giải cứu” làm mất đi nhuệ khí của nông dân.

Đề cao vai trò của nhà phân phối, ông Dương nhấn mạnh, muốn chấm dứt “giải cứu” nông sản thì vai trò nhà phân phối với khả năng cân bằng thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu là quan trọng. Trong đó, cần đặc biệt yếu tố dịch chuyển thị trường. Ví dụ, với một mặt hàng nông sản có giá xuất khẩu 40 nghìn/kg, còn giá nội địa 30 ngàn/kg, thì dĩ nhiên cần ưu tiên xuất khẩu. Khi xuất khẩu trục trặc, thay vì tốn phí lưu kho thì nhà phân phối có thể gia tăng thị trường nội địa bằng cách giảm giá. Nhà phân phối biết điều tiết lợi nhuận thì dung hòa được thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Nếu làm tốt việc điều tiết thì sẽ không có chuyện giải cứu.

Hải Nhi