Xuất khẩu nông sản vượt khó
Hiện dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng tại 161 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, xuất khẩu nông sản được nhận định sẽ còn chịu nhiều tác động trong thời gian tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần xem đây là một cơ hội, một “áp lực tích cực” cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Xuất khẩu gạo đang tăng mạnh.
Dù gặp nhiều thách thức trong thời điểm hiện nay, nhưng Bộ NNPTNT vẫn đặt ra mục tiêu xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp năm 2020 tăng 0,7 tỉ USD so với năm 2019, đạt 42 tỉ USD. Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 2 tháng đầu năm 2020 đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Điều đáng khích lệ là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu vẫn có giá trị tăng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, mặt hàng gạo tăng cả lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, tính chung trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 900.000 tấn, giá trị kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị. Có thể thấy xuất khẩu gạo là điểm sáng trong bối cảnh nhiều loại nông sản xuất khẩu bị sụt giảm. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường đang có xu hướng liên tục tăng cao, gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30 - 40 USD/tấn, đạt 380 USD/tấn, cao nhất từ tháng 12-2018 đến nay. Giá gạo xuất khẩu tăng kéo giá lúa trong nước cũng tăng theo, hỗ trợ tốt cho người nông dân.
“Xuất khẩu gạo tăng trưởng rất tốt trong hai tháng đầu năm, đặc biệt từ sau Tết với thị trường sôi động, giá gạo tăng mạnh và đều ở các phân khúc, thời gian tăng giá nhanh ngoài dự báo. Giá gạo điều chỉnh tăng thay vì theo quý, giờ tăng theo tuần. Nguyên nhân gạo được giá là thị trường thế giới có sự điều chỉnh, các nước nhập khẩu nhập sớm. Trung Quốc trước đó chi phối thị trường châu Phi nhưng nay có dịch Covid-19 nên chững lại, gạo Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này. Dự báo xuất khẩu gạo năm 2020 có thể đạt trên 3 tỷ USD với sản lượng xuất khẩu 6,7 triệu tấn” -Tổng Giám đốc công ty Lương thực miền Bắc Phạm Xuân Quế thông tin.
Tuy vậy, đối với ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe -Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Nhận định do các thị trường chính của Việt Nam là: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có dịch Covid-19 nên giao thương bị ảnh hưởng. Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 935 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường chịu tác động mạnh nhất là Trung Quốc, kim ngạch giảm tới 46,8%, đạt 80 triệu USD; EU kim ngạch 106 triệu USD, giảm 17,4%; Hàn Quốc gần 90 triệu USD, giảm 16%.
Mặc dù vậy, qua khảo sát của VASEP đã cho các DN xuất khẩu tôm sang Trung Quốc hy vọng khi sang tháng 4 thị trường sẽ hồi phục. Như với cá tra, dự kiến đến tháng 5 mới khôi phục được 70% và tháng 6 sẽ khôi phục hoàn toàn. Ngoài ra, để ổn định thị trường, ngành cá tra sẽ hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua thương lái hoặc gia công để tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt. Ngoài vấn đề thị trường, theo VASEP, dịch bệnh gây ra tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu bị gián đoạn hoặc đình trệ.
Cùng với đó, xuất khẩu trái cây tươi cũng đang gặp khó, ông Nguyễn Đình Tùng -Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group- đơn vị chuyên xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường khó tính, cho hay: Đại dịch Covid-19 lan rộng ra phạm vi toàn cầu khiến việc xuất khẩu bằng đường hàng không sang Mỹ, EU, Canada bị sụt giảm 70%-80% do các hãng cắt giảm đường bay.
Ông Tùng chia sẻ, mong muốn lớn nhất của các DN là được hỗ trợ lãi suất, kéo giãn thời gian đáo hạn ngay lập tức để duy trì hoạt động qua mùa dịch. Về dài hạn, đối với ngành rau quả, nhà nước cần quan tâm hơn nữa công nghệ bảo quản và khuyến khích các dự án chế biến sâu để kéo dài thời gian bán hàng. Nếu không có công nghệ bảo quản sẽ không thể đa dạng hóa thị trường mà chỉ quanh quẩn ở những thị trường gần.
Tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 mới đây, nhấn mạnh về thị trường nông sản xuất khẩu với khả năng vượt khó, Bộ trưởng Bộ NN PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sắp tới sẽ thúc đẩy mở rộng thị trường Nga, Brazil,... Còn ở thị trường Trung Quốc, khi dịch Covid-19 đi xuống sẽ nhanh chóng khôi phục, thông thương hàng hoá ngay, đồng thời xúc tiến mở cửa thêm các loại nông sản mới như sầu riêng, chanh leo, khoai lang,...
“Sau dịch bệnh, bao giờ nhu cầu lương thực, thực phẩm của các nước cũng rất lớn, có thể nói là nhu cầu bùng nổ. Thế nên chúng ta cần tận dụng thời cơ, cần chuẩn bị tốt khâu sản xuất để có nguồn hàng cung ứng cho thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tin tưởng.
Số xe hàng được thông quan tăng mạnh
Theo Bộ Công thương, tính đến ngày 17/3 đã có 2.084 xe hàng hóa, trái cây, nông sản được thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Trong đó xuất khẩu 1,063 xe và 7 toa; nhập khẩu 1,021 xe; số lượng tồn 1,047 xe và 8 toa. Tại tỉnh Lạng Sơn, Cửa khẩu Hữu Nghị xuất khẩu 202 xe (nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, máy móc); nhập khẩu 551 xe (linh kiện điện tử, máy móc, hàng may mặc, nông sản, giấy, phụ tùng ô tô); tồn 114 xe (nông sản, linh kiện điện tử xuất khẩu). Cửa khẩu Tân Thanh xuất khẩu 170 xe (dưa hấu, thanh long, mít, chuối, chôm chôm, lá tre, bột sắn …); nhập khẩu 50 xe (đỗ xanh, dưa vàng, hành củ lạc nhân, nấm, tỏi). Cửa khẩu Cốc Nam xuất khẩu 92 xe (nông sản); số lượng tồn 11 xe (lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm, cá basa đông lạnh)…
Riêng tỉnh Lào Cai, xuất khẩu có chuyển biến tích cực, tại cửa khẩu Kim Thành II xuất khẩu 370 xe (thanh long, dưa hấu, chuối, ván lạng và các mặt hàng khác); nhập khẩu: 232 xe (rau củ quả các loại, phân bón, các mặt hàng khác). Đáng chú ý, cửa khẩu quốc tế đường sắt xuất khẩu 1,932 tấn hàng nông sản. (D.Phương)